Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số

09/06/2023 - 02:41 PM
 Những năm qua, bài toán giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được Đảng, Quốc hội và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án nhằm giảm tải tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của toàn xã hội, qua đó chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Thực trạng về tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tuổi kết hôn theo quy định pháp luật: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). Kết quả điều tra về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban dân tộc cho thấy, tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014 (26,6%), có 23/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 20%, trong đó tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các dân tộc: Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Tuổi kết hôn trung bình của người dân tộc thiểu số tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Tỷ lệ tảo hôn của nữ dân tộc thiểu số vẫn cao hơn nam dân tộc thiểu số (nam chiếm 20,1% và nữ chiếm 23,5%). Một số vùng có tỷ lệ tảo hôn giảm rất chậm như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Xét theo địa bàn cư trú, tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tây Nguyên (27,5%), Trung du và miền núi phía Bắc (24,6%). Điển hình là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng...

Bảng 1: Tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số theo vùng kinh tế-xã hội,
năm 2014 và năm 2018
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số
 (Nguồn: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 và năm 2015 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc)
 
Thực tế, xét theo độ tuổi, tỷ lệ tảo hôn ở nhóm tuổi 15-19 vẫn đang có xu hướng gia tăng. Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 1,1% người dân tộc thiểu số tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở nhóm dân tộc thiểu số không tảo hôn cao gấp gần 18 lần (18,8%). Có 31/53 dân tộc thiểu số có 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Có 1,6% nam giới tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, so với tỷ lệ tương ứng của nữ là 0,6%.

 
Biểu đồ 1: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn kỹ thuật
theo tình trạng tảo hôn và giới tính
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số 1
 
Một số hệ lụy, nguyên nhân và yếu tố chi phối của tình trạng tảo hôn

Có thể thấy, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ dân tộc thiểu số liên quan đến thai sản do các biến chứng sức khỏe sinh sản khi con ở độ tuổi quá nhỏ.

Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện phối hợp với Ủy ban dân tộc cho thấy: Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 dân tộc thiểu số là 22,13%0, trong đó của trẻ em trai là 24,82%0, của trẻ em gái là 19,29%0. Cùng với đó, báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 cho biết, trong 3 trẻ dân tộc thiểu số có 1 em thấp còi (tỷ lệ 33,3%) và trong 5 em có 1 em nhẹ cân (tỷ lệ 20%). Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của bà mẹ ở các em gái tuổi từ 15-19 của các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân ở mức cao như trên là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, cản trở sự tiến bộ về mặt xã hội và thực hiện bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của trẻ em gái, làm mất đi các cơ hội và cản trở tương lai của các em, bao gồm nghề nghiệp mà các em mong muốn, cũng như gây ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình của các em. Tảo hôn cũng làm hạn chế sự tham gia của các em vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội khiến khả năng kiếm sống hay đóng góp kinh tế cho gia đình thấp hơn. Thực tế cho thấy, trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi thường phải bỏ học, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc ổn định, bên cạnh đó còn có nhiều nguy cơ bị bạo lực, phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, do chưa đủ tuổi kết hôn, các cặp vợ chồng tảo hôn không thể đăng ký kết hôn, người vợ có khả năng phải đối mặt với những hậu quả do thủ tục pháp lý xác nhận hôn nhân không chắc chắn, bao gồm: Quyền nuôi con, quyền sở hữu tài sản, đồng thời thiếu biện pháp hỗ trợ pháp lý để chống lại hành vi bạo hành của người chồng (nếu có), thường phải tìm kiếm các biện pháp hòa giải, mặc dù các biện pháp này thường không đem lại sự bảo vệ hoặc đền bù cần thiết.

Ngoài ra, khi kết hôn ở tuổi chưa thành niên khi gặp các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình các em gái cũng gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, thiếu sự bảo vệ, giúp đỡ của các hội đoàn thể (vì chưa là thành viên). Nhóm trẻ em là con của các cặp tảo hôn cũng gặp những vấn đề trong thực hiện quyền của mình: Các em không được đăng ký khai sinh hoặc chỉ được đăng ký khai sinh như con ngoài giá thú (chỉ có tên bố hoặc tên mẹ).

