Cơ hội giáo dục và việc làm cho người khuyết tật

20/05/2019 - 10:50 AM
Cơ hội giáo dục và việc làm cho người khuyết tật còn thấp

Theo kết quả Điều tra Quốc gia người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối năm 2016, đến năm 2017, với sự trợ giúp kỹ thuật của UNICEF, hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên (khoảng hơn 6,2 triệu người) là NKT. Tỷ lệ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng lên theo tuổi, tỷ lệ của nữ cao hơn nam. Dự báo trong tương lai, tỷ lệ khuyết tật có thể tăng lên do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số và gia tăng chất lượng cuộc sống.
 
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến NKT trên nhiều phương diện: Điều kiện sống, chăm sóc y tế, giáo dục, hướng nghiệp… Để hỗ trợ NKT thụ hưởng về giáo dục, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, cơ chế chính sách hỗ trợ giáo dục NKT. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ về giáo dục đối với trẻ khuyết tật. Ngoài ra, tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật (TKT) chưa có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có chương trình giáo dục từ xa, thông qua ứng dụng CNTT và đưa giáo dục về gia đình TKT. Các trường cũng có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh khuyết tật, thông qua một số chương trình phúc lợi dành cho trẻ, như: Ưu tiên trong tuyển sinh, miễn học phí và các khoản đóng góp khác, được cấp học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, cho phép TKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn độ tuổi quy định…
 
Tuy nhiên, giáo dục NKT hiện còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Môi trường học tập, sinh hoạt của TKT chưa bảo đảm; sự tham gia, hợp tác liên ngành còn nhiều hạn chế; kinh phí thực hiện công tác giáo dục TKT còn khó khăn, chủ yếu dựa vào các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn viện trợ không hoàn lại thông qua các chương trình, đề án, dự án.
 
Điều tra Quốc gia người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, cơ hội tiếp cận trường học của TKT thấp hơn nhiều trẻ em không khuyết tật. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của TKT khoảng 88,7%, trong khi tỷ lệ này của trẻ không khuyết tật là 96,1%. Chênh lệch về tỷ lệ đi học giữa TKT và không khuyết tật tăng lên ở các cấp học cao hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có 33,6% TKT đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 88,6% trẻ em không khuyết tật.
 
Đại đa số học sinh khuyết tật đang học trong lớp học thông thường trong các trường học thông thường. Trên thực tế, chỉ có 0,5% trẻ em khuyết tật học trong lớp học chuyên biệt và 1,0% học sinh ở trường chuyên biệt. Riêng những trẻ có khó khăn về thính giác (gần 26%) theo học ở lớp học chuyên biệt, nơi ngôn ngữ ký hiệu được sử dụng.
 
Một trong những nguyên nhân chính TKT không đi học là do không tiếp cận được trường học, ng như hạn chế đi lại từ nhà đến trường. Đặc biệt, TKT ở khu vực nông thôn, miền núi còn gặp nhiều rào cản hơn do đặc điểm đường làng, lối xóm thường nhỏ, cơ sở vật chất của địa phương thấp, dẫn tới việc di chuyển đi lại và tiếp cận cơ sở vật chất trong trường của trẻ cùng khó khăn. Trang thiết bị ở trường học thường không được thiết kế để tiếp cận với học sinh khuyết tật, đặc biệt đối với những học sinh khuyết tật vận động. Cứ 100 trường học, chỉ có 3 trường thiết kế phù hợp (2,9%), 8 trường có lối đi dành cho NKT (8,1%) và 10 trường công trình vệ sinh phù hợp với TKT (9,9%).
 
Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy TKT cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của TKT. Trên cả nước, bình quân mỗi trường học có 33 giáo viên, tuy nhiên chưa đến 5 giáo viên được đào tạo về giáo dục hòa nhập. Thực tế chỉ có 14% số trường, hay khoảng 1/7 số trường có giáo viên được đào tạo về khuyết tật. Tỷ lệ này ở cấp Tiểu học gần 1/6, cao hơn THCS 1/10.
 
Đào tạo nghề cho NKT có sự chênh lệnh rõ rệt, cứ 100 NKT từ 15 tuổi trở lên thì chỉ có 7 người được dạy nghề (7,3%), trong khi con số này ở người không khuyết tật là 22 người (21,9%).
 
