Việt Nam - Canada: Nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện

21/09/2022 - 02:28 PM
Việt Nam và Canada đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2017. Từ đây, quan hệ hợp tác giữa 2 nước đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới CPTPP được thực thi trong đó Việt Nam và Canada đều là thành viên. Quan hệ hợp tác của 2 nước càng được kỳ vọng hơn nữa khi FTA ASEAN - Canada đang được thúc đẩy khởi động đàm phán.
 
Năm 2022, đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022) và hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) giữa Việt Nam và Canada. Kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, giữa 2 quốc gia đã có các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ đôi bên. Các phương hướng cũng như biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác được tập trung vào 7 lĩnh vực, đó là: Chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực thương mại - đầu tư và giáo dục và đào tạo.

Trong quan hệ ngoại giao - chính trị, Việt Nam và Canada đã thể hiện mối quan hệ hữu nghị trên tinh thần hợp tác qua sự thăm viếng từ lãnh đạo cấp cao của cả 2 nước. Các tuần lễ văn hóa, các sự kiện giao lưu nhân dân thường xuyên được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam cũng như Canada. Đôi bên cũng khẳng định đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Canada cũng phát triển ngày càng mạnh và ghi dấu nhiều thành tựu đáng kể. Hiện, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại ASEAN. Từ khi xác lập đối tác Toàn diện năm 2017, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng trên 2 con số qua các năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,31% so với năm 2017. Năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (Việt Nam và Canada là 2 trong số 11 thành viên) có hiệu lực thực thi tại Việt Nam đã đẩy thương mại 2 nước lên một tầm cao mới với mức tăng trưởng 22,53%, đạt 4,74 tỷ USD. Chỉ riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho tăng trưởng thương mại giữa 2 nước giảm đà nhưng vẫn đạt được mức tăng 7,27%, với trị giá thương mại đạt 5,08 tỷ USD. Giai đoạn 2017-2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Canada đã tăng từ 3,50 tỷ USD năm 2017 lên 6,02 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng thương mại của giai đoạn đạt 71,85% và kim ngạch thương mại năm 2021 tăng 18,51% so với kim ngạch thương mại 2 nước. Năm 2020, Việt Nam luôn duy trì vị thế xuất siêu rất lớn sang Canada với trị giá xuất khẩu đạt trên 5,26 tỷ USD và trị giá nhập khẩu đạt 760,65 nghìn USD, xu thế kim ngạch xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước.

 
Việt Nam - Canada: Nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện
Quan hệ Việt Nam - Canada được kỳ vọng nâng tầm cao mới

Năm 2022, tình hình xuất khẩu sang Canada tiếp tục ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều có sự tăng trưởng khá ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Canada trong tháng 2/2022 đạt 371,1 triệu USD, tuy giảm 25,9% so với tháng trước nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 871,8 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng dệt may dẫn đầu nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh sang Canada với tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 171,7 triệu USD, tăng 74,1% và chiếm 19,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này; đến tháng 5/2022, tổng trị giá xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 514,4 triệu USD. Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 120,5 triệu USD, giảm 5,4% và chiếm 13,8% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada. Một số nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá như: Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 165,8%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 108,5%; máy ảnh may quay phim và linh kiện tăng 213,3%; chất dẻo nguyên liệu tăng 443,4%. Có thể thấy, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất ấn tượng của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Tính đến tháng 5/2022, Canada đứng thứ 14/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 236 dự án trị giá vốn 4,81 tỷ USD bao gồm cả dự án mới, vốn góp và vốn điều chỉnh. Hai bên đã ký kết các văn bản gồm Ý định thư hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Khoa học bang Quebec; Bản ghi nhớ về Gói hỗ trợ kỹ thuật về nghiên cứu quản lý sân bay giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Ngân hàng quốc gia Canada. Ngoài ra, Canada khẳng định duy trì viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, tổng giá trị ODA Canada dành cho Việt Nam từ 1990 là khoảng 2 tỷ đô la Canada (CAD). Canada cũng viện trợ 15,2 triệu CAD cho 2 dự án an toàn thực phẩm - SAFEGRO dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực thứ 2 được chú trọng trong quan hệ hợp tác và Canada cũng xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên cho hợp tác giáo dục. Với khoảng 21 nghìn du học sinh Việt Nam đang theo hoc tại Canada, Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 toàn thế giới về số lượng du học sinh quốc tế tại quốc gia Bắc Mỹ này. Đại diện ngành giáo dục - đào tạo 2 nước cũng đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về Thúc đẩy cơ hội hợp tác giáo dục và trao đổi song phương trên cơ sở nhu cầu thực tế cần tăng cường quan hệ hợp tác đôi bên về lĩnh vực giáo dục.

