Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023

29/12/2023 - 10:06 AM
Trong các tháng cuối năm, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Một số nét chính về kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023 của nước ta như sau:
 
1. Điểm sáng và tích cực
(1) Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47%; quý IV tăng 6,72%). Tính chung cả năm 2023 GDP tăng 5,05% so với năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, khu vực dịch vụ tăng 6,82%. Tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,82%; vận tải kho bãi tăng 9,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%.
Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023

(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Diện tích lúa cả năm ước đạt 7,12 triệu ha, tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch của một số cây lâu năm tăng so với năm trước do điều kiện thời tiết thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định như: điều tăng 4,4%; cà phê tăng 1%; chè búp tăng 1,7%; sầu riêng tăng 37,3%; xoài và nhãn cùng tăng 5,2%. Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với năm 2022; xuất khẩu rau quả đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 65,9%.
Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 1

Sản lượng một số loại thịt hơi xuất chuồng năm 2023 tăng so với năm trước, trong đó: Thịt bò ước tăng 2,5%; thịt lợn tăng 7,2%; thịt gia cầm tăng 6%. Sản lượng trứng gia cầm tăng 5,2%; sản lượng sữa tươi tăng 3,6%.

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán năm 2023 ước đạt 116,3 triệu cây, tăng 5,2% so với năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 20,8 triệu m3, tăng 2,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV/2023 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra tăng 3,6%; tôm thẻ chân trắng tăng 9,1%. Tính chung cả năm 2023, sản lượng nuôi trồng tăng 4,2% so với năm trước, trong đó cá tra tăng 2,8%; tôm thẻ chân trắng tăng 7,1%.

(3) Sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm[1]. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2023 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm. Trong đó, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 25,3%; sản xuất kim loại tăng 24,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 19,8%; dệt và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%.
Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 2
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 69,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và ổn định so với quý III/2023; 30,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn[2].

(4) Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 10,1% và luân chuyển tăng 17,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 17% và luân chuyển tăng 7,9%. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước, vận chuyển hành khách tăng 12,3% và luân chuyển tăng 24,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,4% và luân chuyển tăng 10,8%.

(5) Khách quốc tế đến nước ta năm 2023 tăng cao nhờ triển khai hiệu quả Chiến lược ma-ket-ting và các Đề án phát triển du lịch. Khách quốc tế đến năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách từ đầu năm và đạt mục tiêu điều chỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ 12,5 đến 13 triệu lượt người.

(6) Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2023 khởi sắc hơn so với các quý trước, góp phần đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 tăng 6,2%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/12/2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm.

Trong quý IV/2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,6%; quý II tăng 5,6%; quý III tăng 7,5%). Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 625,3 nghìn tỷ và tăng 21,2%.

Tính đến ngày 20/12/2023, cả nước có 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% về số dự án và tăng 62,2% về số vốn so với năm 2022 (năm 2022 có 2.036 dự án, tăng 17,1% và vốn đăng ký đạt 12,44 tỷ USD, giảm 18,4%). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua[3].

 (7) Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD), trong đó xuất siêu của một số mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện 44,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 11,24 tỷ USD; thủy sản 6,4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 5,42 tỷ USD; rau quả 3,62 tỷ USD; dây điện và cáp điện 775 triệu USD; hạt điều 451 triệu USD.

(8) Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

(9) Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 tăng so với năm trước; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Lao động có việc làm quý IV/2023 ước tính là 51,5 triệu người, tăng 130,4 nghìn người so với quý trước và tăng 414,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người so với năm 2022.

Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2023 ước đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý trước và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Tính đến ngày 19/12/2023, tổng số tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 3 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 4,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là gần 4,3 nghìn tỷ đồng.

2. Hạn chế, tồn tại

(1) Ngành Nông nghiệp đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nhiều loại vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đã làm tăng chi phí sản xuất; diện tích cây điều, cao su, hồ tiêu tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao[4]; sản lượng gỗ khai thác tăng thấp do các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

(2) Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023[5].
Một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 3
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 1,5% so với năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của năm 2022) do đơn hàng sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn[6]. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong 11 năm qua[7]; tỷ lệ tồn kho bình quân năm 2023 là 87,5%, cao nhất trong 11 năm qua, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho cao.

(3) Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt, tổng cầu thế giới suy giảm dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm. Cụ thể: Thủy sản giảm 17,5%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,2%; giày, dép giảm 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày giảm 13,1%; dệt, may giảm 11,6%; điện thoại và linh kiện giảm 8,3% … Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn với mức 8,9% gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới do phần lớn mặt hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất. Cụ thể: Điện thoại và linh kiện giảm 58,3%; bông giảm 29,3%; cao su giảm 28,4%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,8%; hóa chất giảm 14,3%; kim loại thường khác giảm 17,2% ...

(4) Doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 đạt 1.521,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm 2022.

(5) Tính đến 20/12/2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 7,88 tỷ USD, giảm 22,1% so với năm trước (năm 2022 tăng 12,2%), phản ánh những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài chưa mở rộng quy mô các dự án đầu tư hiện hữu tại Việt Nam.

 (6) Tình hình an toàn giao thông trong năm 2023 chưa được đảm bảo, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong năm nay tăng 22,8% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 24,8%; số vụ va chạm giao thông tăng 18,2%); số người chết tăng 14,9%; số người bị thương tăng 36,2% và số người bị thương nhẹ tăng 25,8%. Bình quân 1 ngày trong năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông (năm 2022 là 31 vụ).

3. Kiến nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước. Do đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và đạt mức cao nhất theo mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
 
 
Một, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Hai, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Ba là, Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Năm, tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội và hợp tác quốc tế./.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ


[1] Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước là: tháng 1 giảm 11,3%; tháng 2 tăng 7%; tháng 3 giảm 2%; tháng 4 giảm 2,4%; tháng 5 tăng 0,5%; tháng 6 tăng 1,7%; tháng 7 tăng 2,3%; tháng 8 tăng 3,5%; tháng 9 tăng 2,9%; tháng 10 tăng 4,2%; tháng 11 tăng 5% và tháng 12 ước tăng 5,8%.

[2] Chỉ số tương ứng của quý III/2023: 67,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định; 32,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[3] Vốn FDI thực các năm 2019-2023 lần lượt là: 20,4 tỷ USD; 20 tỷ USD; 19,7 tỷ USD; 22,4 tỷ USD; 23,2 tỷ USD.

[4] Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn từ 0,7% - 3,5% so với năm 2022.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp so với năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 9,13%; 7,92%; 4,99%; 6,1%; 8,87%; 7,36%; 8,19%; 8,99%; 8,14%; 3,77%; 4,06%; 7,79%; 3,02%.

[6] Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,5%; sản xuất trang phục giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,6%. Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn không tăng, tăng thấp hoặc giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Bình không tăng; Hà Nội tăng 3%; Vĩnh Phúc giảm 0,4%; Vĩnh Long giảm 8,4%; Bắc Ninh giảm 11,2%; Quảng Nam giảm 25,2%.

[7] Tốc độ tăng chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các năm 2012-2023 lần lượt là: 3,7%; 10,1%; 11%; 12,4%; 8,5%; 10,2%; 12,4%; 9,5%; 3,3%; 4,8%; 7,1%; 1,8%.

Tham khảo tài liệu Báo cáo kinh tế xã hội quý IV và cả năm 2023 của TCTK tại đây


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top