Hà Nội: Lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

13/10/2023 - 02:11 PM
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn Thủ đô ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Hiện, thành phố Hà Nội đang tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM cả nước.

Lá cờ đầu trong xây dựng Nông thôn mới

Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân" giai đoạn 2010-2020, Thành phố đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.

Trong khoảng 10 năm từ 2010-2020, thành phố Hà Nội có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9%), là tiền đề để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội đã huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt là các công trình hạ tầng, làm đổi thay nhanh chóng diện mạo nông thôn. Nhờ tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho vùng nông thôn, nên số các xã, các huyện đạt chuẩn NTM của Hà Nội tăng cao. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, thành phố đã huy động được hơn 46 nghìn tỷ đồng dành cho chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hóa hình thức xã hội hóa, khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư.

 
Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2022

Phong trào xây dựng Nông thôn mới đã thực sự lan tỏa sâu rộng tới từng người dân, từng thôn xóm. Nhiều địa phương đã có các mô hình, cách làm thiết thực đem lại hiệu quả như huyện Đan Phượng, huyện Ba Vì, hàng năm tổ chức cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn," được Nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Theo số liệu của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội về công tác xây dựng NTM, tính đến tháng 7/2023, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM. Đối với cấp huyện, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; 3 huyện còn lại là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định Nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ngay từ giai đoạn 2016-2020, mặc dù Trung ương mới chỉ có định hướng, chưa có bộ tiêu chí thì Hà Nội đã chủ động, sáng tạo xây dựng bộ tiêu chí khả thi và sát với định hướng. Đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn
NTM nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện NTM nâng cao trong năm 2024. Việc hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao tại nhiều xã đã góp phần đưa vùng ngoại thành Hà Nội trở thành những miền quê đáng sống.

Nông thôn Hà Nội có nhiều đổi thay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa-xã hội, thể thao có chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú; bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững… Đời sống của người dân vùng nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2022, khu vực nông thôn Hà Nội chỉ còn 0,17% hộ nghèo. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; 85% hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp hơn...Với những kết quả đạt được, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM

Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng NTM có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025. Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đề ra chỉ tiêu có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu hoàn thiện hồ sơ 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2025, Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện (5 huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã (156 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã (80 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội phấn đấu năm 2023 tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,5-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 55%.

Đến năm 2025, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đạt 2,5-3%, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.

Đối với nâng cao đời sống nông dân, năm 2023, Hà Nội phấn đấu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%...

Đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%...

Để triển khai thực hiện kế hoạch, Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp; mô hình xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; mô hình phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền; kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai chương trình nông thôn mới tại cơ sở…

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách; đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình 04 như: Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...

Thành phố Hà Nội cũng sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025. Trong đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.../.

 
Phương Lan


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top