Dự kiến từ ngày 28/2 đến ngày 01/3/2023, Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 (VIATT 2024) sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với những công nghệ, xu hướng đang diễn ra trên thế giới phù hợp với định hướng và góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể đối với ngành dệt may tại Quyết định số 1463/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Triển lãm được phối hợp tổ chức bởi Tập đoàn Messe Frankfurt, CHLB Đức - đơn vị tổ chức hội chợ triển lãm hàng đầu thế giới với chuỗi 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế trên 11 quốc gia khác nhau, liên kết hơn nửa triệu chuyên gia dệt may trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 28/8/2023, trong khuôn khổ Hội chợ mùa Thu Intertextile Thượng Hải 2023 - Hội chợ lớn nhất của chuỗi Triển lãm Intertextile toàn cầu, họp báo đầu tiên giới thiệu về VIATT năm 2024 đã được tổ chức. VIATT được đánh giá cao về tính thiết thực, cơ hội tiềm năng đối với toàn bộ chuỗi giá trị ngành dệt may do một sự kiện hàng đầu khu vực Đông Nam Á được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam và vào đúng thời điểm doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung ứng vào mùa Xuân. Từ giữa năm 2023, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng phù hợp (sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, hàng dệt kỹ thuật và sản phẩm không dệt, công nghệ dệt và máy khâu...) trên toàn Việt Nam đã được mời tham gia trưng bày sản phẩm tại Triển lãm VIATT 2024.
Họp báo công bố Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 tại Thượng Hải
tháng 8/2023
Trong năm đầu tiên tổ chức, dự kiến Triển lãm sẽ thu hút trên 500 nhà trưng bày trên tổng diện tích khoảng 18.000 m2 và khoảng 35.000 khách tham quan tới từ khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá, chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới. Ngoài việc đề cập tới các xu hướng mới nhất, một loạt các sự kiện bên lề bao gồm các hội thảo với tính tương tác cao, sức ảnh hưởng lớn và chuyên nghiệp hứa hẹn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kết nối và trao đổi thông tin thị trường.
Việt Nam hiện là một trong 3 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới và là một trong những nước nhập khẩu máy móc dệt may lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam đặc biệt cao, từ 20-26% trong giai đoạn 2018-2022. Đồng thời, với số lượng lớn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng, Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với các đối tác quốc tế có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhất là khi Việt Nam đang theo đuổi yếu tố sản xuất xanh và sản phẩm bền vững để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0. VIATT 2024 hướng đến tìm nguồn cung và khai thác tối đa tiềm năng của thị trường. Chính vì vậy, VIATT 2024 được kỳ vọng sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế hàng đầu khu vực, góp phần quan trọng định hình tương lai ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam, là nền tảng hỗ trợ kết nối quan trọng trong lĩnh vực dệt may của thế giới và khu vực.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 33,2 tỷ USD. Tuy giảm so với năm 2022 do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhưng dệt may vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam./. |
PV