Việt Nam cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030

24/05/2022 - 10:30 AM
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Động thái này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia và hành động cụ thể để cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2030. Qua đó không chỉ kỳ vọng mạnh mẽ về việc nâng cao uy tín của Việt Nam mà còn mở rộng hơn cánh cửa tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài đa dạng với chi phí vay ưu đãi, đồng thời khẳng định vị thế tài chính đối ngoại của đất nước trong mắt cộng đồng thế giới.

Đánh giá tích cực về triển vọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Năm 2021 đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước. Trong quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua với 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Những con số biết nói trên đã cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã, đang tiếp tục tin tưởng và gửi niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. NhẤT là khi Việt Nam hiện đang được các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá tích cực và lạc quan về triển vọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Từ năm 2013-2021, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn trong xu hướng tốt lên. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là: Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng từ“Ổn định” lên“Tích cực”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế - xã hội S&P vẫn giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong khi rất nhiều quốc gia bị hạ tín nhiệm cũng như hạ mức triển vọng. Quyết định này của S&P là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng cũng như những cải cách liên tục trong hoạch định chính sách và ứng phó với đại dịch của Việt Nam. Theo đó, S&P cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi trở thành điểm đến hàng đầu của FDI tại Đông Nam Á với tiềm lực xuất khẩu tăng trưởng ổn định và nhu cầu mạnh mẽ nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ trong việc kiềm chế dịch Covid-19 trong nước cùng với vị thế đối ngoại vững chắc.

 
Việt Nam cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Cũng trong năm 2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm và điều chỉnh tăng triển vọng lên “Tích cực”. Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Moodys cũng đưa ra dự báo, trong thời gian tới, nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả, qua đó góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Trong khi đó, Fitch khẳng định triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam sẽ tiếp tục lạc quan bất chấp đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khi xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB với triển vọng “Tích cực”. Đồng thời, Fitch đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được 6,1% trong năm 2022 và đạt 6,2% trong năm 2023 với sự dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI. Quyết định của Fitch cũng dựa trên nhận định về sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng, nhất là dấu hiệu phục hồi của ngành du lịch khi các đường bay thương mại quốc tế chính thức được nối lại kể từ tháng 2/2022.

Ngoài ra, các chuyên gia thế giới cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có thể đạt được mức “Đầu tư” (tăng từ BB lên BBB) trong 10 năm tới. Triển vọng tích cực này đã thể hiện được sức mạnh tài khóa và kinh tế, là tín hiệu cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện chính sách tiền tệ, tài khóa đã hỗ trợ tích cực tới tiến trình nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Để đạt được điều này, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng cao bền vững so với các quốc gia tương đồng khác thông qua tăng cường nguồn vốn đầu tư và củng cố vị thế tài chính đối ngoại. Tiếp tục cải thiện tình hình tài chính công thông qua ổn định nợ trung hạn và tăng thu ngân sách cũng như giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng từ hệ thống ngân hàng.

 
Tăng cường hành động vì mục tiêu cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam thu hút nguồn lực tài chính từ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩm nhiều biến động do dịch bệnh và các xung đột về chính trị, kinh tế vẫn đang có những diễn biến phức tạp khó lường. Theo các chuyên gia trong nước, dù có nhiều thuận lợi cho đạt mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhưng Việt Nam vẫn cần thận trọng trước những tác động bất ngờ của yếu tố khách quan và phải khẩn trương giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc và hành động mạnh mẽ khi phê duyệt “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hoàn thiện, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên cơ sở khoa học, công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức“Đầu tư”, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP. Phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP… Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%; đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có rủi ro của khối ngân hàng ở mức tối thiểu 9%; duy trì mức dự trữ ngoại hối tương đương với tối thiểu 16 tuần nhập khẩu. Ngoài ra là một số chỉ tiêu về xã hội và môi trường như: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%, giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Giải pháp chủ yếu đặt ra là xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa. Cụ thể, tiếp tục củng cố nền tảng tài khóa lành mạnh, tập trung cải thiện điểm số về thu ngân sách thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt. Đồng thời, tiếp tục tăng cường minh bạch chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách theo trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế; tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đảm bảo vay nợ bền vững. Giải pháp khác là cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước. Tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế. Đề án được thực hiện gắn với quá trình triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm và hằng năm.

Có thể nói, cải thiện xếp hạng quốc gia đến năm 2030 không chỉ được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân quan tâm mà còn thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới với mong muốn hợp tác hơn nữa trước những tiềm năng mà Việt Nam đang có. Fitch Ratings dự báo: Các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý... sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top