Kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam: Nhìn lại một chặng đường

09/07/2021 - 10:24 AM
Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế gắn với xã hội và môi trường, công tác giảm nghèo là một trong những nội dung được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhận thấy chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập và tiếp cận với phương pháp đo lường nghèo quốc tế, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập (đơn chiều) sang đo lường đa chiều, để dựng nên một bức tranh đầy đủ và toàn diện hơn về thực trạng nghèo ở nước ta. Với bước đi này, Việt Nam là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, bao gồm cả thu nhập và các chiều phi tiền tệ như nhà ở, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo áp dụng theo các chuẩn nghèo đa chiều. Theo kết quả tính toán về nghèo đa chiều 2016-2020 do Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện cùng UNDP, các giải pháp can thiệp của Chính phủ đã giúp tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam giảm đáng kể, từ 9,9% năm 2016 giảm xuống còn 8,4% năm 2017; 6,1% năm 2018; 5,3% năm 2019 và 4,8% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn là 5,6%, cao hơn nhiều so với mức 3,2% của khu vực thành thị, song nếu xét cả giai đoạn 2016-2020, khoảng cách này đang giảm dần do tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn giảm mạnh từ 12,7% năm 2016 xuống 5,6% năm 2020.
 
Hình 1: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Việt Nam, giai đoạn 2016-2020
Kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam: Nhìn lại một chặng đường

                                                                                                                                Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chỉ số nghèo đa chiều (MPI-Multidimensional Poverty Index) phản ánh mức độ thiếu hụt của mỗi cá nhân theo ba khía cạnh: Sức khỏe, giáo dục và mức sống, đồng thời thể hiện số lượng người nghèo (phải chịu đựng một lượng thiếu thốn nhất định) và mức độ thiếu thốn mà các hộ gia đình thường phải chịu đựng. Theo kết quả, chỉ số MPI chung cả nước đã giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,016 năm 2020, cho thấy tình trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế. Theo phân tích, tình trạng nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016-2020 được cải thiện là do tỷ lệ hộ nghèo (độ rộng của nghèo) giảm nhanh, còn mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) không có sự thay đổi đáng kể.

Sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn về tình trạng nghèo đa chiều cũng thể hiện rõ qua chỉ số MPI. Năm 2020, MPI của khu vực nông thôn là 0,019, cao gần gấp 2 lần khu vực thành thị (0,010). Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc có tình trạng nghèo đa chiều cao với chỉ số MPI năm 2020 lần lượt là 0,031 và 0,027. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tình trạng nghèo đa chiều thấp nhất, có chỉ số MPI là 0,001 .
 
Hình 2: Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) các năm

 
 
Kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam: Nhìn lại một chặng đường 1

                                                                                                      Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng theo kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Riêng năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước nên xu hướng giảm này không còn tiếp diễn ở một số chỉ số. Chỉ số có mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, tuy nhiên đây cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19,5% năm 2020. Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít. Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.

Các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều năm 2019 là giáo dục người lớn (18,6%), hố xí hợp vệ sinh (17,7%), chất lượng nhà (12,5%) và bảo hiểm y tế (11,1%). Đối với khu vực thành thị, bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và diện tích nhà là 3 chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều. Trong khi đó, các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn là hố xí hợp vệ sinh, giáo dục người lớn và chất lượng nhà.
 
Hình 3: Mức độ đóng góp của các chỉ số và tình trạng nghèo đa chiều Việt Nam
 
Kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam: Nhìn lại một chặng đường 2
                                                                                   Nguồn: Tổng cục Thống kê
 

Xét theo vùng kinh tế, bảo hiểm y tế, diện tích nhà và giáo dục người lớn là các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Trong khi đó, hố xí hợp vệ sinh và giáo dục người lớn là các chỉ số đóng góp nhiều vào mức độ nghèo đa chiều ở các vùng còn lại.

Với nỗ lực giảm nghèo đa chiều trên, Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều và nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này trong Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều năm 2019 của UNDP.

Năm 2021 là năm bản lề để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, để công tác giảm nghèo đạt kết quả bền vững, ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có một số điểm sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ ngày 15/3/2021. Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong năm 2021.

Về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Nghị định quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 gồm: (1) Tiêu chí thu nhập, cụ thể, tiêu chí thu nhập với khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng; (2) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Cùng với đó là 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; (3) Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt. Nghị định đồng thời quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

Quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là những căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025.

Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai những chương trình, chính sách, cơ chế đặc thù, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chuẩn nghèo giai đoạn mới giúp nhận diện đối tượng rõ ràng và chính xác hơn, từ đó là căn cứ để các bộ, ngành liên quan và các địa phương lập kế hoạch, bố trí nguồn lực được ưu tiên tập trung hơn cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, cũng như đề xuất các giải pháp tác động hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng, phát huy được tính tự chủ của hộ nghèo trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững./.


Nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 được tính toán theo phương pháp Alkire-Foster bao gồm 5 chiều (giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin) và 10 chỉ số (trình độ giáo dục người lớn, tình trạng đi học trẻ em, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân, nguồn nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). Mỗi chiều có quyền số ngang bằng, các chỉ số trong từng chiều lại có quyền số bằng nhau. Vì vậy mỗi chỉ số có quyền số bằng 1/10. Mỗi chỉ số có ngưỡng cắt thiếu hụt riêng. Việc xác định mức độ thiếu hụt của mỗi gia đình căn cứ tình trạng thực tế của hộ và các thành viên trong hộ. Hộ gia đình ở trên ngưỡng cắt thiếu hụt của chỉ số nào được coi là thiếu hụt và nhận điểm thiếu hụt tương đương quyền số của chỉ số đó. Hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nếu tổng điểm thiếu hụt của hộ từ 3/10 trở lên hay thiếu hụt ít nhất 3 trong 10 chỉ số. Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) được tính bằng tích của độ rộng (H - tỷ lệ hộ gia đình nghèo đa chiều) và độ sâu (A - điểm thiếu hụt bình quân của các hộ nghèo) của nghèo.
Kết quả giảm nghèo đa chiều của Việt Nam: Nhìn lại một chặng đường 3

Bích Ngọc



 

 

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top