Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam - Góc nhìn từ những con số

12/06/2023 - 09:10 AM
Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh đồng thời với tốc độ tăng trưởng của kinh tế địa phương và tại các vùng, miền trên cả nước trong nhiều năm qua. Từ năm 1999, cùng với đô thị hóa, xu hướng số người di cư trong nước bắt đầu tăng nhanh do nền kinh tế Việt Nam phát triển và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Cũng từ đây, di cư và đô thị hóa đã trở thành những vấn đề đáng quan tâm và có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của đất nước.

Đô thị hóa theo xu hướng phát triển chung của đất nước

 Phát triển đô thị được coi là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập với những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình đô thị hóa đem đến cho mỗi địa phương, khu vực và cả quốc gia cơ hội phát triển cũng như sự tăng trưởng vượt bậc ở hầu hết các lĩnh vực. Trong nhiều năm qua, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đô thị đã được quan tâm kịp thời, được bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện để phát triển đô thị có hiệu quả. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 phê duyệt điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2000-2010, Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kết quả trong giai đoạn này, các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hằng năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06-NQ/TW) nhận định: Sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Thống kê đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 888 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 35,7% năm 2015, đạt gần 40% năm 2020 và 41,5% năm 2022. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

 
Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam - Góc nhìn từ những con số
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, bình quân tăng 12-15%/năm, gấp 1,2 đến 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% tổng GDP, thu hút 30% tổng số vốn FDI lũy kế, 32,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Năng suất lao động của các thành phố lớn tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của cả nước; Tài chính cho phát triển đô thị từng bước được củng cố; số lượng các tỉnh, thành phố tự chủ tài chính tăng lên. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, đô thị hóa còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị Việt Nam khang trang xanh, sạch đẹp, cuộc sống văn minh hiện đại. Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống còn 2,97% năm 2022. Trong khu vực đô thị, tỷ lệ hộ nghèo 3% thấp hơn gần ba lần khu vực nông thôn. Tuổi thọ trung bình của cả nước tăng từ 73,3 tuổi năm 2015 lên 73,7 tuổi năm 2020, trong đó các vùng có mức độ đô thị hóa lớn có tuổi thọ bình quân cao hơn các vùng khác.

Quá trình đô thị hóa với những đặc thù là một quá trình chuyển biến một vùng dân cư không có lối sống đô thị sang vùng dân cư mang thuộc tính xã hội đô thị với những chỉ số biểu trưng như: Tỷ lệ dân số đô thị tăng lên trong khi tỷ lệ dân số nông thôn giảm đi, sự mở rộng diện tích và không gian của các đô thị đã có và sự xuất hiện các đô thị mới. Nói một cách đầy đủ hơn, đô thị hoá là một quá trình biến chuyển kinh tế - xã hội - văn hoá và không gian, gắn liền với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, trong đó diễn ra sự phát triển nghề nghiệp mới, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự chuyển đổi lối sống ngày càng văn minh hơn, phù hợp với sự mở rộng không gian thành hệ thống đô thị. Trước những lợi ích lớn mà các đô thị đóng góp, Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn để phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, Nghị quyết 06-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1-1,2 nghìn đô thị.

Đô thị hóa góp phần đẩy nhanh và hình thành xu hướng di cư

Đô thị hóa không chỉ chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần đẩy nhanh và hình thành xu thế di cư trong xã hội. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự tương tác và tác động rõ ràng của đô thị hóa đến vấn đề di cư của Việt Nam và ngược lại. Từ năm 1999, xu hướng người di cư trong nước bắt đầu tăng mạnh do nền kinh tế phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ gia tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại tập trung phần lớn ở các đô thị đã tạo nên sự chuyển dịch cơ hội việc làm; đồng thời là nhân tố quan trọng quyết định xu hướng di cư nội địa do thu hút lực lượng lớn lao động di cư. Với đặc trưng là một nước đang phát triển, đại bộ phận dân số sống ở nông thôn và đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di cư từ nông thôn đến thành thị ở Việt Nam là hiện tượng tự nhiên và luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong các luồng di cư của ba thập kỷ qua.