Về an ninh - quốc phòng, mối quan hệ 2 nước đã có bước tiến triển quan trọng khi lần đầu tiên Canada cử một đoàn quốc phòng tới thăm Việt Nam vào giữa tháng 4/2018 theo “Chương trình An ninh quốc gia Canada” và lãnh đạo cấp cao Quốc phòng Canada thăm Việt Nam vào tháng 6/2018. Đồng thời, 2 bên duy trì tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Shangri-La; trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về huấn luyện đào tạo tiếng Anh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, phòng chống tội phạm và nhập cư.

Vấn đề hợp tác địa phương được Việt Nam và Canada thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các địa phương tương đồng của hai nước như Hà Tĩnh với Langley (tỉnh bang British Columbia), thành phố Hồ Chí Minh với Toronto (tỉnh bang Ontario), Đà Nẵng với Vancouver... Phía Canada đã triển khai một số dự án viện trợ phát triển (ODA) tại một số địa phương như dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; dự án đào tạo dạy nghề cho người lao động cho tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long…

Việt Nam và Canada cùng tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, APEC, Cộng đồng pháp ngữ (Francophinie)... có sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau ứng cử là Ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ; phối hợp trong nhiều lĩnh vực như giải trừ quân bị, an ninh khu vực, thương mại quốc tế.

Đáng nói hơn, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Canada đang ngày càng nâng tầm và đạt những thành tựu mới nhờ những FTA mà 2 nước đã tham gia. CPTPP đã cho thấy tính hiệu quả cao qua sự tăng trưởng thương mại giữa 2 nước kể từ khi có hiệu lực tại Việt Nam đến nay. Quan hệ Việt Nam - Canada cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước nhảy lớn khi cuối năm 2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Canada đã chính thức thông báo về việc khởi động đàm phán FTA ASEAN - Canada. Đây chính là kết quả tất yếu của mối quan hệ kinh tế gắn kết từ lâu giữa hai bên.

Các quy tắc xuất xứ mới dự kiến có trong FTA ASEAN - Canada sẽ cho phép các nước ASEAN trong CPTPP (gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng với các nước ASEAN không tham gia CPTPP, đồng sẽ mở rộng hiệu quả kết hợp các quy tắc xuất xứ với tất cả thành viên ASEAN trong bối cảnh thương mại song phương, gia tăng sản xuất giữa các nước ASEAN. Hiệu ứng này không chỉ thúc đẩy thương mại của 4 nước ASEAN trong CPTPP nói chung, Việt Nam nói riêng với Canada mà còn tăng thêm sự linh hoạt giữa các nước ASEAN và gia tăng thương mại nội khối. Các chuyên gia dự báo rằng, thương mại của 4 nước ASEAN trong CPTPP với Canada sẽ tăng 546,3 triệu USD, thương mại với các thành viên ASEAN còn lại sẽ tăng 1,45 tỷ USD. Về tổng thể, thương mại nội khối ASEAN có lợi từ quy tắc xuất xứ cộng gộp cũng như lợi ích thu được từ FTA ASEAN- Canada sẽ là 2,68 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời cơ luôn đi cùng với thách thức khi Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hơn trước các yêu cầu về mở cửa thị trường hàng hóa, cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao từ nước bạn. Cả Việt Nam và Canada đều cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong tiến trình chuẩn bị cho FTA ASEAN - Canada. Dù vậy, những kỳ vọng về hợp tác và phát triển thương mại cũng đem lại cho Việt Nam - Canada sự gắn kết bền chặt, làm tiền đề để nâng tầm hợp tác trong quan hệ ngoại giao, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và an sinh./.

Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top