Việt Nam nỗ lực đẩy lùi thiếu đói

20/03/2020 - 04:56 PM
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu qua sự tăng trưởng kinh tế năng động, mức sống dân cư ngày càng cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đói trong dân dù ít ỏi nhưng vẫn còn tồn tại là một vấn đề xã hội cần được quan tâm. Chính vì vậy, xóa đói được đưa vào Chương trình mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) và Chính phủ Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp cải thiện tình trạng này, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
 
Thực trạng và nguyên nhân

Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê, hộ thiếu đói là hộ tính đến thời điểm quan sát có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa, tài sản có thể bán được để mua lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13 kg thóc (hay 9 kg gạo)/tháng. nhân khẩu thiếu đói là những người trong các hộ thiếu đói. Nói cách khách, thiếu đói là tình trạng một bộ phận dân cư nghèo có mức sống dưới mức tối thiểu và thu nhập không đđảm bảo nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống, không thể có đủ lương thực đăn hai bữa cơm hàng ngày.

 
Việt Nam nỗ lực đẩy lùi thiếu đói
Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Mặc dù Việt Nam có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên tình trạng thiếu đói vẫn còn tồn tại; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới và còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Các tỉnh có địa bàn thuộc vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi rất cao.

Ngoài ra, do chính sách phúc lợi và an sinh xã hội ở Việt Nam chưa được hoàn thiện nên số người thiếu đói còn được tính ở cả những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 310 người lang thang cơ nhỡ không có nhà ở được tìm thấy ở 10 tỉnh: Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thái Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung nhiều nhất ở Bình Dương (107 người) và thành phố Hồ Chí Minh (134 người).

Trong tất cả các nhóm dân cư, nhóm người thiếu đói là những người còn ở dưới mức nghèo và là nhóm người dễ bị tổn thương nhất từ những yếu tố thay đổi do kinh tế - xã hội - môi trường gây ra. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu đói là thiếu lương thực do sản xuất không hiệu quả. Tuy nhiên, ở một quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đói thì nguyên nhân còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Việt Nam có xuất phát điểm là một nước nông nghiệp và đến nay, nông nghiệp đã thể hiện vai trò chiến lược trong việc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân. Nhưng tình trạng thiếu đói cũng thường xảy ra đối với những hộ gia đình làm nông nghiệp do đây là ngành có nhiều rủi ro phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Hằng năm, ngành Nông nghiệp cụ thể là nông - lâm nghiệp và thủy sản cũng là khu vực kinh tế dễ bị tổn thương bởi các yếu tố như: Dịch bệnh, quy hoạch… đặc biệt là yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu gia tăng với những diễn biến khó 
lường đã gây ra những tác động tiêu cực đến với ngành nông nghiệp Việt Nam. Một dẫn chứng cụ thể nhất là năm 2016, khi tình trạng thiếu đói trong dân đang giảm dần bỗng đột ngột tăng mạnh do vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Trung Nam bộ đã phải gánh chịu đợt hạn hán và xâm ngập mặn nặng nề kéo dài nhất trong lịch sử. Chưa kể rét đậm rét hại ở miền Bắc, lũ lụt ở miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của dân cư. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm đó, thiên tai đã làm cho 248 người chết và mất tích; 470 người bị thương; gần 4,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 361,7 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 258,3 nghìn ha lúa, 113,2 nghìn ha hoa màu và 49,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 52,1 nghìn con gia súc, 1.679,5 nghìn gia cầm và hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước tính gần 18,3 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán, thu nhập nông nghiệp cứ giảm 10% thì tỉ lệ nghèo đói sẽ tăng 2,6% ở Tây nguyên và 1,9% ở ĐBSCL và Nam Trung bộ của Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, các sự cố môi trường như thải hóa chất, tràn dầu… điển hình như sự cố của nhà máy Fosmosa ở Hà Tĩnh đổ chất thải ra biển miền Trung đã khiến hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; chưa kể đến các ngành liên quan bị ảnh hưởng như dịch vụ hậu cần hải sản, ngành muối, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch…

Những thiệt hại về người và của do thiên tai, thảm họa, sự cố… đã đẩy nhiều gia đình rơi vào tình cảnh mất đi trụ cột kinh tế, mất sức lao động, mất hết tài sản và sinh kế dẫn đến thiếu đói gia tăng.

 
Những nỗ lực đẩy lùi thiếu đói
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng, nếu không có các chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội thì chắc chắn các đối tượng thiếu đói sẽ bị tụt hậu, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo cũng như mức sống sẽ ngày càng gia tăng và gây thêm áp lực cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng nghèo nàn và thiếu đói trong dân.
 
