Pù Luông: Bản giao hưởng của đất trời

12/02/2024 - 09:19 AM
Giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại, Pù Luông hiện hữu như một bức tranh thủy mặc đầy quyến rũ. Với địa hình núi đồi và rừng xanh dày đặc, đến với Pù Luông, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên để ngắm nhìn vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang trải ngút ngàn, hít căng tràn lồng ngực hương thơm mộc mạc của nương lúa vùng sơn cước, thư thái giữa núi rừng để cảm nhận không khí trong lành mát mẻ, cảm nhậ sự nồng hậu và hiếu khách của con người nơi đây… Tất cả đã tạo nên “bản giao hưởng” khó quên khi đến với mảnh đất Pù Luông.

Nơi giao thoa của đất trời

Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên nằm kéo dài qua hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Với tổng diện tích lên đến 17.600ha, trong đó cánh rừng rậm nguyên sinh nhiệt đới xanh theo mùa và ruộng bậc thang là chiếm ưu thế. Dù nằm cách khá xa thành phố Thanh Hóa, thế nhưng trong những năm gần đây rất nhiều du khách vẫn tìm đến Pù Luông như một chốn nghỉ ngơi, thư giãn, tách biệt hẳn với cuộc sống thường nhật.

Pù Luông theo tiếng Thái là đỉnh cao nhất của làng, vùng đất này cũng chính là nơi định cư, sinh sống của đồng bào Thái, Mường từ bao đời nay. Có lẽ vì thế mà từ rừng rậm, suối nhỏ, thác lớn, cho đến những thửa ruộng bậc thang đều mang hơi thở của một nền văn hóa lâu đời.

Cảnh quan đặc trưng của Pù Luông chính là ruộng bậc thang. Không giống như những thửa ruộng đều tăm tắp ở Tây Bắc, ruộng bậc thang Pù Luông có cấu trúc rất tự nhiên, giản đơn và có phần hơi “lộn xộn”. Bên cạnh đó, Pù Luông còn nổi bật với những nếp nhà sàn của người dân địa phương, mang trong mình bản sắc của một vùng quê nông thôn với những sự mộc mạc bình yên và thanh tĩnh.
Một góc Pù Luông

Nằm ở vùng núi cao, khí hậu của Pù Luông tương đối mát mẻ. Ban ngày, nắng thường không gay gắt và oi bức như ở thành phố miền xuôi mà nhuộm cả thung lũng một màu vàng mật ong ấm áp. Từ khoảng giữa tháng Chín, không khí sẽ dần se se chút gió mùa thu, chiều và tối thường có sương mang đến chút lạnh đủ để xuýt xoa đôi bàn tay. Tháng Mười Một trở đi, trời bắt đầu trở nên lạnh hơn vì đã chớm sang đông.

Với mỗi thời điểm khác nhau, Pù Luông lại khoác lên mình chiếc áo riêng đầy thu hút. Thế nhưng, vẫn có những khoảng thời gian mà vẻ đẹp của Pù Luông nổi bật hơn hẳn. Đó là vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu hàng năm, khi vụ lúa mới bắt đầu, toàn thung lũng sẽ được phủ một màu xanh non mơn mởn. Tháng Bảy, tháng Tám lúa sẽ lên cao và chuyển màu xanh lá tươi mát. Từ đầu tháng Chín cho đến cuối tháng Mười, những thửa ruộng bậc thang sẽ ngả sang màu vàng óng ả của lúa chín, mang đến vẻ đẹp trù phú với hương thơm của “hồn quê”. Đó chính là thời điểm mà Pù Luông mang vẻ đẹp say mê quyến rũ nhất. Trải nghiệm đứng giữa cánh đồng bạt ngàn lúa chín trĩu bông đung đưa la đà theo từng cơn gió, lắng nghe tiếng chim hót ở giữa đại ngàn là khoảnh khắc tâm hồn được thư thái và tràn ngập hân hoan.

Có thể nói, mùa nào ở Pù Luông cũng đều gợi thương gợi nhớ, bởi sự hoang sơ, hùng vĩ của rừng già nhưng không kém phần nên thơ và trữ tình. Pù Luông thật sự là nơi giao thoa bình yên giữa những tâm hồn thích “xê dịch” và đất trời.

Điểm đến đặc sắc với nhiều trải nghiệm thú vị

Không chỉ được lắng nghe bản giao hưởng đất trời, đến với Pù Luông, du khách còn được lắng nghe những điệu xòe của cô gái dân tộc Thái, hay tiếng kèn của chàng trai bản, đốt lửa trại quây quần bên bình rượu cần trong tiết trời se lạnh.

Để tận hưởng những khoảnh khắc thư thái giữa mênh mông ruộng lúa, núi rừng xanh tươi và hòa vào nhịp sống của người bản địa, du khách không nên bỏ lỡ những điểm đến du lịch đặc sắc, những trải nghiệm thú vị khi đến với xứ sở Pù Luông.

