Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

17/09/2023 - 07:09 AM

Trước yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thế giới, Việt Nam đã khẩn trương ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Đây chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “minh bạch-trách nhiệm-bền vững”.

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Vấn đề an ninh lương thực luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, trong đó có thể kể đến Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Để triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và nhằm thực thi mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; tiếp theo là Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mới đây ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”
 

Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

Sau hơn 10 năm (2009 - 2019) thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật là: Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước, nhất là khi có biến động khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động của đại dịch Covid-19; tham gia vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới. Trong vòng 10 năm qua, sản xuất lương thực, thực phẩm đã liên tục phát triển; sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn năm 2009 lên 43,45 triệu tấn năm 2019, bình quân lương thực tăng từ 497 kg/người/năm (năm 2009) lên trên 525 kg/người/năm (năm 2019), đưa Việt Nam vào nhóm nước hàng đầu về sản xuất lương thực; sản lượng thịt hơi các loại tăng 1,3 lần, sữa các loại tăng 3,36 lần, trứng tăng 2,13 lần; sản lượng thủy sản tăng 1,7 lần. Tình trạng thiếu dinh dưỡng đã giảm xuống còn 10,8% vào năm 2019; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là thu nhập của người dân nông thôn tăng 3,65 lần.

Hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, lưu thông, dự trữ lương thực, thực phẩm được nâng cấp, hiện đại hóa; các kênh phân phối không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, nâng cao năng lực sản xuất, lưu thông và khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Năm 2022, Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP tăng 8,02% so cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Năm 2022, diện tích lúa ước đạt 7,1 triệu ha, năng suất đạt 60,2 tạ/ha; diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 3.712,1 nghìn ha, tăng 0,8% so với năm 2021; Nhóm cây ăn quả gia tăng diện tích ở một số cây như: Sầu riêng tăng 25,1 nghìn ha, mít tăng 7,8 nghìn ha; ổi, na, chanh leo đều tăng hơn 2 nghìn ha; bưởi tăng 1,8 nghìn ha; Sản lượng thủy sản ước đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2021; Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 300,1 nghìn ha, tăng 3,4% so với năm 2021.

Sang năm 2023, tính đến ngày 15/8/2023, cả nước gieo cấy được 1.387,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước.  Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm 2023 ước đạt 1.912,5 nghìn ha, giảm 0,2% so vụ hè thu trước  song năng suất lúa hè thu ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước do các địa phương tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; sản lượng ước đạt 11 triệu tấn, tăng 157 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2022. Chăn nuôi trâu, bò trong 8 tháng đầu năm nhìn chung phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. 8 tháng đầu năm, đàn lợn tăng 3,3%, gia cầm tăng 2,3%; đàn bò tăng 0,5% ...

Trong 8 tháng năm 2023, diện  tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 160,6 nghìn ha; sản lượng thủy sản ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp sử dụng mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo vào tăng hiệu quả sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm.

Nhờ những hành động mạnh mẽ, cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương, nông nghiệp Việt Nam thay đổi ngoạn mục từ một quốc gia nhập khẩu trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như: Gạo, cà phê… Đồng thời, Việt Nam không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân, mà còn có những đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn từ 3 “biến”: Biến đổi khí hậu (BĐKH), biến động thị trường và biến chuyển xu thế kinh doanh. Người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương. Tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động đối với môi trường. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng, tiêu chuẩn công bằng và bền vững.

Khẳng định an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài, để vượt qua thách thức, Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như: Tự do hóa thương mại, BĐKH, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực.

Để thực thi mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 300/QĐ-TTg về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Kế hoạch đưa ra các quan điểm: Thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống, đặc biệt đối với khu vực khó khăn, nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương; Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần được thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Từ quan điểm trên, Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm mức độ nặng và vừa ở mức dưới 5%; Duy trì kim ngạch xuất khẩu lương thực thực phẩm trên 30 tỷ đô la Mỹ/năm; Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%; Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Tổn thất sau thu hoạch các nông, lâm, thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1,0%/năm; Tỷ lệ giá trị nông sản chế biến trong tổng giá trị sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản ở mức trên 50%; Trên 50% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; Phát thải khí nhà kính từ hệ thống lương thực, thực phẩm giảm 10% so với năm 2020.

Hiện thực hóa mục tiêu, Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện thời gian tới như sau:

Một là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Trong đó, rà soát và xây dựng chính sách thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp, góp phần hình thành các vùng sản xuất bền vững theo vùng sinh thái. Xây dựng và phát triển cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu đề xuất thành lập Đối tác Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Hai là, phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Trong đó, nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng các giống và biện pháp kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận phù hợp với các vùng sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; cơ giới hóa phù hợp với nông nghiệp sinh thái. Xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và tài nguyên di truyền động, thực vật. Phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Ba là, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững với việc triển khai áp dụng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đối với mọi loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm. Xây dựng nền tảng thông tin số về thời tiết, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, dự báo và cảnh báo dịch bệnh, sâu bệnh và thông tin thị trường dễ truy cập trên diện rộng. Tăng cường ứng dụng công nghệ số điều khiển hệ thống canh tác nông nghiệp chính xác, theo dõi phát thải khí nhà kính cho các chuỗi giá trị sản phẩm lương thực thực phẩm chủ lực. Nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất, doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất và cung ứng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng.

Bốn là, phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Theo đó, xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu giám sát và đo lường thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm theo hướng trách nhiệm và bền vững. Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội.

Năm là, thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Trong đó, xây dựng và theo dõi bảng cân đối thực phẩm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh làm cơ sở theo dõi và điều tiết sản xuất cũng như phân phối thực phẩm cân đối cho thị trường quốc gia, khu vực và địa phương. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng, khuyến khích hành vi tiêu dùng ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng cân đối, có lợi cho sức khỏe, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng. Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng tích hợp về thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường.

Trang Nguyễn

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top