Giáo dục tương quan chặt chẽ với chênh lệch về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nhóm NKT và không khuyết tật. Chênh lệch này lớn nhất ở những người chưa tốt nghiệp tiểu học với 56,84 điểm phần trăm (81,42% so với 24,58%), rút ngắn còn 50,47 điểm phần trăm đối với người tốt nghiệp tiểu học và chỉ còn 29,21 điểm phần trăm đối với những người tốt nghiệp THCS. Đối với những người có bằng cấp cao hơn, sự chênh lệch này tăng nhẹ lên 40 điểm phần trăm, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với nhóm không có bằng cấp. Do không được đến trường cũng như việc thụ hưởng giáo dục còn thấp nên NTK thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Điều tra Quốc gia người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, NKT có nhu cầu làm việc để có thu nhập và sống độc lập, nhưng chỉ chưa đầy 1/3 NKT có việc làm. Tỷ lệ NKT có việc làm giữa các vùng có sự khác biệt, trong đó cao nhất ở vùng Tây Nguyên 39,8%, Trung du và miền núi phía Bắc 37,9% và thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ 24,3%. Tuy nhiên, Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng đồi núi điều kiện đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn tới cơ hội việc làm của NKT vận động thân dưới, do đó tỷ lệ NKT vận động thân dưới có việc làm thấp nhất (trong đó, Tây Nguyên là 33,8%; Trung Du và miền núi phía Bắc là 31,9%). Kết quả điều tra này chỉ ra rằng, tác động của khuyết tật tới cơ hội việc làm của NKT không giống nhau, phụ thuộc vào những hoàn cảnh và môi trường cụ thể mà người lao động làm việc.
 
Ngoài ra, NKT vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận cơ hội việc làm. Hầu hết NKT sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, môi trường thiếu thông tin về việc làm, bản thân NKT thường sống khép kín, thụ động, cộng thêm những rào cản xã hội như: Thái độ phân biệt, đối xử... Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động cũng chưa sẵn sàng nhận NKT vào làm việc, vì hiệu quả làm việc của họ không cao và họ không chủ động được một số hoạt động như những người bình thường.

Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục và việc làm cho người khuyết tật

 
Đ án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025
Mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo trong giáo dục người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2018- 2020 là tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục NKT, bảo đảm NKT được tiếp cận giáo dục chất lượng, bình đẳng. Cụ thể, đến năm 2020 có ít nhất 70% NKT trong độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập chất lượng, bình đẳng và thân thiện; có ít nhất 50% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục NKT; có ít nhất 40% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 100% tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục được phổ biến và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục NKT.

NKT không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, họ cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực trong xã hội. Giải quyết việc làm cho NKT là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận. Trên cơ sở đó, để nâng cao hiệu quả giáo dục và việc làm cho NKT, trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp sau:
 
Thứ nhất, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho NKT có cơ hội học tập, như: Miễn giảm học phí cho tất cả sinh viên khuyết tật (thay vì như hiện nay sinh viên khuyết tật thuộc gia đình nghèo, cận nghèo mới được miễn giảm học phí). Các trường học cần có thêm phòng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khuyết tật phù hợp với từng dạng tật; tăng cường dịch vụ hỗ trợ NKT; xây dựng môi trường thân thiện, phù hợp với từng dạng tật của NKT.
 
Thứ hai, Nhà nước ban hành các chính sách quan tâm đến NKT, có nhiều cơ chế chính sách, hình thức hỗ trợ khác nhau về tài chính giúp NKT học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc, hỗ trợ những NKT có ý tưởng thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh.
 
Thứ ba, thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xã hội, nhằm xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử với NKT và xóa bỏ mặc cảm tự ti của gia đình và bản thân NKT, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm phù hợp, đóng góp sức mình vào xây dựng và phát triển đất nước.
 
Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề. Các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT. Phân tích, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
 
Thứ năm, Cục Việc làm hỗ trợ các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động hướng tới đối tượng NKT; tiếp tục đặt hàng hợp đồng với Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan khác như Trung ương Đoàn, Hội người mù Việt Nam… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động khuyết tật.
 
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh Người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì NKT, nhằm thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin của NKT tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội; Động viên, khích lệ kịp thời NKT có tinh thần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ để NKT có thêm động lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống. Tạo cơ hội cho NKT, người bảo trợ tiêu biểu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong lao động, học tập và chăm sóc NKT./.

 
ThS. Nguyễn Phương
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top