Nhân dịp chào đón Tết Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”
Trong tâm thức của người Việt Nam, rồng là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Hình tượng rồng Việt đã hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.
Trưng bày “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” giới thiệu hơn 100 hiện vật quý của Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh và một số nhà sưu tập. Trưng bày chọn lọc những hiện vật có hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam từ thời Lý đến thời nhà Nguyễn, được thể hiện thành 4 nội dung chính, gồm: Rồng trong cung đình, rồng trong đời sống sinh hoạt, rồng trong tín ngưỡng tôn giáo và rồng trong kiến trúc.
Con ấn bằng ngà "Hoàng đế tôn thân chi bảo" được chế tác cuối thế kỷ 19
Trong đó, hình tượng rồng trong cung đình chủ yếu là các bộ long bào triều Nguyễn, nhóm đồ gốm ngự dụng... Đặc biệt, ngọc dụ bằng vải thêu, sắc phong thần bằng giấy thời vua Thiệu Trị là những hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Cùng với đó, hình tượng rồng trong kiến trúc được thể hiện qua các hiện vật bằng đất nung như gạch xây dựng, phù điêu trang trí trên mái cung điện thời Lý, Trần, Lê.
Trưng bày cũng giới thiệu đến công chúng hình tượng rồng trong tín ngưỡng tôn giáo qua các hiện vật phục vụ cho việc thờ tự và hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt gồm các hiện vật như: Bát, đĩa, bình, khay, hộp… với các chất liệu phong phú.
Khu trưng bày hình tượng rồng trong cung đình,
chủ yếu là các vật dụng gắn liền với triều Nguyễn (1802-1945)
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh cho biết, hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam không chỉ đơn thuần là một biểu tượng văn hóa mà còn mang những giá trị tinh thần sâu sắc và ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự nối kết giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng tự hào của người Việt Nam trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội. Biểu tượng rồng qua thời gian và không gian lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, kết nối hiện tại và hội nhập văn hóa thế giới.
Hình tượng rồng trong tín ngưỡng tôn giáo và đời sống sinh hoạt
qua các hiện vật như lư hương, chuông, ngai thờ, bát, đĩa, bình
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, qua trưng bày lần này, công chúng được cảm nhận nét đặc trưng của hình tượng rồng ở mỗi triều đại cùng sự biến chuyển về hình dáng qua các thời kỳ. Hình tượng rồng còn được thể hiện trên hiện vật với đa dạng cảm xúc, kết hợp giữa cách điệu xen lẫn tả thực, quy phạm hòa với dân gian.
Trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra đến ngày 31/3/2024 tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh với mong muốn truyền tải những lời chúc ý nghĩa, tốt lành đến công chúng nhân dịp chào đón Tết Giáp Thìn 2024./.
PV