Thách thức Giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam

03/07/2023 - 10:06 AM
Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Hệ thống chính sách hướng tới mục tiêu giảm nghèo được đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo vẫn gặp khó khăn, thách thức với số hộ nghèo và cận nghèo năm 2022 còn tới 1,97 triệu hộ.

Kết quả giảm nghèo
 
Hiện Việt Nam đã trải qua sáu lần điều chỉnh tiêu chí về nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế, từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu... Về phương thức giảm nghèo, Việt Nam chuyển từ chỗ Nhà nước phải bảo đảm ngân sách hoàn toàn sang phương thức Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể. Ngày 27/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định giai đoạn 2022-2025 áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Cụ thể, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, bao gồm:

Tiêu chí về thu nhập: Khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Các tiêu chí đo lường về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 được quy định tại Nghị định. Trong đó, chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/ tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình nêu trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025.

 
Thách thức Giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam
Ảnh minh họa
 
Với các tiêu chí đo lường trên, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 trên phạm vi toàn quốc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%, với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1,97 triệu hộ. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, chiếm 21,92% với 701,4 nghìn hộ; Đồng bằng sông Hồng là 2,45% với 169,5 nghìn hộ; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 10,04% với 571,2 nghìn hộ; Tây Nguyên là 15,39% với 236,7 nghìn hộ; Đông Nam Bộ là 0,34% với 15,7 nghìn hộ. Đồng bằng sông Cửu Long là 5,73% với 277,9 nghìn hộ.

Tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 4,03% với 1,05 triệu hộ phân theo các khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc là 14,23% với 455,2 nghìn hộ; Đồng bằng sông Hồng là 1,00% với 69,2 nghìn hộ; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 4,99% với 284,1 nghìn hộ; Tây Nguyên là 8,39% với 129,1 nghìn hộ; Đông Nam Bộ là 0,21% với 9,7 nghìn hộ; Đồng bằng sông Cửu Long là 2,26% với 109,7 nghìn hộ.

Tỷ lệ hộ cận nghèo chung cả nước là 3,49% với tổng số gồm 915,3 nghìn hộ phân theo khu vực: Trung du và miền núi phía Bắc là 7,69% với 246,1 nghìn hộ; Đồng bằng sông Hồng là 1,45% với 100,2 nghìn hộ; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 5,05% với 287,1 nghìn hộ; Tây Nguyên là 6,99% với 107,4 nghìn hộ; Đông Nam Bộ là 0,13% với 6,1 nghìn hộ; Đồng bằng sông Cửu Long là 3,46% với 168,1 nghìn hộ.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực này là 55,45%, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538,7 nghìn hộ. Tỷ lệ hộ nghèo là 38,62% với tổng số 375,1 nghìn hộ; Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,84% với tổng số 163,5 nghìn hộ.


Giảm nghèo đa chiều - còn nhiều thách thức
 
Theo các chuyên gia, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là cơ sở để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác. Thời gian qua, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiện nay đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo.

Trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; giáo dục và đào tạo; y tế; về nhà ở; trợ giúp pháp lý; văn hóa, thông tin). Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội, ước đến 31/12/2022, tổng dư nợ đạt trên 283.000 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867.000 lao động, trong đó có trên 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng khoảng 13.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn đã tái nghèo chỉ sau 2 năm.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của từng địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, cần đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn…

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo, trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả; tích hợp, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với tiêu chí cụ thể như đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo và hướng tới làm giàu của người dân và cộng đồng./.
ThS. Phùng Khắc Sáng - ThS. Nguyễn Thùy Hương
Trường Đại học Lao động Xã hội

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top