Trong thập kỷ 1989-1999, do chính sách khuyến khích di dân đến những vùng kinh tế mới, sự chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường cùng với sự phát triển của giao thông vận tải, dân số di cư tăng mạnh từ 2,4 triệu người năm 1989 lên 4,5 triệu người năm 1999, tương ứng với tỷ lệ di cư lần lượt là 4,5% và 6,5% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên. Bước sang thập kỷ 1999-2009, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ kèm theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cũng như sự bùng nổ của các khu công nghiệp, chế xuất, di cư trở nên ngày càng phổ biến với 6,7 triệu người di cư được ghi nhận năm 2009, chiếm 8,5% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên. Tới thập kỷ 2009-2019, việc thực hiện thành công các chương trình mục tiêu, dự án kinh tế - xã hội tại các địa phương mà điển hình là chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, qua đó tác động làm giảm số lượng và tỷ lệ người di cư trong giai đoạn này. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên của cả nước.

 
Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam - Góc nhìn từ những con số 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Nếu giai đoạn 1999-2009, luồng di cư nông thôn - thành thị có sự tăng trưởng mạnh, từ 27,1% lên 31,4% thì đến giai đoạn 2009-2019, tỷ trọng của luồng di cư này giảm xuống còn 27,5%. Di cư từ thành thị đến nông thôn vẫn là luồng di cư có tỷ trọng thấp nhất, dưới 10% và không có nhiều biến động qua ba cuộc Tổng điều tra. Kết quả Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/04/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, luồng di cư thành thị - thành thị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các luồng di cư, đạt 33,8%, luồng di cư nông thôn - nông thôn đứng thứ hai là 32,5%, luồng di cư nông thôn - thành thị là 24,6%, luồng di cư thành thị - nông thôn là 9,6%. Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị cùng với sự cải thiện của cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải đã và đang cho thấy những chuyển biến rõ nét của các dòng luân chuyển lao động giữa các đô thị, các vùng. Năm 2021, trong 6 vùng kinh tế - xã hội có 2 vùng có tỷ suất di cư thuần dương là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Do có sức hút lớn về việc làm nên Đông Nam Bộ là vùng có số người di cư thuần dương cao nhất trong cả nước, hơn 290,1 nghìn người; Đồng bằng sông Hồng có số người di cư thuần dương gần 81,0 nghìn người; Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là vùng dẫn đầu trong cả nước về số người xuất cư, hơn 214,2 nghìn người. Các khu vực thành thị nhờ sức hút việc làm, cơ hội phát triển, điều kiện sống tốt hơn vẫn tiếp tục là nơi thu hút người dân di cư. Ngược lại, các dòng di cư cũng có tác động thúc đẩy đô thị phát triển và mở rộng.

Di cư và đô thị hóa với những thách thức đặt ra

Trong bối cảnh dân số Việt Nam đạt 100 triệu dân vào năm 2023, di cư và quá trình đô thị hóa tiếp tục được đẩy mạnh đồng thời với tốc độ tăng trưởng của kinh tế địa phương và tại các vùng, miền trên cả nước. Đây là động lực phát triển nhưng cũng đặt ra một số thách thức đối với kinh tế và xã hội. Hiện nay, áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt ở Việt Nam là rất lớn, khi mà trong năm 2019 cứ 1000 người dân sống tại các khu vực này thì có tới gần 200 là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước và 5,3 lần khu vực nông thôn. Song song với đó, áp lực nhập cư vào các đô thị loại III cũng tương đối lớn, chỉ sau đô thị đặc biệt với mức 152,4 người/1000 dân, cao gấp 2 lần so với đô thị loại II. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, do nhiều khu vực ở các đô thị loại III trong những năm gần đây đã được đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên thu hút một lượng lớn lao động nhập cư đến những khu vực này. Trong khi đó, đô thị loại IV và V với chủ yếu là các thị trấn và thị xã quy mô nhỏ, mức độ phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế nên áp lực về nhập cư cũng gần như tương đồng với khu vực nông thôn.

Không thể phủ nhận lao động di cư là nguồn nhân lực có vai trò lớn bổ sung nguồn lao động, thúc đẩy phát triển đa dạng các lĩnh lực kinh tế, ngành nghề và sự tăng trưởng chung của các đô thị. Tuy nhiên, di cư và đô thị hóa nhanh cũng tạo ra sức ép lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là trong điều kiện kết cấu hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố, vệ sinh môi trường và các điều kiện khác không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Hiện tượng đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và các vấn đề về môi trường đô thị. Tại nhiều đô thị lớn, bụi, khí xả thải, tiếng ồn, rác, phế thải các loại… từ các công trình xây dựng có quy mô lớn; các phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh, từ sinh hoạt của người dân… làm ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường.

