Bức tranh Giáo dục-Đào tạo giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới

24/03/2021 - 04:38 PM

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2016 - 2020, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

 Những thành tựu trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống cơ chế, chính sách GD&ĐT tiếp tục được chú trọng hoàn thiện với nhiều chính sách được ban hành tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng GD&ĐT như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019.

 Bức tranh Giáo dục-Đào tạo giai đoạn 2016-2020  và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngành Giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập; Việc thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non theo hướng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục là một nỗ lực rất lớn không chỉ của riêng ngành Giáo dục, mà còn là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong chăm sóc, giáo dục cho trẻ.

Lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách khoa học từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Theo đó, nội dung giáo dục thiết thực hơn, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực tế; học sinh cũng được phát huy sự chủ động, sáng tạo thay vì phải ghi nhớ máy móc thầy đọc trò chép. Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được nâng lên và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Áp lực thành tích đã giảm đi. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 (so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015). Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Ngành Giáo dục cũng đánh dấu bước đột phá trong thực hiện tự chủ giáo dục Đại học, nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu như trước đây chỉ có hai trường đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao về chuyên môn, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Đến nay, chỉ số nghiên cứu khoa học tăng mạnh; số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với năm 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài. Các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Lần đầu tiên, nước ta có 4 cơ sở giáo dục đại học lần lượt lọt vào top 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong top 500 thế giới. Hệ sinh thái đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển. Xu thế lập nghiệp và khởi nghiệp của sinh viên đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Riêng năm học 2019-2020, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động của ngành Giáo dục không những không bị ngưng trệ hay“đứt gẫy” mà còn xuất hiện nhiều phương pháp, hình thức Giáo dục mới sáng tạo, linh hoạt, nhất là hình thức dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả.

Đối với giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn và chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và sách giáo khoa cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là thành công bước đầu của ngành Giáo dục trong thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Đồng thời, phá bỏ độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

 Bức tranh Giáo dục-Đào tạo giai đoạn 2016-2020  và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới 1

                                                                                           Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành GD vẫn còn một số bất cập, khó khăn như: Hệ thống trường lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và các khu đô thị lớn còn thiếu, xuống cấp; xã hội hóa trong GD phổ thông nhiều khó khăn; một số cơ sở GD đại học có quy mô nhỏ, chưa được chú trọng đầu tư, chất lượng đào tạo không cao; chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ tại một số địa phương; GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức; quản lý Nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân.

Để phát triển nền giáo dục và đào tạo tiên tiến, hiện đại

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ngành GD&ĐT trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; các địa phương cần rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD&ĐH năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019; thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQLGD các cấp; rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

Ba là, đổi mới nội dung GD theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng GD nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình GD, đào tạo và nhu cầu học tập của mọi người; thực hiện tốt chủ trương GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GD đại học cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, thực tập và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Bốn là, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng GD; tổ chức giám sát, đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng GD; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các điều kiện bảo đảm chất lượng các cơ sở GD để quản lý chất lượng bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Năm là, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về GD mầm non, GD phổ thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT) trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý GD, quản trị nhà trường; thực hiện giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử; triển khai mô hình GD điện tử, lớp học thông minh ở những nơi có điều kiện; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo.

Sáu là, xây dựng và tổ chức triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong GD&ĐT của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GD mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi học sinh/sinh viên, giáo viên/giảng viên, nghiên cứu khoa học; tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở GD&ĐT nước ngoài có uy tín hoặc được cấp thẩm quyền công nhận; tăng cường thu hút các cơ sở GD nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên danh, liên kết với các cơ sở GD của Việt Nam theo quy định của pháp luật./.

Minh An

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top