Động lực tăng trưởng quý I năm 2022 và khuyến nghị đối với mục tiêu tăng trưởng năm 2022

01/04/2022 - 04:41 PM
Động lực tăng trưởng quý I năm 2022

Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022 của nước ta đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I năm 2020 và 2021, điều này cho thấy nền kinh tế dần được hồi phục qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng lề của đại dịch Covid-19. Đạt được kết quả này là nhờ vào những động lực tăng trưởng cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) tiếp tục thể hiện vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%. Trong đó, nhiều sản phẩm tăng trưởng tốt như: Linh kiện điện thoại tăng 19%; bột ngọt tăng 15,7%; ô tô tăng 13,4%; alumin tăng 12,6%; quần áo tăng 12,4%; thép thanh, thép góc tăng 11%; sữa tươi tăng 9,2%; thủy hải sản chế biến tăng 8,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 8,7%.

Bên cạnh đó, ngành khai khoáng tăng trưởng 1,23%, đây là mức tăng trưởng dương sau nhiều năm tăng trưởng âm ở quý I từ năm 2016, chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng đáp ứng thị trường tiêu thụ đang thuận lợi, giá cao (riêng than đá xuất khẩu quý I/2022 tăng 216%).

Thứ hai, bên cạnh ngành công nghiệp CBCT tăng trưởng tốt thì ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ nền kinh tế trong lúc khó khăn với mức tăng trưởng khá 2,45%. Kết quả đạt được do lúa vụ mùa ĐBSCL được mùa với năng suất tăng 7,4 tạ/ha; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước (thịt lợn tăng 4,3%, thịt bò tăng 3,4%, thịt gia cầm tăng 5,3%); chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh (kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2022 tăng 39%, trong đó tôm tăng 40%, cá tra tăng 82%).

Thứ ba, khu vực dịch vụ có tăng trưởng khởi sắc, khi nhiều hoạt động dịch vụ trước đây do ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đã sôi động trở lại như: (1) Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục có mức tăng ấn tượng với 9,75%, khi các hoạt động sản xuất dần khôi phục thì nhu cầu vốn tăng; (2) Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06% (quý I/2020 tăng 2,39% và quý I/2021 giảm 0,6%), điều này thể hiện các hoạt động vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu được tăng cường; hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mở cửa trở lại và có mức tăng trưởng cao; (3) Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; (4) Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79% (quý I các năm 2020, 2021 giảm lần lượt 17,6% và 5,5%), đây là mức giảm thấp.

Thứ tư, hoạt động thương mại và dịch vụ dần sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn quý I năm 2020 và 2021: tăng 3,5% và 2,6%).

Thứ năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2022 đạt 176,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%; Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 809 triệu USD. Riêng nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 82,4 tỷ USD tăng 14% so cùng kỳ năm trước (chiếm đến 94% tổng kim ngạch nhập khẩu). Như vậy, các doanh nghiệp đã chủ động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong các tháng tiếp theo phục vụ xuất khẩu.   

Qua động lực tăng trưởng quý I.2022, nhiều ngành tiếp tục được dự báo đạt mức tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo của năm 2022 do các hoạt động dần thích ứng với dịch bệnh, ngành du lịch mở cửa trở lại, thu nhập của người lao động tăng lên (dẫn đến chi tiêu dùng tăng),... thúc đẩy các ngành dịch vụ thị trường phát triển mạnh trên nền tăng trưởng thấp hoặc âm ở 2 năm 2020 và 2021.

Kịch bản tăng trưởng các quý tiếp theo và khuyến nghị với mục tiêu tăng trưởng

Hoạt động kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021, các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, ngành công nghiệp cũng phát triển khá tốt (đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I đạt 5,03% so với cùng kỳ, cao hơn tương đối so với mức tăng quý I của các năm 2021 và năm 2020 (lần lượt là 4,72% và 3,66%).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị đe dọa do xung đột chính trị Nga - Ukraine khiến giá cả thế giới leo thang, cầu thế giới cao nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu đang khó khăn... những yếu tố đó đặt ra áp lực lạm phát cao năm 2022, tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng của các quý tiếp theo năm 2022 của nước ta được đánh giá vẫn khả quan. Động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo) do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục; bán buôn, bán lẻ; vận tải; lưu trú, ăn uống; vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm âm hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch... Kỳ vọng về hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo đó, nếu không có biến động quá bất thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II và quý III sẽ cao hơn với cùng kỳ 2021 và khả năng hoàn thành Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6-6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là hoàn toàn khả thi.


