Sóc Trăng - Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

24/10/2023 - 04:02 PM

Thời gian qua, nhờ tích cực triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh Sóc Trăng đã từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 1,3 triệu dân số, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer (chiếm 28,9%) và Hoa (5,9%) sống đan xen với đồng bào Kinh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong Tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Theo Báo cáo Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Sóc Trăng, 9 tháng năm 2023, Tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án nhằm tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm; Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin… Tính đến ngày 9/10/2023, tổng nguồn vốn đã thực hiện giải ngân được hơn 31,8 tỷ đồng (đạt gần 70% kế hoạch vốn giao); trong đó, ngân sách Trung ương đã giải ngân trên 31,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp) đã giải ngân 303 triệu đồng (đạt 19,45% kế hoạch vốn địa phương).

Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đầu kỳ của tỉnh Sóc Trăng là 15,67% (với 52.178 hộ), trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 6,73% (với 22.409 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,94% (với 29.769 hộ). Kết quả rà soát cuối năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 12,40% (với 41.381 hộ), giảm 3,2% so với đầu kỳ, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo là 4,54% (với 15.139 hộ) giảm 2,19% so với đầu kỳ (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 2-3%); tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,87% (với 26.242 hộ), giảm 1,07% so với đầu kỳ. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số 7.524/15.139 hộ, chiếm 49,70% tổng số hộ nghèo trên toàn tỉnh; tổng số hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 10.864/26.242 hộ, chiếm 41,40% tổng số hộ cận nghèo toàn Tỉnh.

 
Sóc Trăng - Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình
 
Kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình: Tại dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), với nguồn kinh phí được giao để thực hiện trên 25,5 tỷ đồng Tỉnh đã triển khai 3 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong đó, năm 2022, đã triển khai thực hiện 02 công trình, gồm: Dự án đường giao thông nông thôn xã Xuân Hòa tuyến cặp rạch Sao Sáo bờ Bắc (nối tiếp) tuyến từ vàm Cái Cau đến ngã ba Bàu Càng (nối tiếp) tuyến cặp rạch Mật Cật, tuyến Rạch Miễu, huyện Kế Sách; dự án đường giao thông nông thôn xã Nhơn Mỹ đường cặp rạch Mương Siêu (bờ Bắc) A31, đường Rạch Mương Khai-Rạch Bàng (bờ Bắc) A35, (bờ Nam) A36, Đường cặp Rạch Mương Siêu (bờ Nam) A32. Năm 2023, triển khai thực hiện công trình giao thông nông thôn xã Xuân Hòa tuyến dọc Mương Ổi - Bờ dọc (bờ Nam), tuyến cặp kênh Xáng Cái Côn (thuộc bờ Đông) từ kênh Xáng đến giáp ranh tỉnh Hậu Giang, tuyến rạch Bào Càng (bờ Nam), tuyến vàm Ba Trinh - Rạch Miễu (nối tiếp).

Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, kinh phí được giao để thực hiện các mô hình dự án trên 35,1 tỷ đồng, Tỉnh đã và đang triển khai 101 mô hình, với 1.866 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia...

Để đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, năm 2022, Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo nội dung Dự án 4), đạt 21,66% kế hoạch. Cùng với đó, để hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, Tỉnh đã tổ chức thu thập thông tin người lao động, giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đạt 15,77% kế hoạch. Hiện 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%...

Công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin cũng đã được Tỉnh từng bước triển khai theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Qua thực hiện, các địa phương đã tổ chức lắp đặt 26 pa-nô, 37 cụm loa, 01 hệ thống phát wifi công cộng cho người dân, treo 10 băng rôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững. 

Về thực hiện truyền thông giảm nghèo đa chiều, Tỉnh đã triển khai thực hiện 88 lượt phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình (trong đó có 19 chuyên mục bằng tiếng Khmer); tổ chức 01 cuộc tọa đàm với 80 lượt người dự; tổ chức 12 lượt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa để xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở, từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%.
 
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nâng cao năng lực và giám sát đánh giá trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo (theo nội dung Dự án 7), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tỉnh đã phối hợp các địa phương tổ chức 28 lớp tập huấn về nghiệp vụ thực hiện Chương trình và công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo với 2.168 lượt cán bộ tham dự. Các địa phương tổ chức 4 đợt học tập kinh nghiệm ngoài Tỉnh với 92 lượt cán bộ phụ trách tham gia. Các địa phương cũng đã tổ chức được 129 lượt kiểm tra, giám sát; Hội đồng nhân dân Tỉnh tổ chức giám sát quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 04 đơn vị cấp huyện…

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp, đoàn thể tại Tỉnh tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó, xuất hiện các địa phương, cá nhân, mô hình điển hình tiên tiên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, điển hình như thị xã Vĩnh Châu, đây là địa phương vùng ven biển phía Nam của tỉnh Sóc Trăng. Nhờ triển khai đồng bộ các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG đã giúp cho Thị xã ngày càng phát triển, đời sống của người dân nâng lên rõ rệt. Theo thống kê, hiện thị xã có 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 63% ấp, khóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp (trong đó hộ dân tộc Khmer là 22.051 điện kế, đạt 99%).

Hiện gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số của Thị xã đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Các chính sách được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm giảm từ 3- 4%. Nhờ giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng và các khoản phụ cấp khác bình quân hàng năm hiện trên 900 người đang được hưởng với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Chi trợ cấp hàng tháng cho 3.000 người cao tuổi và 1.800 người khuyết tật, với kinh phí thực hiện 19 tỷ 500 triệu đồng. 

Công tác đào tạo nghề được chú trọng và được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.868 lao động, đạt 128,93%, trong đó có 140 lao động làm việc tại nước ngoài, đạt 93,33%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%, đạt 66,67%, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn. Hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Đến nay, thị xã có 10/10 trạm y tế xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có bác sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã gia hạn và cấp phát được 107.429 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 93,44%...

Có thể thấy, việc triển khai Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy vậy do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số của Tỉnh sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán… nên số hộ nghèo của Tỉnh còn nhiều, tính đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn còn 7.122 hộ Khmer nghèo, chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer; hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ, chiếm 2,09%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh đến cuối năm 2022  đã giảm 2,19%, đạt chỉ tiêu giảm bình quân từ 2-3%/năm, tuy nhiên tỷ lệ này hiện vẫn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo của khu vực 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo Tỉnh đứng thứ 12/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; quy mô hộ nghèo cao nhất trong khu vực, đứng thứ 13/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long… Ngoài ra, công tác giảm nghèo tại tỉnh Sóc Trăng hiện nay còn không ít khó khăn, bởi khoảng cách chênh lệch giàu nghèo khá lớn; chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế; phong tục, tập quán sản xuất và đời sống còn lạc hậu; hạ tầng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ; năng lực, trình độ của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế;...

Trước hiện trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, Tỉnh chủ trương tiếp tục tập trung đầu tư hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của Tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Ngoài ra, Tỉnh quyết tâm triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương để từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Theo kế hoạch, thời gian tới, Sóc Trăng tập trung triển khai, thực hiện Chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân vào chương trình xóa đói, giàm nghèo bền vững./.

Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top