Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

02/11/2023 - 03:55 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2023 của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, Thành phố tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa và tiêu dùng. Trong đó, có nhiều điểm sáng như tiêu dùng nội địa tăng cao, chỉ số tiêu thụ hàng hóa của ngành công nghiệp tăng.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Trong 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chia ra, ngành khai khoáng tăng 5,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,0%. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.

 

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười năm 2023 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp Thành phố. Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 9/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng; một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 77,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 68,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 18,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt trên 978,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 577,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6%; doanh thu lữ hành đạt gần 9 nghìn tỷ đồng, tăng 68,3%.

 

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 372,7 nghìn tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63,9 nghìn tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 92,2% tổng nguồn vốn huy động.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhận định, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đã tăng trưởng và cải thiện dần. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, đầu tư nước ngoài, thành lập mới doanh nghiệp tuy chưa cao nhưng có sự cải thiện…

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực và duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian 10 tháng của năm 2023, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp, xung đột ngày càng gay gắt, đầu tư toàn cầu sụt giảm, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế TP.HCM không tránh khỏi khó khăn chung. Đó là, xuất khẩu đã sụt giảm đáng kể (10 tháng năm 2023 giảm 13,4%); Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%); Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 29,5% so cùng kỳ; thu hút FDI giảm 32,3% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 35% kế hoạch vốn được giao, chưa bảo đảm tiến độ giải ngân theo quy định.

Để “chạy nước rút” thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm trong các tháng còn lại, UBND TP.HCM cho rằng, cần tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy TP.HCM và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của TP.

Hai là, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/NQ15; phối hợp đồng bộ, hoàn thiện các nội dung trình HĐND TP đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ba là, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước Thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh cải thiện chỉ số PCI, PAPI, PAR Index; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính Thành phố cuối năm 2023; thực hiện tốt hơn nữa Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Năm là, tiếp tục thực hiện công tác lập quy hoạch TPHCM.

Sáu là, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực đô thị.

Bảy là, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm.

Tám là, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và xã hội.

Chín là, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chuẩn bị nội dung, hoạt động dịp Tết 2024.

Cuối cùng, đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường hoạt động đối ngoại.

 
 Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top