Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số - cần những "ngòi bút" liêm chính

19/06/2023 - 06:03 PM
Trước sự nở rộ của các phương tiện truyền thông mới trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc báo chí truyền thông Việt Nam tích cực chuyển đổi số để hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số quốc gia, người làm báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp để phát triển báo chí Việt Nam lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc.
 
Báo chí phát huy vai trò định hướng dư luận
Với sự phát triển của công nghệ cùng các tiện ích thông minh, trong những năm gần đây, Việt Nam được chứng kiến sự phát triển sôi động của các loại hình báo chí điện tử và sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Youtube... Trong nhịp sôi động đó, báo chí Việt Nam luôn vào cuộc một cách kịp thời, trách nhiệm và sáng tạo, thực hiện tốt vai trò của mìnhtích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại,  tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Đặc biệt, với tinh thần dấn thân, quả cảm, đội ngũ những người làm báo tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nhiều nhà báo đã có những tác phẩm báo chí có sức ảnh hưởng rất lớn, mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, lòng tin và định hướng hành động cho công chúng.
 
Tuy nhiên điều đáng tiếc là trong thời gian qua, do bị chi phối bởi mặt trái kinh tế thị trường cùng quá trình thương mại hóa, đã đưa nhiều tờ báo vào cuộc chạy đua thông tin với nguồn dữ liệu khổng lồ trên các nền tảng mạng xã hội. Để có được thông tin nhanh nhất, nóng nhất một bộ phận người làm báo đã thiếu tỉnh táo, mải chạy theo view, like mà quên đi vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí, quên mất tư cách và trách nhiệm của một người làm báo trên môi trường mạng, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu sự cẩn trọng cần có. Thậm chí không ít trường hợp bị xói mòn đạo đức nghề nghiệp, phớt lờ những quy tắc để đưa tin thiếu kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch, không đúng bản chất, thậm chí là bịa đặt hoặc làm méo mó bản chất thật của sự việc, tin tức, từ đó dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Thực tế có hiện tượng hội viên nhà báo sử dụng trang thông tin cá nhân đăng tải các nội dung có tính chất cổ súy, kích động dư luận ủng hộ cho các hành vi sai trái… Không ít người làm báo sa ngã, “bẻ cong” ngòi bút, lợi dụng danh nghĩa nhà báo, quyền lực thông tin để dọa dẫm, sách nhiễu nhằm đạt được mục đích kinh tế, mưu lợi cá nhân. Những vi phạm trong hoạt động báo chí của một số phóng viên đã để lại hậu quả đối với sự phát triển của xã hội trên các lĩnh vực, thiệt hại về kinh tế, suy giảm niềm tin của người dân
 
Năm 2022, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng đối với 02 cơ quan báo chí. Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 30 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.
 
Trong lĩnh vực thông tin trên mạng, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 lượt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt  hơn 1,012 tỷ đồng, thu hồi 120 triệu đồng tiền thu lợi bất chính. Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 102 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng.
 
Cũng trong năm 2022, cơ quan chức năng của Bộ thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý 477 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của tổ chức cá nhân liên quan đến nội dung thông tin đăng tải trên báo chí, hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
 
Bên cạnh cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương cũng đã xử lý và kiến nghị xử lý 9 vụ việc liên quan đến 11 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật; đã đình chỉ sinh hoạt 04 trường hợp chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong năm vừa qua.
 
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của hội đồng, Ban kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí. Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 9 vụ việc liên quan đến 11 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật.
 
Đạo đức nghề nghiệp là lương tâm, trách nhiệm của người làm báo
 
Nhà báo là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá. Cùng với bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp được coi là cốt lõi, là cơ sở nền tảng để mỗi người làm báo sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng, từ đó hình thành nền báo chí nhân văn. 
 
Đạo đức báo chí không còn đơn thuần là quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi của nhà báo trong tác nghiệp, mà đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó là nhiều văn bản khác như: 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành lần lượt vào tháng 12/2016 và cuối năm 2018; Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tháng  6/2021. Đây có thể xem là la bàn chỉ hướng, giúp người làm báo Việt Nam giữ vững đạo đức báo chí, bản lĩnh chính trị để không đi chệch hướng, có trách nhiệm hơn trong khai thác, xử lý thông tin hay đơn giản là dừng lại lâu hơn trước khi quyết định bấm một nút like hay share trên mạng xã hội.
 
Nâng cao đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số
Người làm báo chân chính luôn cần có bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp
 
Hơn tất cả, tài sản quý giá nhất của mỗi tòa soạn và các nhà báo chính là lòng tin của độc giả. Trong môi trường truyền thông số, tác phong, phương thức làm nghề của nhà báo có thể thay đổi, song để báo chí tiếp tục phát huy chức năng định hướng dư luận xã hội, giữ vững vị trí là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao, thì bên cạnh chuyên môn giỏi người làm báo chân chính luôn cần có bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp.
 
Đạo đức nhà báo ở đây không chỉ là chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Báo chí cùng các quy định khác, mà nằm ở trong tâm mỗi nhà báo. Lằn ranh để định vị người làm báo giữa bạt ngàn những "nhà báo công dân” chính đạo đức nghề nghiệp mà trước hết là lương tâm, trách nhiệm của người làm báo.
 
“Thông minh là thiên phú, còn tử tế là một sự lựa chọn”, với người làm báo trong kỷ nguyên số hôm nay, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là một sự lựa chọn. Lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, tùy tiện, cẩu thả? Lựa chọn cách đưa tin giật gân, dung tục, câu like, view hay lựa chọn tính nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ trong các tác phẩm của mình? Lựa chọn cổ súy cho những hành vi sai trai hay dấn thân bất chấp khó khăn đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng? Khi nhà báo lựa chọn sự tử tế trong đạo đức nghề nghiệp sẽ tạo một nền báo chí lành mạnh, đạo đức và nhân văn, tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội.
 
Báo chí thế kỷ 21 yêu cầu một cách hiểu khác về vai trò “người gác cổng”. Một xã hội dân chủ sẽ dựa vào các nhà báo – để họ làm đại diện trong việc sàng lọc và xác thực khối lượng thông tin khổng lồ hiện có và giúp người dân nắm bắt được. Để làm tốt điều đó, mỗi nhà báo cần có sự lựa chọn đúng đắn, có trách nhiệm với bản thân, với tác phẩm và cơ quan báo chí mình đang công tác, cần nhận diện rõ, biết cách đối mặt thách thức để giữ vững đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính chuẩn mực và giá trị của nền báo chí cách mạng. Đạo đức nghề nghiệp người làm báo cần gắn liền với trách nhiệm xã hội, đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ; không vì lợi ích cá nhân hay vì một tổ chức, cá nhân nào đó mà đưa tin, viết bài làm sai lệch bản chất vụ việc; hoặc đưa những sự kiện giật gân, câu view tác động xấu cho xã hội.
 
Đặc biệt ltrong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ với nhiều thông tin tiêu cực, xấu, độc, thì hơn bao giờ hết công chúng rất cần những nhà báo liêm chính để giúp họ nhận diện cái đẹp, cái xấu. Để làm được điều đó, người làm báo cần “chắc tay bút”, lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất; viết những điều mắt thấy, tai nghe, lan tỏa rộng rãi những thông tin tích cực, năng lượng tốt góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, từ đó bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc…/.
 
Bích Ngọc


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top