Mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia

16/12/2020 - 10:50 AM
Được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, Việt Nam luôn chú trọng việc tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về xuất, nhập khẩu để đón nhận các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia (Cổng MCQG) là một dẫn chứng với những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp. Trong đó, mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi thực hiện TTHC trên Cổng một cửa quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mức độ hài lòng của doanh nghiệp.

Sự thuận lợi dựa trên mức độ triển khai các TTHC qua cơ chế một cửa quốc gia

Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định: Cổng thông tin một cửa quốc gia có chức năng tiếp nhận chứng từ điện tử, thông tin khai và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người khai và các cơ quan xử lý; chuyển chứng từ điện tử, thông tin khai và các thông tin có liên quan của người khai đến hệ thống xử lý chuyên ngành; đồng thời lưu trữ thông tin từ người khai trên Cổng MCQG nhằm mục đích tra cứu, thống kê; tiếp nhận kết quả xử lý và thông báo từ hệ thống xử lý chuyên ngành; phản hồi kết quả xử lý cho người khai và hệ thống xử lý chuyên ngành có liên quan; lưu trữ trạng thái của các giao dịch điện tử, chứng từ điện tử được thực hiện trên Cổng MCQG. Việc vận hành Cổng MCQG được thực hiện dựa trên sự tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật thương mại, bí mật kinh doanh và các quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan, đầy đủ và kịp thời của các TTHC. Qua đó hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả về số lượng hồ sơ, thủ tục cũng như cải thiện thực chất hơn về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi tối đa và làm thỏa mãn mức độ hài lòng của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, tiến độ hoàn thành triển khai TTHC lên Cổng MCQG đã, đang tương đối bám sát mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Báo cáo Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện TTHC qua Cơ chế Một cửa quốc gia được thực hiện dưới sự hợp tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế MCQG và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) cho thấy, tính đến hết ngày 31/01/2020, đã có 188 TTHC được tích hợp lên Cổng MCQG, những thủ tục này thuộc phạm vi quản lý của 13 Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 3 Bộ quản lý chuyên ngành có số lượng TTHC phải bổ sung lên Cổng MCQG nhiều nhất theo Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến tháng 12/2019, 3 Bộ, ngành đã hoàn thành việc tích hợp thủ tục lên Cổng MCQG sớm trước thời hạn gồm có: Bộ Giao thông Vận tải (72/72), Bộ Khoa học và Công nghệ (6/6), Bộ Thông tin và Truyền thông (5/5). Một số Bộ cần đẩy nhanh việc tích hợp TTHC trên Cổng MCQG. Cụ thể: Bộ Y tế (còn 14 thủ tục, mới hoàn thành 66,7% mục tiêu), Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn (còn 16 thủ tục, mới hoàn thành 51,5% mục tiêu) và Bộ Quốc phòng (còn 12 thủ tục, hoàn thành 45,5% mục tiêu).

 
Mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ khi chính thức được vận hành vào tháng 11/2014 đến hết tháng 8/2020, Cổng MCQG đã kết nối với 13 bộ, ngành, tích hợp 200 TTHC, có trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40 nghìn doanh nghiệp được thực hiện qua Cổng MCQG. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã kết nối chính thức với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với 9 nước trong khối ASEAN. Tính đến ngày 25/8/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là trên 179 nghìn C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là trên 263 nghìn C/O.

Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN tạo thuận lợi thương mại... ngày 17/8/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1258/ QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg. Theo đó, Quyết định số 1258/QĐ- TTg bổ sung thêm 44 TTHC của các Bộ, trong đó có 6 TTHC của Bộ Công Thương; 1 TTHC của Bộ Giao thông Vận tải; 12 TTHC của Bộ NN&PTNT; 6 TTHC của Bộ Quốc phòng; 3 TTHC của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 15 TTHC của Bộ Y tế; 1 TTHC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, Quyết định 1258/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thời gian thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; xây dựng văn bản quy phạp pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC trên Cổng MCQG.

Ngoài ra, Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 với quy định về các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực… đã hệ thống lại cơ sở pháp lý một cách thống nhất, góp phần làm giảm số lượng mặt hàng phải tuân thủ thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá mức độ thuận lợi của doanh nghiệp