Trong ba thập kỷ qua, xóa đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn ượng trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam và đều được cộng đồng thế giới thừa nhận. Bằng nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói. Cụ thể, Việt Nam đã về đích trước thời hạn 10 năm khi hoàn thành mục tiêu: Giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập (tính theo sức mua tương đương PPP năm 1993) dưới 1 USD/ngày và giảm một nửa tỷ lệ người bị thiếu ăn; đồng thời tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ và thanh niên. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc sớm hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc nhằm triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn.

Trong suốt 10 năm qua, tình trạng thiếu đói trong dân của Việt Nam liên tục có những tín hiệu lạc quan. Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010 Việt Nam có tới 796,2 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương đương với 3.067,8 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Qua các năm, các chỉ số đều có xu hướng giảm dần, một phần do thu nhập bình quân đầu người tăng. Chỉ có riêng năm 2016 là số hộ thiếu đói và nhân khẩu thiếu đói tăng cao, từ 227,5 nghìn hộ năm 2015 lên đến 265,5 nghìn hộ (tăng 16,7%), tương ứng tăng từ 944 lên 1099 nghìn nhân khẩu thiếu đói (tăng 16,4%).

Đến năm 2019, ước tính thu nhập bình quân 1 người/tháng theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, cao hơn mức 3,9 triệu đồng của năm 2018, nhờ đó tình trạng thiếu đói trong nông dân đã giảm mạnh, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Trong năm qua, cả nước có 68,5 nghìn lượt lượt hộ thiếu đói, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 278 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%. Trong đó, tình trạng thiếu đói có xu hướng xảy ra ở nửa đầu năm và giảm rất mạnh vào nửa cuối năm. Hai quý đầu năm, số lượng hộ thiếu đói trên cả nước lần lượt là 28,5 và 36,5 nghìn lượt hộ, tương đương với 105,3 và 156,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói với số lương thực hỗ trợ thiếu đói là 3,7 nghìn tấn. Đến cuối năm, số hộ thiếu đói ở hai quý III, IV chỉ còn 2,5 và 1,1 nghìn lượt hộ, tương đương với 11,3 và 4,8 nghìn lượt người thiếu đói, số lương thực cần thiết để hỗ trợ thiếu đói cũng giảm rõ rệt, chỉ còn 0,3 nghìn tấn.

 
Việt Nam nỗ lực đẩy lùi thiếu đói
Nguồn số liệu từ Tổng cục Thống kê

Hằng năm, Việt Nam đều có chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ (xuất cấp gạo dự trữ cho những hộ gia đình thiếu đói), đặc biệt là các hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa trong thời kỳ giáp hạt, hoặc cứu đói sau thiên tai. Năm 2010, để giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn do thiếu đói, các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói trên 42 nghìn tấn lương thực và gần 64 tỷ đồng. Qua các năm, nhờ các chương trình hỗ trợ an sinh và sinh kế cho người nghèo, số hộ thiếu đói trong dân cũng giảm đi rõ rệt. Đến năm 2019, Nhà nước chỉ còn cần 3,9 nghìn tấn lương thực để hỗ trợ cho các hộ thiếu đói.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng thiếu đói thì việc trợ cấp lương thực cứu đói chưa phải là biện phát tốt nhất. Việt Nam cần có những đối sách chiến lược để xóa bỏ hẳn tình trạng thiếu đói trong dân. Chính vì vậy, ngày 12/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-TTg về việc Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2025. Tiếp đó, ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg về việc Ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Chương trình này là sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam và phát triển nông nghiệp bền vững đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện tại Việt Nam.

Căn cứ vào các mục tiêu tổng quát, Chương trình“Không còn nạn đói” của Việt Nam đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam sẽ: (i) Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm; (ii) Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi; (iii) Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững: 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất; (iv) Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập: Các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%; (v) Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm. Kinh phí thực hiện chương trình lên tới hơn 545 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; các chương trình mục tiêu, dự án; nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong nước, Quốc tế.

Để các Chính sách, Chương trình hành động… đạt được kết quả như mong đợi, trong thời gian tới rất cần có sự điều phối và hợp tác liên ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là vai trò của các địa phương có số hộ thiếu đói cao trên cả nước. Với việc hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xóa sổ nạn đói, sự đoàn kết chung tay góp sức của cả cộng đồng, Việt Nam kiên quyết thúc đẩy thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm xóa bỏ bền vững tình trạng thiếu đói trong dân vì một tương lai “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top