Bản Đôn

Bản Đôn có thể xem như thủ phủ của du lịch Pù Luông. Theo đồng bào Thái, trước đây người dân dựng nhà cửa rải rác, xa cách. Sau này, đồng bào mới quần tụ lại thành bản làng, sống gần nguồn nước, thuận tiện sinh hoạt cộng đồng. Người dân lấy từ Đôn, trong tiếng Thái có nghĩa tụ họp, đặt cho tên bản.

Hiện bản Đôn được quy hoạch phát triển thành bản du lịch cộng đồng. Nơi đây vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, với nhà sàn gỗ truyền thống xen kẽ giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những dải lụa xanh tươi ôm trọn lấy bản làng. Đây cũng là nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng và homestay đẹp.

Hang Dơi Kho Mường

Hang Dơi Kho Mường thuộc bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước. Đây là một quần thể hang động thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với các khối đá vôi niên đại khoảng 250 triệu năm trước. Hang Dơi nối với hệ thống sông ngầm dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao. Nhũ đá, măng đá trong hang Dơi đủ hình thù làm nên bức tranh thiên nhiên ảo diệu của tạo hóa. Điều đặc biệt bên trong hang là một bãi đất trống rộng như sân bóng tự nhiên. Đường từ đỉnh hang xuống đáy hang khá khó đi, nhiều thử thách cho những bạn trẻ muốn khám phá.

Bản Ươi - bản Lặn

Đứng từ bản Đôn nhìn xuống, du khách sẽ thấy bản Ươi hiện ra dưới chân dãy núi đá vôi với rừng cọ xòe ô che nắng phía trên, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh. Con suối trong chảy qua giữa bản là nơi người dân tắm và giặt giũ.

Kế bên bản Ươi là bản Lặn, nơi còn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, người dân chỉ dệt thổ cẩm cho gia đình, làng xóm. Gần đây, khi bản làng bắt đầu làm du lịch, đồng bào mới dệt thêm phục vụ khách tham quan.

Thác Hiêu

Tọa lạc giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Đây được coi là một trong những dòng thác đẹp nhất Thanh Hóa. Thượng nguồn từ các đỉnh núi đá cao quanh năm dòng thác dồi dào nước. Mùa hè nước dưới chân thác tuôn mát rượi, nhưng đến mùa đông lại ấm. Bao quanh là cánh rừng nguyên sinh, thác Hiêu luôn chào đón du khách bằng bầu không khí trong lành, dễ chịu quanh năm. Lắng nghe tiếng nước chảy róc rách giữa núi rừng, ngâm mình dưới làn nước mát của thác Hiêu là trải nghiệm đem đến giây phút thư thái cho tâm hồn.

Chợ phiên Phố Đoàn

Chợ phiên Phố Đoàn là phiên chợ vùng cao họp từ thời Pháp thuộc. Phiên chợ này còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, là điểm dừng chân cho những tâm hồn muốn khám phá các nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Người dân các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn thuộc huyện Bá Thước thường đem hàng hóa ra chợ từ sớm. Chợ bày bán đủ các loại sản vật địa phương từ truyền thống tới hiện đại như: Thổ cẩm, vật dụng sản xuất, sinh hoạt, rau rừng, cam quýt, rượu cần, cua ốc, chuột, sóc rừng, tới các sản phẩm kim khí vàng bạc… Đặc biệt hơn, ngoài mua bán bằng tiền, thì người dân ở đây vẫn còn chọn cách không dùng tiền mà đổi ngang hàng hóa với nhau.

Bản Kho Mường

Bản Kho Mường nằm gọn trong bốn bề là núi, những cánh đồng lúa nơi đây bằng phẳng và trải rộng gần như một thảo nguyên bao la. Phong cảnh rất thơ và trữ tình với các dãy núi cao, dòng suối nhỏ len lỏi giữa bản làng, chiếc cầu gỗ mộc mạc, những mái nhà nhấp nhô, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay…

Đi sâu vào trong bản, du khách sẽ được chứng kiến nếp sinh hoạt của người dân địa phương. Trước sân nhà, người dân phơi lúa, chẻ củi, trông con… Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa nói cười giòn tan. Mùi lúa chín ngập tràn khắp nơi. Sự bình dị, đơn sơ của bản Kho Mường tạo cho du khách cảm giác yêu thương, hạnh phúc, tận hưởng cuộc sống hòa mình với thiên nhiên.

Quả thật, danh xưng “Thiên đường giữa đại ngàn” của Pù Luông đúng là không phải ngẫu nhiên mà có được. Với cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng như trong những thước phim được quay bởi mẹ thiên nhiên, cùng với văn hóa bản địa đặc sắc, Pù Luông dễ dàng làm say đắm bất cứ du khách nào đặt chân đến với thung lũng bình yên này. Đặc biệt, vẻ đẹp của Pù Luông mùa lúa chín tựa như một “bản giao hưởng” tuyệt vời của đất trời để mỗi người chúng ta tĩnh lại, lắng nghe và cảm nhận./.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top