Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao – xung lực mới cho xây dựng Nông thôn mới

29/12/2023 - 08:34 AM
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào tháng 7/2023, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.019/1.253 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 227 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn vùng có 49 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 18 đơn vị so với cuối năm 2020. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ.

Là vựa lúa lớn nhất cả nước, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế trong xây dựng nông thôn mới với việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực, trong đó có sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, hình thành các mô hình chuyên canh lúa, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây được xem là “đòn bẩy” quan trọng để phát triển ngành trồng lúa ở khu vực này theo hướng bền vững, cho giá trị kinh tế cao, góp phần đưa các tỉnh trong vùng sớm về đích nông thôn mới.
 
Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao – xung lực mới cho xây dựng Nông thôn mới
Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp
gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được xem là “đòn bẩy” quan trọng
để phát triển ngành trồng lúa ở khu vực này theo hướng bền vững

Mục tiêu quan trọng của Đề án là tổ chức lại việc sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa với quy mô lớn có sự đầu tư bài bản, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa; đồng thời xây dựng thương hiệu gạo, tăng tính cạnh tranh trên thế giới. Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao lần này cũng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh. Đề án có thể bán tín chỉ carbon trước mắt ở 200.000 ha lúa và sau đó nhân rộng.

Đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 héc-ta. Tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%. 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận (SRP), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đề án sẽ được triển khai theo 02 giai đoạn, tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030.

Giai đoạn 1 thực hiện từ khi Đề án được phê duyệt đến năm 2025. Trong giai đoạn này, Đề án tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc-ta, kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV (Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định), đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 – 2025, để hướng tới mục tiêu khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.

Tính đến nay, có 12/13 tỉnh thành ở ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre, do diện tích lúa còn ít) đăng ký tham gia Đề án với định hướng năm 2025 đạt 719.000ha và đến năm 2030 đạt hơn 1 triệu ha. Trong đó, An Giang, Kiên Giang, Long An và Đồng Tháp là những tỉnh đăng ký diện tích tham gia nhiều nhất…

Đề án dự kiến sẽ có 12.000 tỉ đồng vốn, trong đó có 3.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, 8.400 tỉ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác. Nông dân khi tham gia Đề án sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong bốn vụ đầu liên tiếp. Được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết. Hiện tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải, 60 triệu USD để phát triển thị trường tín chỉ carbon sau năm 2027 thêm 20 triệu USD không hoàn lại để hỗ trợ Đề án. 

Đề án sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án: Các tỉnh, thành phố rà soát, củng cố, kiện toàn diện tích 180.000 héc-ta thuộc Dự án VnSAT để triển khai trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024 và các vụ tiếp theo trong năm 2025- Dựa trên các tiêu chí đăng ký tham gia Đề án, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030, hướng tới mục tiêu một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030.

Thứ hai, rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy trình xử lý rơm rạ, chuyển giao cho hộ nông dân, hợp tác xã. Xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân. Xây dựng hệ thống MRV làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước.
 
Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao – xung lực mới cho xây dựng Nông thôn mới 1
Trong thời gian tới sẽ tăng cường rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí
phát triển bền vững

Thứ ba, tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực. Các hộ trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án đăng ký tham gia và cam kết thực hiện quy trình canh tác lúa bền vững và phát thải thấp. Tổ chức các hộ trồng lúa thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hay các tổ chức của nông dân. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa. Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số. Xây dựng hợp phần khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.

Thứ tư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh. Nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý xâm nhập mặn, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành, di chuyển. Rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa để tạo điều kiện về mặt bằng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ mở rộng cơ sở sấy, chế biến để nâng cao hiệu quả và quy mô liên kết. Hình thành các trung tâm logistics ở các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.

Thứ năm, huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới. Huy động sự hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước để triển khai có hiệu quả Đề án. Tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản các-bon (Transformative Carbon Asset Facility - TCAF) của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ các-bon.
 
 
Thứ sáu, áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia Đề án, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; hỗ trợ các địa phương giữ đất trồng lúa đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, các chính sách khác cho các hộ nông dân trồng lúa. Ưu tiên chương trình tín dụng hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp.

Cùng với đó xây dựng cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao và phát thải thấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo phát thải thấp tại thị trường trong nước và quốc tế. Các địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ hộ trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng thực hiện Đề án. Hộ trồng lúa được ưu tiên tham gia đào tạo tập huấn, được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng của nhà nước và được hưởng lợi ích do bán tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng trung và dài hạn trong liên kết sản xuất tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng triển khai Đề án, được hưởng lợi từ bán tín chỉ các-bon và ưu tiên tiếp cận các dự án quốc tế trong lĩnh vực này.
 
Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao – xung lực mới cho xây dựng Nông thôn mới 2
Tập trung xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao và phát thải thấp
cho vùng đồng bằng sông Cửu Long 

Thứ bảy, triển khai các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên là: Chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; Chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình thí điểm chi trả các-bon dựa vào kết quả cho một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ là động lực để vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm về đích xây dựng Nông thôn mới ./.

 
P.V

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top