9 tháng năm 2023 Kinh tế Thủ đô đang từng bước phục hồi rõ nét hơn

08/10/2023 - 03:50 PM

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế Thủ đô 9 tháng năm 2023 vẫn đạt mức tăng trưởng khá, với xu hướng cải thiện qua từng quý.

Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2023 tăng 6,08%

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong 9 tháng năm 2023 tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra và thị trường xuất khẩu thì kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

 
Khu vực dịch vụ 9 tháng ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 6,57%; quý III tăng 7,34%), đóng góp 4,73 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Bán buôn, bán lẻ tăng 9,03%, đóng góp 0,89 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,17%, đóng góp 0,82 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 8,78%, đóng góp 0,67 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 20,52%, đóng góp 0,64 điểm %; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 12,14%, đóng góp 0,07 điểm %. Ngành Giáo dục và đào tạo 9 tháng tăng 6,66%; khoa học và công nghệ tăng 6,33%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,12%; quản lý Nhà nước tăng 4,86%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,85%; thông tin, truyền thông tăng 4,69%; kinh doanh bất động sản tăng 1,28%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,38%; quý II tăng 5,69%; quý III tăng 5,21%), đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó: Ngành công nghiệp tăng 3,93%, đóng góp 0,53 điểm % (ngành chế biến chế tạo tăng 3,55%; sản xuất phân phối điện tăng 7,92%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 7,15%). Ngành xây dựng 9 tháng năm nay ước tăng 5,75%, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thành phố tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gieo cấy lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ.

Cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,17%; khu vực dịch vụ chiếm 65,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,68% (cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2022 tương ứng là: 2,07%; 22,89%; 64,05% và 10,99%).

Du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng

Cục Thống kê TP.Hà Nội cho biết, quý III/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 559,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 351,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,9% tổng mức và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; nhiên liệu khác tăng 10%; xăng dầu tăng 9,8%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,1%; hàng may mặc tăng 7,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,2%; hàng hóa khác tăng 17,6%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 75,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng mức và tăng 10,5% (dịch vụ lưu trú đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 19,7%; dịch vụ ăn uống đạt 68,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% và tăng 67,4%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% và tăng 6,8% (hành chính, văn phòng tăng 11,2%; giáo dục và đào tạo tăng 9,3%; dịch vụ y tế tăng 8,4%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 8,1%).

 

Hoạt động vận tải trong quý III tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa. Tổng doanh thu quý III tăng 2,8% so với quý trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải và bưu chính chuyển phát tăng 17%.

Khách du lịch đến Hà Nội trong 9 tháng đạt gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước và hàng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Tính đến ngày 20/9/2023, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công là 23.469 tỷ đồng đạt 44,2% kế hoạch TP giao và đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao.

Năm 2023, TP.Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, đảm bảo hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2023 tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,96% vào mức tăng GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 3,93% (ngành chế biến chế tạo tăng 3,55%; sản xuất phân phối điện tăng 7,92%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 7,15%); ngành xây dựng tăng 5,75%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 15%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 22%; doanh nghiệp giải thể giảm 1%...

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Cục Thống kê TP.Hà Nội cho biết, thời gian tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước và Thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cần phải khắc phục. Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2023, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Quan tâm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp; dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích lịch sử.

Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.

Ba là, tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả những tháng cuối năm; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Bốn là, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng tăng cao dịp lễ, Tết cuối năm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Bám sát khung thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại...

 
 Thu Hường (Theo nguồn Cục Thống kê TP. Hà Nội)
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top