Theo tiếp cận đa chiều, tảo hôn đồng hành với nghèo đói. Thực tế cho thấy, các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao thì tỷ lệ đói nghèo cao. Cụ thể: Dân tộc Mông, tỷ lệ đói nghèo là 52,7%; dân tộc Mảng là 66,3%; dân tộc Xinh Mun là 65,3%. Các phân tích, đánh giá cũng cho thấy, giữa tảo hôn và nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tảo hôn nếu không được ngăn chặn hiệu quả sẽ là một trong những rào cản cản trở sự phát triển, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số.

Xét tổng thể, tảo hôn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế-xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực trạng và hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống (HNCHT)
Có thể hiểu HNCHT là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp cấm hết hôn, trong đó có “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.

Thực tế hiện nay tỷ lệ kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số qua các năm có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, phổ biến vẫn là hình thức kết hôn giữa con cô-con cậu; con dì-con già; con chú-con bác.

Kết quả điều tra về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%0, giảm 0,9%0 so với năm 2014 (6,5%0). Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam dân tộc thiểu số là 5,29%0, giảm 1,26%0 so với năm 2014 (6,55%0), và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ dân tộc thiểu số năm 2018 là 5,87%0, giảm 0,5%0 so với năm 2014 (6,37%0).

Các dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm: Mnông là 37,7%0 (nam 40,57%0 và nữ 35,38%0); La Chí là 30,8%0 (nam 27,43%0 và nữ 33,64%0); Bru-Vân Kiều là 28,6%0 (nam 28,81%0 và nữ 28,41%0); Cơ Tu là 28,4%0 (nam 10,92%0 và nữ 43,21%0); Lô Lô là 22,4%0 (nam 25,41%0 và nữ 20,02%0).

Thực tế trong những năm gần đây, tình trạng kết hôn cận huyết thống của người dân tộc thiểu số trong cả nước đã giảm. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như: Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt. Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số dân tộc thiểu số, như: La Chí (tăng từ 10,1%0 năm 2014 lên 30,8%0 năm 2018); Bru-Vân Kiều (tăng từ 14,3%0 năm 2014 lên 28,6%0 năm 2018); Lô Lô (tăng từ 8,3%0 năm 2014 lên 22,4%0 năm 2018); và La Ha (tăng từ 7,6%0 năm 2014 lên 11,3%0 năm 2018).

Hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nhiều hệ lụy. Dưới góc độ xã hội, hôn nhân cận huyết thống không được ủng hộ bởi những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sức khỏe các thế hệ con cháu. Dưới góc độ pháp lý, kết hôn cận huyết thống là vi phạm các điều kiện về hôn nhân. Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề tử vong trẻ sơ sinh cao và nguy cơ thu hẹp quy mô dân số, gây suy thoái chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến nguồn lực con người để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra khuyến cáo: Tỷ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, gấp 3 lần so với những người bình thường. Còn tỷ lệ trẻ em bị dị tật còn cao hơn nữa, gấp khoảng 5 đến 6 lần.

Khoa học và thực tế đã chứng minh hậu quả nhãn tiền và khốc liệt của thực trạng hôn nhân cận huyết thống, những ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài mà nó mang lại đối với thế hệ sau và gia đình là dễ nhận thấy. Những đứa trẻ sinh ra có tuổi thọ không cao, sức đề kháng kém, có thể sống mòn vì những di chứng từ HNCHT... Những hệ lụy này không chỉ gây ảnh hưởng hớn đến chất lượng cuộc sống mà còn làm suy giảm sức khỏe của thế hệ con cháu, gây suy thoái giống nòi, ảnh hưởng xấu tới quy mô và chất lượng dân số; gia tăng tỷ lệ bệnh tật, đói nghèo, thất học; gây những khó khăn nhiều mặt cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chính vì vậy, việc nghiêm cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ là nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu do HNCHT gây ra; duy trì sự phát triển về thế lực, trí tuệ của các thế hệ sau, bảo tồn những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp trong gia đình các dân tộc Việt Nam.

Khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng và sự phát triển chung của cả nước. Tảo hôn và HNCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển tiến bộ xã hội.

Đáng nói là, mặc dù luật pháp về các vấn đề hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ 18 tuổi và nam giới là đủ 20 tuổi, song trên thực tế 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước 18 tuổi. Hơn nữa, vẫn tồn tại bất bình đẳng ở nhiều khu vực và các nhóm dân tộc, một số cộng đồng hiện đang tụt hậu so với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và tiến bộ về bình đẳng giới, họ đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn khá phổ biến. Việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vấn đề lâu dài với nhiều thách thức.