Khảo sát tập trung tại các thủ tục hành chính trên Cổng MCQG có tần suất doanh nghiệp thực hiện nhiều nhất cho thấy, số lượng doanh nghiệp có tiến hành thủ tục qua Cổng MCQG tập trung khá lớn vào một số TTHC như: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O (575 doanh nghiệp), Cấp giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu tiền chất công nghiệp (405 doanh nghiệp), Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (334 doanh nghiệp). Các TTHC còn lại có số lượng doanh nghiệp lựa chọn thấp hơn song cũng ở mức từ 100-200 doanh nghiệp. Những thủ tục doanh nghiệp tiến hành thường xuyên nhất (số lần trung vị) trong vòng 12 tháng trước thời điểm tháng 11/2019 năm qua bao gồm: “Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và thủ tục “tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh vào cảng biển quốc tế” (12 lần). Tiếp đến là thủ tục “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa”, thủ tục “đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” và thủ tục “tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế” (10 lần). Số lần thực hiện trong năm đối với 7 thủ tục hành chính còn lại ít hơn, đều không quá 6 lần, trong đó ít nhất là “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” (2 lần). Có thể thấy, những thủ tục được tiến hành nhiều, những thủ tục có tần suất lớn chính là những TTHC đem lại thuận lợi nhiều nhất cho doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hiện đang hoạt động khá tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản khá cao như “tạo tài khoản đăng nhập” (95%), “xem và in hồ sơ (93%)”. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện TTHC đã triển khai trên Cổng MCQG giữa các TTHC ở các mức độ khác khau, trong khoảng 16-34%. Đối với thủ tục “cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và thủ tục “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa”, là 2 thủ tục được thực hiện nhiều nhất, chỉ có 16% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện. Các thủ tục khác có mức độ thấp như: “cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp” 21%, thủ tục “đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” 21%, thủ tục “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu” 21%, thủ tục “tàu biển nhập cảnh” 21%, thủ tục “tàu biển xuất cảnh” 22%.

Nhìn chung, việc triển khai Cơ chế MCQG đã đem lại những thay đổi tích cực về thời gian thực hiện TTHC. Số ngày làm việc tính từ khi hồ sơ làm thủ tục của doanh nghiệp được chấp nhận hợp lệ đến khi thủ tục được chính thức giải quyết xong đã giảm đi từ 1-3 ngày. Trong đó, giảm nhiều nhất là thủ tục “cấp giấy phép xuất/ nhập khẩu tiền chất công nghiệp” của Bộ Công Thương, giảm 3 ngày so với phương thức nộp hồ sơ truyền thống. Việc giảm thời gian xử lý hồ sơ chính là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi thực hiện TTHC trên Cổng MCQG, qua đó không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện về thời hạn giao thương, mà còn giúp nâng cao chất lượng hàng hóa, củng cố và tăng uy tín cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ở hầu hết các thủ tục được giải quyết trên Cổng MCQG, các doanh nghiệp còn tiết kiệm thêm chi phí so với hình thức nộp hồ sơ truyền thống. Khảo sát trong số 12 TTHC được thực hiện nhiều nhất, có tới 8 TTHC ghi nhận chi phí giảm đi trên một nửa so với trước kia. Đạt mức giảm cao nhất về chi phí là thủ tục “cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất” (giảm 93% chi phí), kế đó là thủ tục “đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” (giảm 82% chi phí), thủ tục “cấp giấy phép xuất/nhập khẩu tiền chất công nghiệp” (giảm 73% chi phí),… So với cách thức thực hiện TTHC truyền thống trước đây, khoảng 70% doanh nghiệp cho biết gánh nặng lệ phí đã giảm, 66% doanh nghiệp phản ánh chi phí ngoài quy định giảm và khoảng 66% đánh giá việc giải đáp thắc mắc hỗ trợ doanh nghiệp có cải thiện.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, khoảng 86% doanh nghiệp đã dùng thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh từ tháng 12/2018 đến cuối tháng 11/2019 và 86,5% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chắc chắn sẽ tham gia ngay hoặc có thể sẽ tham gia ngay nếu Cổng MCQG triển khai thanh toán điện tử. Do đó, trong tương lai, nếu Cổng MCQG hiện thực hóa hình thức khai thanh toán điện tử, chắc chắn sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện TTHC trên Cổng MCQG. Điển hình là việc phát sinh khó khăn của doanh nghiệp khi đăng ký và sử dụng chữ ký số do chỉ triển khai trên 1 trình duyệt đã cũ và không còn phổ biến, các đại lý hải quan do doanh nghiệp ủy quyền không được sử dụng chữ ký số của mình để thực hiện TTHC cho doanh nghiệp. Chưa triển khai chức năng thanh toán điện tử nên nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ tục có đóng lệ phí vẫn phải mất thêm thời gian và chi phí đi lại để đóng tiền mặt. Những tính năng cơ bản như “hỏi đáp và giải quyết thắc mắc về TTHC” thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như nhu cầu của số đông doanh nghiệp. Thêm nữa, Cơ chế MCQG của Việt Nam hiện vẫn ở mức cung cấp TTHC đơn thuần mà chưa phải là một điểm kết nối tập trung mà doanh nghiệp có thể tìm đến để kiếm tìm giải pháp cho các vấn đề sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, còn cần nhiều nỗ lực khắc phục những điểm còn thiếu và yếu, để Việt Nam sớm thành công và đạt được mục tiêu trong công cuộc cải cách TTHC, hướng đến một Chính phủ số toàn diện trong tương lai./.

 
ThS. Lưu Thị Duyên
Đại học Thương mại

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top