Quảng Trị - Quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đồng bào dân tộc thiểu số

25/10/2023 - 10:07 AM
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một vấn nạn lớn của xã hội, là trở ngại đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Thời gian qua, với quyết tâm đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong toàn tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực, cũng như đảm bảo phát triển bền vững của địa phương.
 
Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em. Nhiều trường hợp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, khi tuổi còn quá trẻ chưa thể sống tự lập dẫn đến tình trạng đói nghèo, ly hôn; việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng tới sức khỏe em gái, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. HNCHT để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tăng tỉ lệ người thiểu năng về thể chất, trí tuệ, người khuyết tật, tạo thành gánh nặng cho sự phát triển của xã hội và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương…

 
Quảng Trị - Quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đồng bào dân tộc thiểu số
Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS để nâng cao chất lượng
dân số, xóa đói, giảm nghèo ở Quảng Trị

Theo thống kê, Quảng Trị hiện có khoảng 95.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 13,3% dân số toàn Tỉnh. Hiện tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào DTTS của Tỉnh vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân còn giữ những quan niệm lạc hậu, hủ tục như: Tục thách cưới, hứa hôn, cưỡng ép hôn, tục đi sim,… Tình trạng học sinh bỏ học và lập gia đình sớm vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong hôn nhân và gia đình đối với người DTTS còn một số bất cập. Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương về phòng, chống tảo hôn, HNCHT chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng về Luật Bình đẳng giới; nguồn lực tài chính để tuyên truyền, phổ biến trên diện rộng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện mục tiêu bình đẳng giới chưa đáp ứng nhu cầu...

Trước thực tế tình trạng tảo hôn, HNCHT và những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống hôn nhân của đồng bào DTTS tại Quảng Trị, thời gian qua công tác phòng, chống tảo hôn và HNCHT trên địa bàn Tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 11/01/2016 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020” (giai đoạn I); Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II)... Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện trên địa bàn đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương.

Nhằm triển khai và thực hiện nhiệm vụ trên, Ban Dân tộc Tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống tảo hôn và HNCHT với nội dung và hình thức phong phú như: Tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và HNCHT tại các trường THCS và dân tộc nội trú, cụm xã vùng biên giới, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thu hút khoảng 5.600 lượt người tham gia; Xây dựng phóng sự và clip tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT bằng 2 ngôn ngữ (tiếng phổ thông, tiếng Vân Kiều) phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đồng thời thu nội dung vào 136 thiết bị USB cung cấp đến toàn bộ các xã, 45 trường học, 9 đồn biên phòng tuyến biên giới vùng DTTS để tuyên truyền; Lắp đặt 15 bảng pa nô truyền thông song ngữ Việt - Vân Kiều tại 15 điểm trường THCS và dân tộc nội trú vùng DTTS. UBND các huyện, xã và các dự án tài trợ phối hợp tổ chức 262 lượt tư vấn, xây dựng 10 mô hình điểm về quy ước thôn, bản không có tảo hôn và HNCHT; cung cấp 132 tài liệu các loại (khẩu hiệu, tranh khổ lớn) tại thôn, bản, xã.


 
Quảng Trị - Quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đồng bào dân tộc thiểu số 1
Tuyên truyền về Tảo hôn và HNCHT cho học sinh ở Quảng Trị
 
Ngoài ra, tại một số huyện, địa bàn trong Tỉnh đã duy trì có hiệu quả các mô hình Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại các xã, thị trấn. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và HNCHT cho đội ngũ tham gia đề án và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa cấp xã...

Một số thôn, bản đã đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa như: Các thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông), Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa), Thanh Một (xã Thanh, huyện Hướng Hóa)... xây dựng quy ước “Thôn không có tảo hôn”…

Nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, thông qua các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT nên tình trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã giảm đáng kể. Từ năm 2016-2021, tổng số trường hợp tảo hôn toàn Tỉnh đã giảm được 57 trường hợp (năm 2016 là 232 trường hợp, năm 2021 là 175 trường hợp; trong 05 năm liền trên địa bàn Tỉnh đã không có trường hợp HNCHT), nhận thức của người dân về tảo hôn và HNCHT đã có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù vậy, theo đánh giá, tình trạng tảo hôn, HNCHT vùng DTTS tại Quảng Trị hiện vẫn còn phức tạp và có khả năng tái diễn cao. Số lượng các cặp tảo hôn tại Quảng Trị đã giảm song hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Tính riêng trong năm 2021, toàn tỉnh có 792 trường hợp kết hôn, trong đó có 175 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 22,1%. Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn chưa thực hiện nghiêm. Việc phân công đơn vị chủ trì quản lý, triển khai thực hiện đề án ở các địa phương chưa thống nhất...

Mục tiêu đến năm 2025, Quảng Trị có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ văn hóa xã hội cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và HNCHT; duy trì mức giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống; hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng HNCHT trong vùng đồng bào DTTS... Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Quảng Trị cần triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp:

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn Tỉnh; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đối với việc lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.  

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn Tỉnh tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg và Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025”. Hàng năm, bố trí một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị (ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ) để triển khai các hoạt động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT.

Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm đổi mới phương thức, nội dung trong thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, trong đó có những hủ tục liên quan đến tảo hôn. Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong khu dân cư.

Đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong đó, chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm (Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn liên quan), biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, HNCHT. Bên cạnh đó, chú trọng hình thức tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động tuyên vận, hòa giải, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, HNCHT phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng DTTS.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, HNCHT.

Mỗi người dân cần tập trung xây dựng và thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của thôn bản, tự giác chấp hành các nội quy của địa phương. Phát huy tính tự quản cộng đồng, dòng họ, gia đình; vận động Nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung và chính sách dân số nói riêng.

Như vậy, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, HNCHT, Quảng Trị cần nỗ lực hơn nữa, tuyên truyền vận động sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và sự chủ động, tích cực của mỗi cá nhân, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tình trạng tảo hôn và HNCHT, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào vùng DTTS./.
 
PV 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top