 
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số 2
Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn ở miền núi đồng bào dân tộc thiểu số

 
Một số khó khăn, thách thức có thể kể đến như: (i) Vùng dân tộc thiểu số là vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước (tỷ lệ nghèo chung của 53 dân tộc thiểu số là 22,3%), trình độ dân trí thấp lại chịu ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ bởi các phong tục và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. (ii) Cơ hội tham gia việc làm của các lao động là người dân tộc thiểu số được trả lương rất thấp, dẫn đến gia tăng các áp lực về sinh kế và lương thực cho gia đình. Vì vậy nhiều gia đình dân tộc thiểu số cho con gái đi lấy chồng là một giải pháp làm giảm áp lực kinh tế đối với gia đình. (iii) Nhận thức và ý thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế nên chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính thống cũng như có được cơ hội việc làm tốt. (iv) Công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cơ bản và kiến thức pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Kèm theo đó rào cản về ngôn ngữ cũng là một yếu tố khiến cho việc tiếp cận truyền thông gặp nhiều khó khăn và chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. (v) Sự quan tâm sát sao của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp chưa thực sự được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Nhận thức của một số cán bộ chính quyền cơ sở còn xem nhẹ, thiếu hiểu biết hoặc vô tình tiếp tay cho tảo hôn hoặc tổ chức cho con em mình tảo hôn, HNCHT.

Nhận thức được hậu quả của tảo hôn và HNCHT, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Sau 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khả quan. Tỷ lệ tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Nhiều địa phương đã thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm, ở nơi có tỉ lệ tảo hôn và HNCHT, đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT ở địa phương.

Các tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không kết hôn tảo hôn và HNCHT cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm.

Các câu lạc bộ mô hình này hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều cặp tảo hôn được can thiệp kịp thời, được tuyên truyền phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình và tác hại của việc tảo hôn, làm cho giới trẻ nhận thức đúng đắn hơn và có trách nhiệm trong hôn nhân gia đình.

Mặc dù thời gian qua thông qua việc triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025", giai đoạn 2015-2020 đã đạt được một số kết quả tích cực, song kinh phí để triển khai thực hiện còn hạn hẹp, nên khó đạt được mục tiêu giảm bình quân từ 2-3%/năm số cặp tảo hôn. Ngoài ra, sự gắn kết giữa các Bộ, ngành và tổ chức xã hội để giải quyết vấn đề tảo hôn và HNCHT còn chưa thật sự hiệu quả, thiếu cơ chế; sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, giảm thiểu tảo hôn chưa được lồng ghép vào các chương trình chiến lược quan trọng của các Bộ, ngành…

Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới

Để đạt được mục tiêu về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT giai đoạn 2021-2025 một số giải pháp đã được đề cập tại Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn II, 2021-2025”:

Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các cấp. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án giai đoạn II, đảm bảo lồng ghép tuyên truyền hiệu quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Đảm bảo cán bộ tham gia tuyên truyền tại các cấp phải được trang bị kiến thức về lĩnh vực tảo hôn và HNCHT ở vùng dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu và đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn tình hình, nguyên nhân của tảo hôn và HNCHT ở từng nhóm dân tộc, từng địa phương, làm căn cứ cho đề xuất các chiến lược, giải pháp can thiệp, ứng phó phù hợp. Cùng với đó, áp dụng tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững đối với tảo hôn và HNCHT ở vùng dân tộc thiểu số.

Tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình điểm về tảo hôn và HNCHT. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về tảo hôn và HNCHT ở quốc gia và các địa phương. Bảo đảm cung cấp số liệu cập nhật, chính xác, tạo thuận lợi cho theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực tế và xác định những vấn đề liên quan tới tảo hôn và HNCHT.

Đẩy mạnh huy động các nguồn kinh phí từ Trung ương và địa phương, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động của Đề án giai đoạn II (2021-2025) cũng như hỗ trợ mọi người dân tham gia giảm tải tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào dân tộc thiểu số./.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  2. Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030;
  3. Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”;
  4. Quyết định số 98/QĐ-UBDT ngày 18/02/2021 của Ủy ban Dân tộc về Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025 giai đoạn II);
  5. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và kết quả Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc;
  6. Tài liệu tuyên truyền về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số: Cục Báo chí-Bộ Thông tin và Truyền thông;
  7. https://baochinhphu.vn/; http://cema.gov.vn; http://dttg.ubdt.gov.vn/; http://www.cema.gov.vn/;...
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu phụ nữ – Học viện phụ nữ Việt Nam
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top