Kinh tế xanh - Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam

30/08/2019 - 02:10 PM

Sự xuất hiện của kinh tế xanh trong tiến trình phát triển kinh tế thế giới
 

Thế kỷ XX, mô hình kinh tế cũ (kinh tế nâu), trong đó các hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng nhanh nhờ sử dụng quá mức các nguồn lực tự nhiên mà không quan tâm đến vấn đề môi trường và xã hội, đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu. Thậm chí, những hệ quả này đã đe dọa đến cuộc sống của con người và gây tổn thất ngày một nghiêm trọng cho chính các hoạt động kinh tế của các quốc gia. Vì vậy, thế giới phải tìm kiếm một mô hình, một phương thức phát triển kinh tế mới vừa giúp tăng trưởng kinh tế sau một giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng, vừa bảo đảm chất lượng môi trường, giảm nguy cơ mất cân bằng sinh thái và rủi ro khí hậu, bảo đảm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và không làm gia tăng sự mất cân bằng trong xã hội, tạo điều kiện để phát triển bền vững. Kinh tế xanh được manh nha hình thành từ những năm đầu của nửa cuối thế kỷ XX, khi được đề cập đến lần đầu bởi một nhóm các nhà kinh tế môi trường trong một báo cáo gửi Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh năm 1989 và thực sự bùng nổ vào những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Năm 2008, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp đưa các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã nhắc lại khái niệm này như một lối thoát quan trọng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Úc, Đan Mạch, Nhật Bản…
 

Kinh tế xanh - Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Khái niệm kinh tế xanh do UNEP định nghĩa, được coichính xác và đầy đủ nhất hiện nay đã chỉ rõ: “Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con ngườicông bằnghội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguyvề môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải cacbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng hội”.

Theo các chuyên gia của UNEP, việc xây dựng nền kinh tế xanh không mâu thuẫn với phát triển kinh tế, ngược lại, nó có thể tạo ra động lực cho phát triển kinh tế, tạo ra các việc làm mới phù hợp với bối cảnh mới. thể nói, xây dựng nền kinh tế xanh ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng để hướng tới phát triển bền vững một cách kinh tế nhất.

Nắm bắt được tình hình và sự vận động, thay đổi của kinh tế thế giới trong giai đoạn mới, nhiều quốc gia đã có những động thái cụ thể nhằm quyết tâm thay đổi theo phương thức phát triển kinh tế mới. Điển hình là Hàn Quốc, từ năm 2008 đã dành 80% trong khoảng 38,1 tỷ USD thuộc gói kích cầu kinh tế để hỗ trợ sự chuyển dịch này. Trung Quốc cũng dành tổng cộng 140 tỷ USD cho đầu tư xanh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 giai đoạn 2011-2015. Nhiều quốc gia phát triển như Úc, UAE, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy đã tham gia với Hàn Quốc tạo nên một liên minh chính phủ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh (Global Green Growth Institue - GGGI) để hỗ trợ nhau và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế.


 

Định huớng xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam

Những lợi thế đem lại cơ hội cho Việt Nam


Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang nỗ lực tìm cách giảm phát thải và phục hồi tài nguyên thiên nhiên để xây dựng nền kinh tế xanh, thì Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác đang ở điểm xuất phát lợi thế, do lượng phát thải bình quân đầu người tương đối thấp và tài nguyên thiên nhiên cũng còn khá dồi dào. Song song với đó, Việt Nam có những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về địa hình, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, xã hội… là những tiền đề tốt nhất làm nền tảng xây dựng nền kinh tế xanh.

Những năm qua, sự tăng trưởng kinh tế đã tạo nội lực cho Việt Nam có vị thế sẵn sàng trước những xu thế phát triển mới của thế giới. Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỉ và là một trong số ít những nước có khả năng hoàn thành các mục tiêu này (đặc biệt là Mục tiêu Giảm nghèo được hoàn thành đúng thời gian năm 2015).

Việt Nam có tình hình chính trị - xã hội ổn định, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi theo hướng đẩy mạnh “tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học - công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực xanh. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian qua đã thức tỉnh các cấp lãnh đạo và người dân ủng hộ hướng phát triển mới, tạo đà cho sự đồng thuận cao của xã hội: Phát triển nền kinh tế xanh và loại bỏ kinh tế nâu.

