Bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1/2024: Khởi đầu với nhiều tín hiệu tích cực

30/01/2024 - 05:14 PM
Theo báo cáo tình hình kinh tế -xã hội tháng Một năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bức tranh kinh tế tháng đầu tiên của năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 18,3% so cùng kỳ và tăng ở 60 địa phương trong cả nước; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,8%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 40%; cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư, bùng nổ khách du lịch quốc tế…

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đường kính tăng 66,2%; thép cán tăng 59,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57,1%; sữa bột tăng 47,4%; sơn hóa học tăng 44,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 40,7%; thép thanh, thép góc tăng 37,5%; thuốc lá điếu tăng 34,7%.

 
Ảnh minh họa

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 

Trong tháng Một năm 2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 01/2024, có 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%.

 

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì đà tăng

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 190 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,01 tỷ USD, tăng 24,2% về số dự án và tăng 66,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 715,9 triệu USD, chiếm 35,6%; các ngành còn lại đạt 51,6 triệu USD, chiếm 2,6%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 147,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 72,4 triệu USD, chiếm 4,9%.

 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng Một
các năm 2020-2024 (Tỷ USD)
Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%.

Trong tháng Một có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD. Tháng 01/2024 xuất siêu sang Hoa Kỳ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 4,8 tỷ USD, tăng 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,8 tỷ USD, giảm 24,9%; nhập siêu từ ASEAN 704 triệu USD, giảm 11,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,04 tỷ USD.

 
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01 năm 2024

Bùng nổ khách quốc tế đến Việt Nam

Ngay đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ khách quốc tế với hơn 1,5 triệu lượt người, là tháng đón nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19.

Tháng 1/2024, du lịch Việt Nam đã đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn lượng khách tới trong tháng 1/2019 (năm trước đại dịch Covid-19).

Trong tổng số hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 85,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 176,9 nghìn lượt người, chiếm 11,7% và gấp 2,7 lần; bằng đường biển đạt 48,4 nghìn lượt người, chiếm 3,2% và gấp 8,6 lần.

Hàn Quốc vẫn là thị trường khách lớn nhất đến nước ta, với 417.576 lượt người, tăng 112,2% so với tháng trước và tăng 161,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 với 242.181 lượt khách, tăng 103,4% so với tháng trước và tăng 1.525,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 84.213 lượt khách. Thị trường Mỹ đứng thứ 4 với 75.651 lượt khách, tăng 128,9% so với tháng trước và 97,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như: Hà Nội tăng 24,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22,8%; Đồng Nai tăng 9,1%; Quảng Ninh tăng 9%; Hải Phòng tăng 4,9%; Kiên Giang giảm 3,9%; Trà Vinh giảm 5,7%; Bình Thuận giảm 7,2%; Phú Yên giảm 24,6%.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng cao gồm: Đà Nẵng tăng 29,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,7%; Hà Nội tăng 10,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,3%; Bắc Ninh tăng 8,1%; Bình Định tăng 7,0%; Bình Dương tăng 6,6%.

Lượng khách quốc tế đến tăng cao trong tháng Một với nhiều thị trường tăng vượt bậc có thể nói là kết quả của nỗ lực xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam được thực hiện rộng khắp, đồng bộ và đặc biệt Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện với khách quốc tế. Đây cũng là tín hiệu tích cực báo hiệu việc đạt được mục tiêu đón từ 17-18 triệu khách quốc tế trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế

Vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra rất nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao (6-6,5%). Một số tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng hàng đầu châu Á (UOB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%.

Sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 và niềm tin của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm nhiều khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam./.

 
 Thu Hường
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top