Năm 2024 nhiều triển vọng thu hút FDI

28/02/2024 - 08:42 AM
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam đạt kỷ lục về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 sẽ là bệ phóng vững chắc, tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI trong năm 2024, đồng thời đưa ra dự báo năm nay sẽ là một năm đột phá về thu hút FDI.

Tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm

Năm 2023, Việt Nam đạt con số kỷ lục về vốn FDI đăng ký với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 62,2%; vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 7,9 tỷ USD, giảm 22,1%; tổng giá trị vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhiều chuyên gia nhận định, kết quả này có được là nhờ môi trường đầu tư Việt Nam luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Chính trị ổn định, vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế có triển vọng, quan hệ ngoại giao có những kết quả nổi bật là những bước tiến lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư mới.

Tiếp nối thành công của năm 2023, tháng đầu tiên của năm 2024, thu hút FDI tiếp tục đạt kết quả khả quan. Việt Nam đã thu hút hơn 2,36 tỷ USD vốn FDI, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng đầu tiên của năm 2024, 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đồng thời, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 
Ảnh minh họa

Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh. Riêng 7 địa phương này đã chiếm 72,1% số dự án mới và 82,5% số vốn của cả nước trong tháng Một năm 2024.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xét theo đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).

Các chuyên gia khẳng định, bước chuyển cả về chất và lượng trong thu hút FDI thời gian qua phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, AI, hydrogen... Từ đó, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Hứa hẹn một năm đột phá thu hút FDI

Theo các chuyên gia, cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo đang mở ra giống như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có ý kiến còn dự báo lạc quan khi cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ mới thu hút FDI. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao. Vì vậy, nếu chuẩn bị tốt, năm 2024 sẽ là năm bắt đầu cho làn sóng FDI mới vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 dự báo sẽ là năm đột phá về thu hút FDI. Đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, thu hút và hấp thụ được nguồn vốn chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư là mục tiêu được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Mọi cơ hội và tiềm năng, từ trong nước tới ngoài nước đều được Chính phủ, các địa phương xác định để dồn lực cho một năm tăng tốc, bứt phá.

Với số vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký ước đạt 2,95 tỷ USD, năm 2023, Hà Nội là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự kiến năm 2024, Hà Nội phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD. Dù còn nhiều thách thức, khó khăn, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào Hà Nội và sự quyết tâm thay đổi môi trường đầu tư của Hà Nội để thu hút các doanh nghiệp FDI.

Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào top 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Nghệ An đã chuẩn bị bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện “5 sẵn sàng” về: Quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đến đầu tư....

TP.Hồ Chí Minh cũng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của TP Hồ Chí Minh; cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư FDI.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và trở thành quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga...

Theo Sách Trắng 2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến FDI hàng đầu của họ. 31% đánh giá Việt Nam là một trong 3 mục tiêu đầu tư hàng đầu, trong đó 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất. Đáng chú ý, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vào cuối năm nay.

Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực.

Thực tế, Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn đối với các tập đoàn sản xuất công nghệ cao. Điển hình như Apple thông báo sẽ đưa hoạt động thiết kế sản xuất iPad sang Việt Nam. Ngoài ra, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như: Goertek, Foxconn, Luxshare cũng đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất và tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, như: bán dẫn, năng lượng mặt trời, điện gió, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech). Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Năm 2024, chip bán dẫn vẫn tiếp tục được kỳ vọng là lĩnh vực sẽ sôi động trong việc đón sóng đầu tư nước ngoài. Theo Nikkei Asia, nhiều doanh nghiệp chip bán hàng đầu thế giới như Nvidia, Samsung đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh chip tại Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ nhận được hàng triệu USD từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ, đồng thời là nơi đặt nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất toàn cầu của Intel.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023 và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030. Vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạ tầng giao thông, kho vận; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai…

Ngoài ra, những yếu tố quan trọng khác tạo nên cơ hội trong thu hút FDI vào Việt Nam như: Sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế… sẽ tiếp tục là điểm cộng để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đến với Việt Nam, góp phần tạo đột phá thu hút FDI trong năm 2024./.

 
ThS. Lê Thị Loan
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top