Cục Thống kê tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm 23/11/2023, mạng lưới ngành ngân hàng Nghệ An gồm có: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An và 125 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD với đa dạng các loại hình TCTD; 288 phòng giao dịch; 342 máy rút, gửi tiền tự động, 2.305 thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu về dịch vụ ngân hàng trên toàn địa bàn (tiền gửi, tiền vay, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền...).
Theo đánh giá ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua tiếp tục thực hiện tốt vai trò là huyết mạch, hỗ trợ tốt cho các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời điều hành chính sách hợp lý nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế tỉnh. Trong năm đã có 04 lần triển khai văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4,5%/năm; Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3%/năm; Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm, tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 4,75%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống 4%/năm.
Ước tính đến thời điểm 31/12/2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn Tỉnh đạt khoảng 225.764 tỷ đồng, tăng 13% (+25.973 tỷ đồng) so với đầu năm. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 295.628 tỷ đồng, tăng 8,8% (+24.132 tỷ đồng) so với đầu năm; trong đó dư nợ trung dài hạn ước chiếm 41,5% tổng dư nợ, dư nợ bằng VNĐ ước chiếm 98% tổng dư nợ.
Dư nợ tập trung một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 29% tổng dư nợ, tăng 6,2% so với đầu năm; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% tổng dư nợ, tăng 10%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16% tổng dư nợ, tăng 3%; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 9%, tăng 2,87; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4% dư nợ toàn địa bàn, tăng 5,3%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng Nghệ An luôn được duy trì ở mức thấp (dưới 2%) so với mặt bằng chung của cả nước. Đến thời điểm 31/12/2023, tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn ước là 4.882 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,65% tổng dư nợ (tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 là 0,53%).
Trong lĩnh vực bảo hiểm: Tính đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 93% dân số (bao gồm: thân nhân sỹ quan quân đội làm việc trong lực lượng vũ trang, lao động làm việc ngoại tỉnh). Số người tham gia BHXH là 385.931 người, trong đó: BHXH bắt buộc là 272.470 người, đạt 98,62% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao; BHXH tự nguyện là 113.461 người, đạt 91,28% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. BHTN là 251.875 người (bao gồm lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản), đạt 99,14% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
Ước tính năm 2023, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 8.639,1 tỷ đồng; đạt 100% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tăng 784.426 triệu đồng (tăng 9,99%) so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN (bao gồm nợ lãi suất chậm đóng, nợ ngân sách nhà nước) là 345, 5 tỷ đồng; chiếm 4,0% số phải thu./.
PV (Theo Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2023
của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An)