Chính sách tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030

26/06/2023 - 03:14 PM
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) (sau đây gọi tắt là Nghị định).

Theo đó, khách hàng vay vốn theo quy định tại Nghị định này bao gồm: (1) Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này. (2) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này.

Địa bàn thực hiện được quy định tại Nghị định là cấp xã, cấp thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.

 
Nghị định 28/2022/NĐ-CP đem lại chính sách tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP quy định rõ nhiều nội dung về chính sách tín dụng ưu đãi
nhằm phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Về Nguyên tắc cho vay vốn và vay vốn, Nghị định quy định rõ:

Một là, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch; rà soát để hướng dẫn nguyên tắc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn theo quy định tại Nghị định này hoặc lựa chọn áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất đối với khách hàng đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mục đích về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chi phí học nghề.

Hai là, khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ba là, khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng vay vốn tại Nghị định này và đủ điều kiện vay vốn của nhiều chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện mục đích sản xuất kinh doanh thì được lựa chọn vay vốn tại một hoặc nhiều chương trình tín dụng nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ.
 

Nguồn vốn cho vay được lấy từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, được chia theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 2022 - 2023: Số tiền 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Giai đoạn 2024 - 2025: Trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách giai đoạn 2024 - 2025.
 

Nghị định cũng quy định rõ các nội dung về: Cho vay hỗ trợ đất ở; Cho vay hỗ trợ nhà ở; Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; Cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; Cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; Tổ chức thực hiện.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top