Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận – Một số chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023

14/07/2023 - 02:13 PM
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào hoạt động, cùng sự kiện Bình Thuận tổ chức đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” chính là cơ hội để tỉnh quảng bá du lịch, thu hút các nhà đầu tư lớn trên các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
 
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) dự ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2022 (đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố). Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,69%; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,03% (trong đó công nghiệp tăng 5,33%); Khu vực dịch vụ tăng 13,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,04%.

Về sản xuất nông nghiệp

Trong lĩnh vực trồng trọt: Diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2022-2023 ước đạt 50.641,7 ha, giảm 0,8% so với vụ cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu đạt 57.905,8 ha, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây lúa lúa diện tích 40.433,6 ha, tăng 12,7%; Cây bắp 5.445,2 ha, giảm 9,2%; Cây lang 293,2 ha, tăng 64,6%; cây đậu phụng 2.210,6 ha, giảm 2%; cây rau các loại 3.071,6 ha, giảm 0,3%; đậu các loại 3.191,6 ha, tăng 12,1%.

Tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn giá súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Trong đó, toàn tỉnh có 8.400 con trâu, giảm 1,2% so với cùng kỳ; 373.130 con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 9,1% so với cùng kỳ; 6.498,6 ngàn con gà, tăng 21,8%; đàn vịt 1.112,5 ngàn con, tăng 7,3%; đàn ngan 40 ngàn con, giảm 3,3%; đàn ngỗng 2,1 ngàn con, bằng so với cùng kỳ; đàn chim cút 132,5 ngàn con, tăng 6%; đàn bồ câu 10,8 ngàn, tăng 2,9%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.771,2 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Diện tích nuôi cá 1.423 ha, tăng 1,7%; diện tích nuôi tôm 336 ha, tăng 3%). Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.285 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Cá các loại 2.745 tấn, tăng 2,7%; tôm nuôi nước lợ 2.485 tấn, tăng 1,6%).

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109.237,9 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 108.987,6 tấn, tăng 2,1%).

Ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 160 HTX nông nghiệp (trong đó: có 140 HTX đang hoạt động, 20 HTX dừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể), tăng 11 HTX so với cùng kỳ năm trước.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội chợ; Phối hợp tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh; Khảo sát các địa điểm có nhu cầu mở các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân để có kế hoạch hỗ trợ; Hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Tính đến ngày 15/6/2023, đã có 70 sản phẩm được công nhận, xếp loại, trong đó: có 34 sản phẩm xếp loại 3 sao; 34 sản phẩm xếp loại 4 sao và 02 sản phẩm xếp loại 5 sao.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay đã thẩm định hồ sơ và công nhận 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Về công nghiệp, xây dựng, đầu tư

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,35%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,92%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,33%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20.435,33 tỷ đồng, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai khoáng đạt 1.488,13 tỷ đồng, tăng 8,23%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 10.256,83 tỷ đồng, tăng 0,58%; sản xuất và phân phối điện đạt 8.569,71 tỷ đồng, tăng 6,46%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 120,67 tỷ đồng, tăng 0,28%.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.681,74 tỷ đồng, tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước, đạt 34,54% kế hoạch. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn dự ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18.504,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.545,6 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ, chiếm 19,2% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 13.774,5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.184,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 6,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.

Tình hình đăng ký kinh doanh

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 có 334 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 20,29% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 3.929,48 tỷ đồng, giảm 14,74% so với cùng kỳ năm trước; quay trở lại hoạt động 111 doanh nghiệp, giảm 20,71%; tạm ngừng hoạt động 266 doanh nghiệp, tăng 13,68%; đăng ký thay đổi loại hình 668 doanh nghiệp, tăng 28,96%; số doanh nghiệp đã giải thể 51 doanh nghiệp, giảm 10,53%.

Về thương mại, du lịch

Dự ước doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ đạt 44.681,5 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 28.634,1 tỷ đồng, tăng 19,74%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 16.047,4 tỷ đồng, tăng 65,52%. Lượng khách du lịch đến Bình Thuận 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.460,5 ngàn lượt khách, tăng 86,36%; ngày khách phục vụ ước đạt 8.355,6 ngàn ngày khách, tăng 2 lần.

 
Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận – Một số chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023
Biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận - điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế
 
Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.547,8 tỷ đồng, tăng 76,29%; dịch vụ ăn uống đạt 7.816,5 tỷ đồng, tăng 62,24%; hoạt động lữ hành ước đạt 79,4 tỷ đồng, tăng 70,68%. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 11.348,35 tỷ đồng, tăng 2,52 lần.

6 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế tới Bình Thuận ước đạt 133,9 ngàn lượt khách, tăng 5,41 lần; ngày khách phục vụ ước đạt 540,9 ngàn ngày khách, tăng 5,66 lần.

Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách 6 tháng năm 2023 ước 5.154,85 tỷ đồng, đạt 51,52% dự toán năm và giảm 21,78%, trong đó thu nội địa 4.671,34 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm, giảm 19,38%. Tổng chi lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.401,80 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước ước đạt 4.642,30 tỷ đồng.

Không chỉ đảm bảo tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế... 6 tháng đầu năm 2023 được quan tâm tích cực triển khai đồng bộ và bảo đảm đạt tiến độ và chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể: Thực hiện tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm gắn với Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với nhiều hoạt động, sự kiện du lịch, thu hút đông đảo du khách.

Công tác giáo dục và đào tạo

Hiện nay, toàn tỉnh có 288/536 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 53,73%, trong đó: Bậc Mầm non có 55 trường (38,73%), cấp Tiểu học có 134 trường (56,30%), cấp trung học cơ sở có 85 trường (65,38%), cấp trung học phổ thông có 14 trường (53,85%). 6 tháng đầu năm 2023, có thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia gồm 02 trường Mầm non, 01 trường Tiểu học và 05 trường trung học cơ sở. 

Công tác khám chữa bệnh - đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh. Các hoạt động khoa học và công nghệ được chú trọng, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiếp tục triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng. Các sở, ngành, địa phương quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin…

Trong 6 tháng cuối năm 2023, để đạt được các mục tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan, ban ngành của tỉnh Bình Thuận quyết tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông-lâm-thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Huy động các nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đầu tư công; Tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh./.
T.Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top