Cả nước trồng mới gần 770 triệu cây xanh

25/01/2024 - 02:50 PM

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh.
 Cả nước trồng mới gần 770 triệu cây xanh

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", Bộ NN&PTNT đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án. Các địa phương đã rà soát đất đai và xây dựng kế hoạch tiến tới trồng gần 1,1 tỷ cây xanh. Trong đó, trồng mới rừng tập trung gần 470 triệu cây xanh và gần 600 triệu cây phân tán. Kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% kế hoạch (gồm 344.510.000 cây phân tán và trồng mới 435.357.000 cây tập trung).

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm đạt gần 9,5 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, còn lại vốn là ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn khác.

Một số địa phương đạt kết quả cao như: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây); nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi, tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây. Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận dấu mốc rất quan trọng việc Việt Nam đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng). Đây là nguồn tài chính quan trọng, bền vững để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 42%; diện tích rừng có chứng chỉ truy xuất nguồn gốc ước đạt 465.000ha, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ các kết quả trồng rừng, phát triển rừng và chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án trong thời gian tới  các đơn vị, địa phương cần rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện, tiến hành trồng bổ sung tại các khu vực có cây trồng bị thiệt hại, tại các diện tích còn trống cây xanh theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu biết lợi ích và tham gia hưởng ứng trồng cây xanh. Các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ để thực hiện chương trình từ kinh phí đến nhân lực và các sáng kiến để thực hiện./.

PV



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top