Vì sao Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát 6 tháng đầu năm 2022?

04/07/2022 - 09:52 AM

6 tháng đầu năm 2022 CPI tăng bình quân 2,44% so với cùng kỳ năm trước, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.

Lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tại Châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4% tương đương với Việt Nam; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.


Lạm phát của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới chủ yếu do một số nguyên nhân:

Một là, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, đồng thời cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất. Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn; trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%). Có thể thấy 6 tháng đầu năm 2020, lạm phát của Việt Nam tăng 4,19% chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao khi nguồn cung thiếu vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi; trong khi đó, lạm phát 6 tháng đầu năm 2020 của Mỹ tăng 1,21%, Anh tăng 1,15%, Đức tăng 1,2%, Pháp tăng 0,75%, Thái Lan giảm 1,14%, Malaixia giảm 0,85%, Singapore giảm 0,15%, Philippine tăng 2,23%.
 
Hai là, chiến tranh giữa Nga và Ucraina cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì quan trọng, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát thêm trầm trọng. Tỷ trọng tiêu dùng lúa mỳ và ngũ cốc ở Mỹ và các nước phương Tây lớn nên khi giá các mặt hàng này tăng cao thì tỷ lệ lạm phát cao hơn Việt Nam.
 
Ba là, Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi đào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 20,12%; giá nội tạng động vật giảm 9,52%; giá thịt chế biến giảm 3,89%. Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được Vaccine dịch tả lợn châu Phi nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.
 
Bốn là, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01 đến hết 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.
 
Nhờ vậy mà Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%.
 
Hiện nay, phương pháp biên soạn CPI của TCTK được thực hiện theo đúng hướng dẫn của quốc tế. Để tính CPI, hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá 752 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ tại 40.000 điểm điều tra. Do đó, số liệu CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

                                                                             (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top