Sóc Trăng hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống

30/10/2023 - 02:11 PM
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Sóc Trăng xác định chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống; từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của Tỉnh.

Tập trung hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề

Sóc Trăng là địa phương có hơn 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm 30,19% dân số toàn Tỉnh. Do có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, với đặc thù ít đất sản xuất, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán… nên đến cuối năm 2022, Sóc Trăng vẫn còn có tới trên 7.100 hộ Khmer nghèo.

Từ thực tế đó, việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số được Tỉnh ưu tiên hàng đầu, nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính từ năm 2021 đến nay, Tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4.500 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, triển khai xây dựng 113 công trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Để tạo động lực cho các hộ đồng bào DTTS chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế, Sóc Trăng đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại nghị định; Địa bàn thực hiện cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.

Nhờ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đồng bộ, kịp thời, trong năm 2021-2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 -2025 cho trên 405 lượt hộ vay chuyển đổi nghề với kinh phí trên 19,6 tỷ đồng; đồng thời, phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác cho 51.604 lượt hộ, trong đó có 13.335 hộ dân tộc thiểu số, 2.790 lượt hộ nghèo (có 996 hộ dân tộc thiểu số), 8.786 lượt hộ cận nghèo (có 2.242 hộ dân tộc thiểu số), 20.917 lượt hộ mới thoát nghèo (có 5.237 hộ dân tộc thiểu số), với số tiền trên 1.132,6 tỷ đồng để phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, cho vay giải quyết việc làm 8.549 hộ (có 1.788 hộ dân tộc thiểu số) với số tiền trên 340,3 tỷ đồng.

Sóc Trăng hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống
Hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Sóc Trăng ưu tiên hàng đầu
 
Huyện Châu Thành là địa bàn có gần 50% dân số là người Khmer, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 946 hộ. Năm 2023, dự kiến huyện có 228 hộ được quan tâm đầu tư chuyển đổi ngành nghề bằng việc hỗ trợ phương tiện chuyển đổi nghề như xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe mô tô…; 7 hộ được hỗ trợ đất và 111 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng. Riêng tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, Chương trình DTTS đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 40 hộ; trong đó, có 10 hộ được hỗ trợ mua xe nước mía, 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ, 22 hộ được hỗ trợ mua xe gắn máy để làm dịch vụ chạy xe ôm và làm phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế.

Nhiều địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng cũng chú trọng hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi nghề như: Huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ với số tiền 290 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm; huyện Mỹ Tú hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề trong các năm 2021-2023…

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sóc Trăng còn chỉ đạo 19 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề, trang bị kiến thức kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm cho 45.700 người, trong đó chủ yếu là người DTTS, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020.

Các chính sách hỗ trợ trên đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn này giảm trên 4,5%/năm.

Dự án chăn nuôi bò giúp đồng bào Khmer ổn định cuộc sống

Chăn nuôi bò lâu nay đã là thế mạnh của người dân tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Để hoạt động chăn nuôi bò mang lại lợi ích kinh tế cao, năm 2014, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND phê duyệt Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013-2020. Dự án được triển khai thực hiện tại các địa phương có chăn nuôi bò sữa gồm 04 huyện (Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành, Trần Đề) và thành phố Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng.

Qua 7 năm thực hiện dự án, tổng đàn bò sữa trên địa bàn Tỉnh đạt trên 10.000 con, tăng khoảng 5.300 con so với năm 2013; sản lượng sữa tươi tăng từ 5.280 tấn/năm (năm 2014) lên 12.530 tấn/năm (năm 2020). Dự án đã tổ chức bình tuyển, bấm tai và cấp sổ quản lý được khoảng 6.600 con bò sữa; hỗ trợ 18.900 liều tinh để phối miễn phí cho đàn bò sữa của tỉnh với tỷ lệ đậu thai là 38% và đã có 5.000 bê con được sinh ra; đã hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến gồm: 47 mô hình trồng cỏ, bắp; 72 mô hình ủ phân Compost; 34 mô hình ủ rơm + Urê. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ lên thành trang trại, gia trại; tạo công ăn việc làm cho 5.000 lao động ở nông thôn, đặc biệt là dân tộc Khmer chiếm trên 90%; hình thành được chuỗi liên kết sản xuất sữa bò từ đầu vào đến đầu ra ổn định; chuyển đổi được gần 900 ha đất sản xuất kém hiệu quả, đất vườn tạp,… sang trồng cỏ, bắp phục vụ phát triển chăn nuôi bò sữa, tận dụng được nguồn rơm lúa để chăn nuôi bò; tận dụng phân bò để bán với sản lượng hàng năm khoảng 9.600 tấn; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường;…Lợi nhuận dự án mang lại là gần 671,2 tỷ đồng.