Có thể thấy, bước sang năm 2022, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó[1] do cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina xảy ra vào cuối tháng 2/2022, tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dẫn đến việc giá dầu, khí đốt, than, kim loại, lương thực, phân bón … tăng cao trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế khá lớn, tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do toàn cầu, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang từng bước phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 thì cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp nhất định đến Việt Nam. Mặc dù vậy, chúng tôi khuyến nghị vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2022 tăng từ 6-6,5% như Nghị quyết 01/NQ-CP đã đưa ra bởi những lý do sau:

Một là, tăng trưởng kinh tế quý I khá khả quan, nhiều dư địa cho tăng trưởng ở các quý còn lại: Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, hướng tới xuất khẩu; sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo; các ngành thương mại và dịch vụ bước qua giai đoạn khó khăn sau những ngày giãn cách xã hội, phục hồi và nhiều dư địa tăng trưởng tốt ở các quý sau;

Hai là, chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với các chính sách giảm thuế VAT, giảm lãi suất góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng đầu tư, kích cầu tiêu dùng.

Ba là, sản xuất phục hồi, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng góp phần thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng của người dân, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Bốn là, xung đột Nga – Ukraina mặc dù có tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, nhưng có thể là cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào hai thị trường lớn và truyền thống này (năm 2021 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU chiếm tỷ trọng 12%, sang Mỹ chiếm tỷ trọng 28,6%), đặc biệt là hàng nông sản và hàng tiêu dùng vì cung hàng hóa của EU và Mỹ có thể thiếu hụt do ảnh hưởng của xung đột.

Năm là, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, tăng trưởng GDP năm 2021 thấp nhất trong nhiều năm (2,58%), trong năm 2022 sẽ có cơ hội bứt phá, nhất là các quý cuối năm.

Nhưng khi xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (tháng 12/2021), Chính phủ cũng như tất cả các định chế tài chính trong và ngoài nước chưa thể lường trước diễn biến bất ngờ xảy ra, đó là xung đột Nga-Ucraina khiến mọi dự báo bị đảo lộn do giá nguyên nhiên vật liệu tăng quá nhanh, thậm chí còn dẫn tới gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngay kể cả đối với các ngành sản xuất không phụ thuộc trực tiếp vào năng lượng đầu vào vẫn có thể bị ảnh hưởng thông qua mối liên kết của chúng với các ngành sử dụng nhiều năng lượng như ngành điện và giao thông vận tải. Đối với Việt Nam, tác động tức thời và nổi bật nhất là sự gia tăng giá nhiên liệu trong thời gian qua. Về phía cầu, tác động chủ yếu là đối với các ngành xuất khẩu, cầu thế giới sụt giảm do dự báo tăng trưởng của tất cả các đối tác thương mại lớn đều được điều chỉnh giảm. Hoạt động đầu tư có thể bị trì hoãn do bất ổn gia tăng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch XNK (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 với Nga đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch XNK; với Ucraina đạt 720 triệu USD, chiếm 0,1%) nên tác động trực tiếp từ xung đột Nga-Ukraine đối với nước ta là không đáng kể. Tuy nhiên, khi Nga bị loại khỏi hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đã có những tác động nhất định tới tâm lý và các giao dịch thương mại của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, khi căng thẳng địa chính trị diễn ra, nền kinh tế Hoa Kỳ và Châu Âu tăng trưởng chậm lại so với kịch bản không có xung đột Nga-Ukraine. Chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng và giảm chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng khác, ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu vào hai thị trường này, trong đó có Việt Nam. Do đó, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Châu Âu dự báo sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Hiện nay, xung đột Nga-Ucraina đã bớt căng thẳng tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất đồng nên khả năng tác động đến thị trường thế giới nói chung và kinh tế trong nước nói riêng vẫn còn khá lớn. Do vậy, để hạn chế các tác động này, cần thực hiện các giải pháp sau:

- Các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ucraina và động thái, chính sách của các quốc gia như Mỹ và phương Tây, từ đó có những nhận định, đánh giá và các chính sách điều hành phù hợp, kịp thời.

- Để hạn chế tác động tới hoạt động sản xuất, cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); chính sách điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Ngoài ra, cần tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính; phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Cùng đó là phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.

- Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Nga và Ucraina./.
 

 
                                                                             Lê Trung Hiếu
                             Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK


 
[1] OECD dự báo kinh tế toàn cầu giảm hơn 1 điểm %, Fitch Rating đã điều chỉnh giảm 0,7 điểm % xuống mức 3,5%; WB dự báo đạt 4,1%; IMF dự báo đạt 4,4%. 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top