Năm 2023: Xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD

25/12/2023 - 10:39 AM
Cá tra được nuôi chủ yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích hơn 6.000 ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn, tập trung ở một số địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Những năm qua, chuỗi ngành hàng cá tra đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Năm 2023, dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023 diễn ra mới đây, ước tính diện tích thả nuôi cá tra cả nước trong năm 2023 đạt khoảng 5.700ha (bằng 98% năm 2022); sản lượng khoảng 1,61 triệu tấn (tương đương cùng kỳ).

Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022. Các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 đều có xu hướng giảm, Trung Quốc giảm 21,8%, Hoa Kỳ giảm 53,1%, EU giảm 17,2%... Tại các thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia dù tăng trưởng dương nhưng đây lại là những thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ, không đủ sức để bù đắp mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu lcủa những thị trường truyền thống.

Giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm trước chủ yếu do giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm liên tục ở các thị trường chính, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Đơn cử như giá xuất sản phẩm phi-lê vào thị trường Hoa Kỳ trong 9 tháng năm nay giảm mạnh, giá bình quân chỉ còn 2,92 USD/kg (giảm 44% so cùng kỳ năm 2022). Thị trường Trung Quốc cũng từ giá xuất ở mức 2,09 - 2,1 USD/kg. Đây là 2 thị trường chính, tiêu thụ lượng lớn cá tra của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho tại các đầu mối nhập khẩu rất lớn do tình hình bất ổn (do bị tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine) và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các tra có xu hướng giảm, dẫn dến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra; tác động của biến đổi khí hậu. Ngành hàng cá tra cũng gặp nhiều thách thức về thị trường, nhất là khi các nước gia tăng rào cản kỹ thuật, đặt ra nhiều tiêu chuẩn và các yêu cầu về lao động, môi trường.
 
Năm 2023: Xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD
Xuất khẩu cá tra gặp khó trong năm 2023

Trong khi đó sản phẩm cá tra của Việt Nam còn khá đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn. Một số cơ sở sản xuất giống chưa quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ trong quá trình sản xuất giống, chưa tuân thủ đúng thời hạn sử dụng cá bố mẹ, tỷ lệ sống giai đoạn ương dưỡng còn thấp; một số địa phương chưa thực hiện cấp Giấy xác nhận nuôi cho các cơ sở nuôi nhỏ lẻ theo quy định… Nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá cũng gặp khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào như: Chi phí nuôi trồng, chi phí chế biến, lưu kho, logistic, chi phí tín dụng... đang tăng mạnh, nhu cầu vốn tăng, trong khi các tổ chức tín dụng thắt chặt các điều kiện cho vay vốn. Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phải “thắt lưng, buộc bụng”, áp dụng các biện pháp thắt chặt kiểm soát khâu chi phí.

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá tra còn hạn chế và chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Việc xử lý chất thải từ ao nuôi chủ yếu là thay nước, sử dụng chế phẩm sinh học, hút bùn định kỳ thường xuyên.

Thêm vào đó, một số quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia cũng đã bắt đầu nuôi được cá tra, từ đó ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của con cá tra Việt Nam. Cục Thủy sản cho biết, hiện nay Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, nước này cũng đã xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar….

Năm 2024, cơ hội xuất khẩu của ngành cá tra Việt Nam vẫn lớn, dự báo sản lượng cá tra sẽ tăng 2,8% so năm 2023. Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Bên cạnh đó, ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Ngành cá tra đặt mục tiêu sản lượng cá tra nuôi thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cùng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần tập trung nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn…) theo nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử… để nâng cao chất lượng giống cá tra. 

Cùng với đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống, nuôi cá tra thương phẩm đến chế biến, xuất khẩu; cắt giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh; cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm theo các phân khúc thị trường khác nhau, đặc biệt quan tâm sản phẩm chế biến sẵn…, để nâng cao giá trị từ cá tra.

Cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện các quy định về chứng nhận cho sản phẩm cá tra theo yêu cầu của các thị trường quốc gia Hồi giáo (Halal), các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cần quan tâm mở rộng thị trường trong nước, hướng tới các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học; mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và các hiệp hội ngành hàng cần chủ động, kịp thời phối hợp cơ quan thẩm quyền các quốc gia nhập khẩu và các đơn vị liên quan để xử lý các rào cản kỹ thuật; tiếp tục quan tâm, kết nối, phát triển thị trường cho sản phẩm cá tra, nhất là khối thị trường Hồi giáo và thị trường Trung Quốc; thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu và diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu, chia sẻ thông tin với các đơn vị có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới./.

 
P.V

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top