Năm 2016, Sóc Trăng tiếp tục phê duyệt Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Dự án được triển khai thực hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng. Sau 4 năm thực hiện Dự án, tổng đàn bò thịt trên địa bàn Tỉnh đạt 44,2 nghìn con, tăng gần 11.000 con so với trước khi thực hiện Dự án (năm 2016), đạt 44,22% mục tiêu Dự án. Từ năm 2017-2020, dự án cũng đã xây dựng được 8 mô hình chăn nuôi bò theo hướng VietGAHP; hỗ trợ vốn cho 29 Tổ hợp tác chăn nuôi bò (20 triệu đồng/tổ) để xoay vòng hỗ trợ cho các thành viên còn thiếu vốn sản xuất. Dự án cũng đã tạo ra được 3.030 con bê, mỗi con có giá trị cao hơn 3 triệu đồng so với bê không được gieo tinh nhân tạo; tăng tổng đàn bò được gần 4.700 con; mang lại lợi nhuận là 124,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn giúp giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động nông thôn, duy trì hoạt động của 29 Tổ hợp tác chăn nuôi, …; làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp nói chung.

Tiếp nối thành công của 2 dự án trên, năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 – 5 con, tăng số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đào tạo, tập huấn nâng cao đội ngũ dẫn tinh viên, kỹ thuật thú y đạt 60 kỹ thuật viên. Diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 3.000 ha. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn. Đảm bảo 90% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với bò sữa, phấn đấu bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 – 6 con bò sữa. Tăng số lượng đàn bò sữa đạt 11.000 con. Cơ cấu đàn bò cái sinh sản chiếm 60% trong đó đàn bò khai thác sữa chiếm 40% tổng đàn. Sản lượng sữa tươi đến năm 2025 đạt 20.000 tấn/năm, năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ.

Đây được xem là dự án chăn nuôi bò quy mô lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, đồng thời giúp bà con nông dân giảm áp lực về diện tích trồng cỏ, giảm chi phí thức ăn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Thực hiện Dự án, Ban Quản lý Dự án đã triển khai nhiều hoạt động, tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển tiếp như: Hỗ trợ chi phí để nâng cấp, sửa chữa chuồng trại; Hỗ trợ bò giống chất lượng để tăng đàn; Hướng dẫn bà con tận dụng phân bò để làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng, giảm chi phí chăn nuôi…
 
Sóc Trăng hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống 1
Dự án phát triển chăn nuôi bò đã giúp đồng bào dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng cải thiện cuộc sống

Thông qua sự hỗ trợ của dự án, cộng với tinh thần gắn bó, quyết tâm của người dân, mô hình này đã tận dụng đất kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây thức ăn phục vụ việc chăn nuôi bò, đồng thời tận dụng được nguồn phế phụ phẩm của nông nghiệp góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, dự án chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả cao, đàn bò tại các hộ đều có sự tăng trưởng tốt cả về tổng đàn và sản lượng thịt, sữa. Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, tổng đàn bò trên địa bàn Tỉnh đã phát triển hơn 54.000 con, sản lượng thịt bò hơi là 2.475 tấn/năm, sản lượng sữa bò tươi là 12.284 tấn. Để cải thiện chất lượng đàn bò, bên cạnh tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ban Quản lý Dự án đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ 3.104 liều tinh bò sữa và 15.873 liều tinh bò thịt cho đàn bò nuôi tại hộ; đấu thầu mua 40 con bò sữa giống hậu bị cái từ 12 tháng tuổi trở lên hỗ trợ hộ dân. Xây dựng 1 mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến và 5 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAP..

Những kết quả trên đã giữ chân lao động tại địa phương, tạo sinh kế bền vững và duy trì thu nhập ổn định cho nhiều nông dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, góp phần từng bước chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn hơn, giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế nông hộ.

Trong thời gian tới, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, triển khai các dự án kinh tế mang lại hiệu quả cao vẫn là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói, với Sóc Trăng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 thực sự là điểm tựa cho đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững./.
 
P.V

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top