Tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc thiểu số và miền núi

04/06/2019 - 02:19 PM
Hiệu quả từ các chính sách
 
Theo Báo cáo tóm tắt đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018) của Ủy ban Dân tộc, tổng số dân vùng dân tộc thiểu số là 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đồng bào DTTS cư trú tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu ở các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Đó là những vùng khó khăn nhất của nước ta, đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Do đó, đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
 
Giai đoạn 2016-2018, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Trong giai đoạn này đã có 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN được ban hành, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp và 26 chính sách chung gián tiếp cho đồng bào DTTS.
 
Đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các chính sách dân tộc thời gian qua cho thấy, các chính sách đã đang hỗ trợ đồng bào DTTS trên cả nước phát triển về mọi mặt. Các khu vực DTTS, MN trên cả nước đã bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa: Cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ… Kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng DTTS, MN có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã đã có điện thoại cố định và di động cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
 
Luôn đồng hành cùng đồng bào DTTS, trong ba năm qua, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103 nghìn người, dạy nghề cho 720 nghìn người DTTS, góp phần giúp con em đồng bào tìm kiếm việc làm. Cùng với đó, các ngân hàng chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 01 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135.
 
Cùng với đó, các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ tại các địa phươngđồng bào DTTS sinh sốngđạt kết quả bước đầu quan trọng. Đến tháng 8/2018, cả nước1.052vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29% (trong khi toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%).
 
Vốn là vùng trũng về trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, do đó công tác giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, MN đặc biệt được quan tâm đầu tư phát triển. Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên đáng kể. Hiện cả nước có 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú; 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 05 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập.
 
Bằng nhiều chính sách, hành động cụ thể, công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng đồng bào DTTS  đã được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Giai đoạn 2016-2018, đã có 433 trạm y tế xã vùng DTTS, MN, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng; cấp miễn phí thẻ BHYT cho 20,705 triệu lượt đồng bào DTTS; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%. Đồng thời, Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết được nỗ lực triển khai thực hiện ở 22 tỉnh vùng DTTS, MN.
 
Điều đáng chú ý là các chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người đã được quan tâm xây dựng ban hành. Đó là Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển KTXH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người”. Theo đó trẻ em, học sinh DTTS rất ít người được ưu tiên vào học các trường mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; học sinh tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào các trường dự bị đại học, cơ sở đào tạo, cao đẳng, đại học công lập.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cũng được chú trọng. Tính đến tháng 8/2018, số cán bộ công chức, viên chức là người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp Bộ là 46 người (chiếm 12,16%); cấp Vụ và tương đương là 146 người (chiếm 4%), công chức, viên chức ở các bộ, ngành và cấp Sở là trên 170 nghìn người (chiếm 15%). Quan trọng hơn, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng lên, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ quản lý, điều hành ở địa phương.
 
Một điểm sáng khác của giai đoạn này thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Thêm vào đó, việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN và thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS, MN được quan tâm hơn, qua đó cơ bản đáp ứng đủ kinh phí để thực hiện chính sách chi hỗ trợ về y tế, giáo dục. Các chính sách đặc thù đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu của các đề án đã được phê duyệt (cao hơn giai đoạn trước). Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, đã có 17 nghìn tấn gạo được cấp (không thu tiền) để hỗ trợ các địa phương nhiều đồng bào DTTS sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào DTTS.
 
Vẫn còn khoảng cách lớn
 
Tuy nhiên, đời sống đồng bào vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại những khoảng cách khá lớn so với cả nước về nhiều mặt. Số liệu của Báo cáo tóm tắt đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN cho thấy, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số cao, tính đến cuối năm 2017, tỷ   lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 52,7% tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,6% tổng dân số nước ta.
 
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS, MN tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Tính đến tháng 10/2018, vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Mặc dù tỷ lệ người dân được cấp thẻ BHYT cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh còn thấp; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; đa số các Bộ, ngành và địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Vấn đề di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chưa được giải quyết triệt để.
 
Nhìn lại các chính sách dân tộc được ban hành trong ba năm qua cho thấy, trong số 15 chính sách trực tiếp, phần lớn tập trung trong các lĩnh vực xã hội như: Giáo dục, văn hóa, thông tin, mà chưa có nhiều những chính sách căn bản để giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội như: Chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho vùng DTTS, MN… Trong công tác quản lý Nhà nước, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong triển khai, hướng dẫn thực hiện. Việc thực hiện chính sách ở các địa phương còn gặp phải những vướng mắc do phân bổ nguồn lực thiếu, giải ngân chậm, cơ chế thủ tục chưa phù hợp.
 
Bên cạnh đó, Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào tháng 9/2018 cũng cho thấy, tuy tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, tại một số địa phương cá biệt còn có tỷ lệ nghèo 60-70%.
 
Còn theo Hội đồng Dân tộc, tính đến cuối năm 2018, cả nước tới trên 2,1 nghìn nghèo và gần 20,2 nghìn thôn bản nghèo, đây những địa bàn đặc biệt khó khăn, chưa tính bãi ngang ven biển, an toàn khu, biên giới, hải đảo. Số hộ thiếu đất ở lên tới gần 81 nghìn hộ, chiếm 2,74% số hộ dân tộc thiểu số; số hộ thiếu đất sản xuất trên 221,7 nghìn hộ, chiếm 7,49% số hộ dân tộc thiểu số. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào chưa chuyển biến rõ nét, thiếu đất sản xuất nên nguồn lực để thực hiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
 
Trình độ học vấn và việc làm của đồng bào DTTS cũng là vấn đề đáng quan tâm. Cuối năm 2018, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học THPT chỉ đạt hơn 41%; tỷ lệ biết đọc, biết viết của người DTTS chỉ đạt 79,2%, trong khi cả nước là 94,7%. Tỷ lệ lao động vùng dân tộc thiểu số đạt trình độ cao đẳng trở lên mới chỉ đạt 3% - một tỷ lệ rất thấp. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng DTTS, MN còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kéo dài qua nhiều giai đoạn nhưng vẫn chưa hoàn thành.
 
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số là 5,76% (cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 2,34%). Tại khu vực miền núi, do người dân thiếu việc làm dẫn đến tình trạng lao động tự phát qua biên giới, lao động tự do về các trung tâm đô thị, xu hướng đi lao động ở các khu công nghiệp, hầm mỏ ngày càng nhiều.
 
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên là do xuất phát điểm của vùng DTTS và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Cùng với đó, đời sống của đồng bào vùng DTTS chịu ảnh hướng lớn của sự biến đổi khí hậu như: Sạt lở đất, xâm nhập mặnđồng bằng Sông Cửu long;ống,quétcác tỉnh Tây Bắc; hạn háncác tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung... Điều này làm cho đời sống của đồng bào DTTS càng khó khăn hơn.
 
Năm 2019 là năm“nước rút” để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, do đó cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề tồn tại của vùng DTTS, MN để cùng cả nước về đích những mục tiêu như kế hoạch đặt ra. Theo đó, một số giải pháp chủ yếu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN đến năm 2020 được đặt ra là: Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt các chính sách dân tộc đã ban hành; Nỗ lực cao nhất để làm chuyển biến rõ rệt đời sống của đồng bào ở vùng DTTS, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên hải miền Trung; Đánh giá đúng đắn tình hình và đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết căn cơ hơn tình trạng di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS di cư đến các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh Tây Bắc (khoảng 30.000 hộ DTTS); Tập trung giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập hiện nay để không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nhất là nhóm dân tộc rất ít người; Tiếp tục xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương./.
 
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top