 
Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam - Góc nhìn từ những con số 2
Ảnh minh họa

Không chỉ là thách thức về hạ tầng, môi trường sống tại các đô thị mà lao động di cư còn phải đối mặt với những khó khăn về an sinh xã hội, giáo dục, chăm sóc y tế… Lao động di cư là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ di cư. Bên cạnh tình trạng bất bình đẳng giới, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn đô thị, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội và được bảo vệ của người dân di cư tại đô thị còn hạn chế, khiến chênh lệch giàu nghèo, thu nhập ngày càng tăng. Người nghèo và thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, an sinh xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Người di cư đến các đô thị gặp khó khăn ngay cả với vấn đề chỗ ở khi mà diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư thấp hơn của người không di cư (tương ứng là 21,9m2/người và 25,4m2/người). Đặc biệt, vẫn còn gần một nửa người di cư phải đi thuê/mượn nhà để ở và chủ yếu là thuê/mượn của tư nhân. Trẻ em di cư thiệt thòi hơn trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục, nhất là với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Điều tra qua nhiều năm, tỷ lệ trẻ di cư từ 11-18 tuổi đang đi học luôn ít hơn tỷ lệ trẻ em từ 11-18 tuổi không di cư; điển hình là năm 2019, trong khi có tới 83,9% trẻ không di cư từ 11-18 tuổi hiện đang đi học thì chỉ có 55,7% người di cư giữa các tỉnh trong nhóm tuổi này đang đi học. Ngoài ra, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng đang làm trầm trọng hóa các thách thức ở đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, trong đó có nhóm dân di cư với nhiều yếu thế.

Đứng trước các vấn đề mang tính xã hội, tác động trực tiếp đến kinh tế, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ cùng chính sách điều chỉnh, hợp lý đối với cả quá trình đô thị hóa và di cư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đông dân với ngưỡng 100 triệu dân như hiện nay. Do đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn tới. Các nhóm nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Đối với các thách thức liên quan đến vấn đề di cư, cần tăng cường công tác quản lý về số lượng người dân di cư thông qua việc hoàn thiện chính sách quản lý nhân khẩu, khai báo tạm trú, cư trú. Phát triển các khu đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực cho sự gia tăng dân số quá mức ở các khu vực nội thành; thu hút và quản lý luồng di dân vào các ngành nghề phù hợp; đồng thời tạo lợi thế về nguồn nhân lực phát triển cho các khu vực lân cận. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội cả nước, cần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có chú trọng đến những vùng kinh tế xã hội chậm phát triển, qua đó tạo điều kiện để người dân có công ăn việc làm, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội, an sinh, hỗ trợ việc làm, song song với giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho người di cư./.

 
Trong hơn 1 thập kỷ từ năm 2010-2022, số đô thị ở Việt Nam đã tăng từ 755 lên 888 đô thị, tốc độ đô thị hóa cũng có sự gia tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 41,5% năm 2022. Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện mức sống, trở thành một trong những tác nhân có sức hút và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình di cư, nhất là lao động di cư trên cả nước. Quá trình đô thị hóa đã góp phần hình thành rõ nét các luồng di cư, cụ thể: Năm 1999, luồng di cư nông thôn - nông thôn chiếm số lượng lớn nhất trong các luồng di cư với tỷ trọng 37%; đến năm 2019, luồng di cư từ thành thị - thành thị chiếm số lượng lớn nhất với 36,5% trong khi luồng di cư nông thông chỉ còn đứng thứ 3 với tỷ trọng 26,4%. Đô thị hóa và di cư đã cho thấy vai trò quan trọng với đóng góp lớn cho sự tăng trưởng nền kinh tế đất nước; đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp phát triển đồng bộ.

Tài liệu tham khảo:

1.“Phát triển đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới”, 2022, https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/74077/phat-trien-do-thi-viet-nam-nhung-van-de-dat-ra-trong-giai-doan-toi.aspx.

2.Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị.

3.“Kết quả chủ yếu Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/04/2021”, 2022, NXB Thống kê.

4. Chuyên khảo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019: “Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt”, 2020, tác giả Tổng cục thống kê và UNFPA, NXB Tài chính.

 
ThS. Đỗ Thu Hương
Phó Trưởng bộ môn Thống kê, Trường Đại học Lao động Xã hội
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top