Đội ngũ trí thức Việt Nam – Phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới

02/02/2024 - 03:22 PM
Trước những yêu cầu của hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
 
Đội ngũ trí thức Việt Nam - Đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước

Năm 2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27- NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Với những định hướng, quan điểm và mục tiêu về xây dựng đội ngũ trí thức tại Nghị quyết 27, sau 15 năm triển khai, kết quả tổng kết mới đây cho thấy, đội ngũ trí thức ở nước ta có sự gia tăng nhanh về chất lượng, số lượng và cơ cấu thành phần, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Với chủ trương, biện pháp đúng đắn, hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đã quy tụ, tập hợp và phát huy mạnh mẽ đội ngũ trí thức nước nhà, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ mũi nhọn và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Kết quả từ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức thời gian qua đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của đất nước. Cụ thể như: Trong thực hiện nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức Việt Nam đã trực tiếp tham gia có hiệu quả vào việc cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần vào hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động tư vấn, phản biện xã hội... đóng góp sức lực, trí tuệ vào nhiệm vụ chung để phát triển quốc gia, dân tộc.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số nhà khoa học tiên tiến của Việt Nam đã có đóng góp tích cực đưa thông tin - truyền thông trở thành một trong những ngành “tiên phong, mở đường” cho quá trình đổi mới. Với sự tìm tòi, sáng tạo, đội ngũ trí thức đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Trong đó, sự phát triển và ngày càng lớn mạnh của Chính phủ số thông qua áp dụng các công nghệ mới: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã góp phần thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, sự phát triển của các mô hình kinh tế như: Kinh tế tri thức, Kinh tế tuần hoàn, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số, Liên kết 4 nhà (nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp),... đã khẳng định rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức.

 
Đội ngũ trí thức Việt Nam – Phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt trong xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới
Đội ngũ trí thức Việt Nam với nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước

 
Đội ngũ trí thức cũng đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động, tìm và phát minh ra nhiều công thức rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tìm ra nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai và trình độ dân cư của từng vùng... từ đó nâng cao đời sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là với người dân ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước. Ví dụ như, tháng 9/2023, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Sự thành công của nghiên cứu này đã giúp người dân tại các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn xử lý được tình trạng này với chi phí tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây là thành quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại phục vụ cho các ngành công nghiệp và sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sự phát triển của đội ngũ trí thức góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, đến năm 2022, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Năm 2023, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Cùng với đó, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng. Năm 2016, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 59 đã tăng lên vị trí 42 (năm 2019 và 2020), vị trí 44 năm 2021, vị trí 48 năm 2022 và năm 2023 Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 (GII 2023) cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Không chỉ vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế, sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức đã góp phần gia tăng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó giúp cho năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể. Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tê theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466USD/ lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Trong 2 năm 2021, 2022 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng năng suất lao động của Việt Nam tăng đột biến, lần lượt là 172,8 triệu đồng/lao động (cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020) và 188 triệu đồng/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Năm 2023, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).

Bên cạnh đó, những đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam còn được thể hiện trong phát triển các bộ môn, chuyên ngành và các lĩnh vực chuyên sâu, mũi nhọn; qua đó góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều nhà khoa học đã tích cực, trách nhiệm trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện để từ đó có những điều chỉnh, thay đổi, bổ sung chính sách dân tộc, chính sách văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam phù hợp hơn với xu thế chung của thời đại, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của khu vực Đông Nam Á. Hệ thống được nghiên cứu phát triển dựa trên các tiến bộ mới nhất hiện nay trên thế giới trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và dịch máy nói riêng. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ: Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua đã góp phần tạo uy tín, danh dự cho Việt Nam với bạn bè quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2022 đã có 35 nhà khoa học Việt Nam được bầu chọn trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Đến năm 2023, Việt Nam đã có 47 nhà khoa học Việt Nam được ghi danh trong top 100.000, tăng 12 người so với năm 2022. Cũng trong năm 2023, 5 nhà khoa học Việt Nam đã được vào Bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023 do Website Research.com - cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới công bố.

Đặc biệt, tháng 10/2023, sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc đã đánh dấu sự phát triển và ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trong công cuộc phát triển khoa học công nghệ với sự tham gia hưởng ứng tích cực của đội ngũ trí thức. Theo đó, NIC sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Với cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn sẽ giúp NIC phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng như cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

Có thể thấy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đội ngũ trí thức vẫn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn mới, để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, Trung ương Đảng xác định đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”cũng chỉ rõ, việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đi đôi với mục tiêu này là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Cùng với đó, tập trung phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Đây là cơ sở phấn đấu để đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, nhiều tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

Để đạt được những mục tiêu trên, một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức giai đoạn mới được đề xuất, bao gồm:

Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài: Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức: Thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Hooàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả, có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; trong văn hoá, văn học, nghệ thuật. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức; xây dựng kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức kế cận.

Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế: Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức: Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức từ Trung ương đến địa phương; Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng tư vấn.../.
 
Thu Hòa
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top