Thương mại điện tử Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức

18/08/2020 - 10:20 AM
Cơ hội từ khủng hoảng
 
Thời gian qua, dịch bệnh Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị chậm lại. Theo Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, có tới 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
 
Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%; nhóm doanh nghiệp nhỏ 89,7%; nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%.

 
Thương mại điện tử Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19, với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7% (tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ doanh nghiệp).
 
Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: Ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.
 
Trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Nếu dịch kéo dài đến hết quý II, dự kiến cả nước có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động; nếu dịch kéo dài đến hết quý III, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng lên 160 nghìn; đến hết quý IV tăng lên 205 nghìn doanh nghiệp.
 
Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả SXKD của doanh nghiệp. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 69,6% so với cùng kỳ.
 
Có thể nói, những tổn thất về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra mang đến nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các lĩnh vực khác phát triển, trong đó có Thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 được ví như chất xúc tác, tạo cú huých cho TMĐT tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, đđảm bảo an toàn cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đã có những thay đổi lớn, là cơ hội để TMĐT phát triển mạnh mẽ hơn. Thống kê từ Công ty Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TP. Hồ Chi Minh, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây cho thấy, những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh với 50 - 80% người dân đã giảm tần suất đi siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống; 20 - 30% số người cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
 
Trong bối cảnh đại dịch, khi thị trường mua bán truyền thống bị gián đoạn thì TMĐT có cơ hội phát triển nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân. Trong đó, mua bán online là hình thức được phát triển mạnh bởi sự tiện lợi, vừa đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng, vừa đảm bảo tốt việc thực hiện giãn cách xã hội. Chính vì vậy, các đơn hàng online trong giai đoạn giãn cách xã hội đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí còn quá tải do lượng khách truy cập và đặt đơn hàng cao. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, kênh mua sắm qua điện thoại, website của doanh nghiệp đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính, đơn hàng giao dịch thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày thường.
 
Cùng với đó, số lượng đơn hàng của trang thương mại điện tử SpeedL thuộc Lotte Mart cũng tăng từ 150- 
200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Vì thế, đđáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phải phân bổ cho trang online tăng gấp đôi và cử thêm nhân sự bán hàng.
 
Đơn hàng của nhiều sàn thương mại điện tử khác như: Shopee, Lazada hay Tiki… trong những tháng gần đây cũng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, có những lúc cao điểm lượng đơn hàng tăng phát sinh từ 3.000 - 4.000 đơn hàng/phút khiến nhiều mặt hàng liên tục phải nhập kho. Theo báo cáo của Google, hành vi mua bán hàng trên các sàn TMĐT tại Việt Nam đã tăng 42% sau dịch. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng đã hình thành thói quen và tin cậy vào việc mua hàng trực tuyến.
 
Theo các chuyên gia, TMĐT Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đó là sự phát triển nhanh chóng của Internet, sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự nhạy bén, bắt kịp nhanh về công nghệ thông tin của người tiêu dùng. Điều này đã giúp việc mua - bán online bùng nổ, đặc biệt là khi toàn xã hội thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19.
 
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), ngành TMĐT Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm từ 25 - 30%/năm. Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt 27%, với tổng doanh thu bán lẻ (B2C) tương đương khoảng 13 tỷ USD.
 
Cùng với đó, thị trường TMĐT Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng về số người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng như tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo Sách Trắng TMĐT Việt Nam 2019, số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người ước đạt 202 USD, tăng 16 USD so với năm trước.
 
Đặc biệt, theo báo cáo “Kinh tế Internet Đông Nam Á do Google và Temasek thực hiện, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Điều này cho thấy dư địa từ ngành TMĐT Việt Nam còn rất lớn so với thị trường bán lẻ hiện nay.
 
Đặt mục tiêu phát triển TMĐT đứng Top 3 ASEAN vào năm 2025
 
Nhằm đưa ra chiến lược mới phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, đồng thời tạo đà để TMĐT phát triển lên một tầm cao mới, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu chính là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường TMĐT phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
 
Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn với các địa phương về mức độ phát triển TMĐT; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Kế hoạch cũng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
 
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025. Theo đó, về quy mô thị trường TMĐT, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/ người/năm; doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
 
Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.
 
Về tương quan phát triển thương mại điện tử giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
 
Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT…
 
Đđạt được các mục tiêu đề ra, kế hoạch vạch rõ 6 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đđáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0; Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng TMĐT; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT…
 
Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 phải được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành công thương và các ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và các ngành dịch vụ khác. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch này còn cần gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển và ứng dụng CNTT-TT; các chương trình cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thúc đẩy ngành TMĐT Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

 
ThS. Trần Thị Minh Trâm
Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top