Với việc hội nhập và hoạt động tích cực trong các chương trình mục tiêu của thế giới, Việt Nam đã, đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (UNDP, Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…) trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung. Những yếu tố tích cực đó đang hội tụ lại thành “bàn đạp” cho Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh và khẳng định sự lựa chọn“tăng trưởng xanh” là phương án tối ưu cho phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Khó khăn, thách thức

Lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh của Việt Nam tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức đangrào cản cho mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế hiện nay. Việt Nam tuy đã nhanh chóng nắm bắt được các xu thế của thế giới, nhưng tăng trưởng xanh để thúc đẩy kinh tế xanh vẫn còn là một khái niệm xa và rộng, chưa thể hiện thực hóa trong ngắn hạn bởi:

- Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các ngành kinh tế nâu vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, trong khi hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp và lãng phí, tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạp bị khai thác thiếu quy hoạch.

- Công nghệ sản xuất của Việt Nam nhìn chung còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường và gia tăng phát thải khí nhà kính. Các ngành sản xuất năng lượng sạch như năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt... đang được chú trọng đầu tư nhưng chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.

- Thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chưa cao. Thêm vào đó, Việt Nam chưa giải quyết tốt được các vấn đề về dịch vụ môi trường, chưa phát triển ngành công nghiệp tái chế để tận dụng nguồn năng lượng từ tái chế chất thải.

 - Các văn bản pháp lý của Việt Nam chưa đón đầu được các xu thế thay đổi của thế giới, thường mất nhiều thời gian để bổ sung điều luật giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đổi mới nên chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế xanh và xử lý nghiêm những hình thức sản xuất và tiêu dùng gây hại cho môi trường.

- Là một trong 5 quốc gia có đường biển chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam gặp không ít khó khăn trên lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh

 

 

Giải pháp gỡ khó tiến tới nền kinh tế xanh

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh đã sớm trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và lồng ghép trong các chính sách của Nhà nước. Trước thềm Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) năm 2012, Việt Nam đã dùng hành động thực tế thực hiện triển khai các hoạt động tăng trưởng xanh của mình. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432 QĐ-TTg ngày 12/4/2012 Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực” được xác định là một trong những mục tiêu cụ thể và được ưu tiên thực hiện của Chính phủ.

Để tạo lập nền tảng pháp lý và tạo đà cho quá trình xanh hoá nền kinh tế, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 3 nhiệm vụ chiến lược: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với chỉ tiêu: Giai đoạn 2011-2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức năm 2010, định hướng đến năm 2050 giảm mức phát thải nhà kính mỗi năm 1,5-2%; (ii) Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh; (iii) Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh, hiện đại.

Tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 về Phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Chính phủ đã thành lập Ban Điều phối thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với nhiệm vụ: Giúp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; làm đầu mối, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để phân bổ nguồn lực cho các hoạt động thực hiện tăng trưởng xanh; tổng kết, đánh giá theo định kỳ quá trình thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh dựa trên báo cáo tình hình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu giao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng một mô hình mới cho quá trình tăng trưởng dài hạn, trong đó chủ yếu dựa trên tăng năng suất thay cho mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên việc gia tăng các yếu tố đầu vào. Đồng thời, cần tháo gỡ những rào cản để các doanh nghiệp mở rộng qui mô, đạt mức tối ưu, thực hiện đổi mới, sáng tạo.

Song song, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh, tranh thủ sự hỗ trợ và thu hút đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, chính phủ các nước phát triển, các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ tiên phong dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm thu hút công nghệ, làm tiền đề cho sự lan tỏa về công nghệ trong nền kinh tế; học hỏi kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh thành công của các nước tiên phong để rút ra bài học, từ đó, dựa trên những đặc trưng kinh tế và điều kiện phát triển riêng để đề ra chương trình hành động cho phù hợp./.

 

ThS. Phạm Hồng Nhung

Trường Đại học Lao động - Xã Hội


 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top