Nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu

03/02/2023 - 03:32 PM
Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít các dân tộc thiểu số sinh sống ở dãy Trường Sơn - Tây Nguyên còn bảo lưu và duy trì nghề trồng bông, dệt thổ cẩm mang nét đặc trưng riêng đậm sắc văn hóa dân tộc.

Nghề dệt tổ cẩm của người Cơ Tu được hình thành khá lâu đời. Đồng bào nơi đây tiếp thu nghề dệt từ người Cơ Tu bên đất nước Lào, kết hợp học hỏi kỹ năng dệt của dân tộc cận cư đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm phản ánh văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Xưa kia, người Cơ Tu phát hiện ra cây bông vải (kpay) nguyên thủy mọc trong rừng, mang về trồng trên rẫy, nhân giống rộng rãi, từ đó nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu mới manh nha phát triển. Đồng bào Cơ Tu có nhiều giống bông bản địa, đó là kpay plâng, kpay lao, kpay plưng… mà ngày nay người ta gọi là giống bông cỏ hay bông thượng.

Theo các nghệ nhân ở đây, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu đòi hỏi sự kiên trì, cần đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ từ việc nhuộm sợi, chiết suất màu, cách dàn cườm đến tạo ra sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp.

Các màu cơ bản xuất hiện trên trang phục dân tộc Cơtu là màu trắng (bhooc), màu đen (tăm), màu đỏ (prôm), màu xanh (ta viêng), màu vàng (rơk). Ngoài ra còn có các màu phụ như màu nâu (prâu), tím (pơ nghinr)... Để sản phẩm dệt có sắc màu phong phú như thế, sau khi thu hoạch bông vải từ những cánh đồng cỏ bát ngát, đồng bào Cơ Tu đã tự sáng tạo ra cách nhuộm màu. Họ phải cất công đi tìm những nguyên liệu là các cây cỏ tạo màu sẵn có trong tự nhiên như màu vàng (rơk) từ củ nghệ rừng, hay màu chàm từ vỏ ốc đốt thành bột trộn với hạt bắp rang cháy, màu đỏ (brôông) từ những hòn đá cuội dưới suối... Càng về sau, người Cơ Tu tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông, nhờ đó bảng màu sợi dệt của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường.

Sau khi tạo được màu và đưa vào bảo quản, người Cơ Tu sáng tạo ra nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi. Đó là khung quấn sợi thô (dùng trong khâu trước khi nhuộm); công cụ tách hạt (êết); dụng cụ bật bông (tơrơmế); máy se sợi (chia); que quấn bông (plau); công cụ tạo búp sợi (tra ca), khung dệt… Khung dệt của người Cơ Tu là loại hình khung dệt cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay với tên gọi khung dệt inđônêsiên. Đó là loại khung giữ bằng chân, dệt bằng tay, các bộ phận tách rời nhau, chỉ khi dệt, giăng sợi vào thì mới trở thành khung dệt. Tuy có kết cấu khá đơn giản, thô sơ, năng suất không cao thấp và khả năng dệt hoa văn bị hạn chế, nhưng khung dệt này lại có thể giúp người Cơ Tu dệt được những khổ vải mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay phụ nữ Cơ Tu miệt mài vẫn ngồi bên chiếc khung dệt cổ xưa làm bằng tre để thổi hồn cho những sản phẩm thổ cẩm… giá trị tinh hoa độc đáo.

Để dệt được một tấm váy dài, tấm khố đẹp, tùy hoa văn đơn giản hay phức tạp, người phụ nữ Cơ Tu phải làm việc vất vả trong nhiều gày liền, thậm chí phải mất thời gian cả tháng mới xong.

Mỗi khi nhắc đến nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, không thể không nhắc đến kỹ thuật dệt hoa văn hạt cườm, hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng và kỹ thuật khâu đáp độc đáo. Họ dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Việc sử dụng hạt cườm, chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác đặc biệt, rất tỉ mỉ và công phu, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm, trang phục Cơ tu.
 
Nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu
Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu đòi hỏi sự kiên trì, cần đôi tay khéo léo

Trước đây, loại cườm phổ biến mà người Cơ Tu thường sử dụng là hạt cây (hạt cây arac, còn có thể dùng để xâu vòng cổ, vòng đeo tay, chân) hoặc họ tự đúc những hạt chì được nấu từ chì nung chảy, đổ lên đá và lấy que tre tách hạt, miết tròn, chích lỗ rồi thả vào nước lạnh cho cứng viên chì lại. Ngày nay, tận dụng thành quả sự phát triển của công nghiệp hóa, người Cơ Tu dùng loại hạt cườm nhựa sản xuất sẵn có được bán phổ biến ngoài chợ để dệt, do loại cườm này có ưu điểm tiện dụng, nhiều màu sắc và đa dạng, độ bền cao.

Muốn dệt nên một tấm vải kết hoa văn cườm, người nghệ nhân phải vận dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra các họa tiết, thêm hay bớt hạt. Số hạt càng nhiều, hoa văn dệt càng khó và ngược lại. Hoa văn cầu kỳ thể hiện sự tinh xảo của đôi tay người thợ dệt và tùy hứng sáng tạo mà các hoa văn tạo ra mỗi lúc không giống nhau. Hoa văn trên thổ cẩm Cơ Tu rất đa dạng, từ loại đơn giản như hoa văn cườm lá a tút, hàng rào, hình hoa ablơm, hình chiếc chong chóng… đến hoa văn cầu kỳ phải mất từ 2 - 3 tiếng đồng hồ mới tạo thành.

Không đơn thuần chỉ là những sản phẩm có giá trị kinh tế, những sản phẩm thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Cơ Tu như tác phẩm nghệ thuật để người thợ dệt gửi gắm tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều mang hơi thở, sắc màu truyền thống, in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt.

Có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu qua những tấm aduông (tấm dồ), áo (adooh), áo choàng (adây), áo chữ X (chrơ gul, chrơ peng), khố (h’giăl hay g’hul), váy (hđooh), khăn trùm đầu, tấm địu con (aduông kon), túi thổ cẩm (chơ dhung), yếm (xờ nát) hay túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối)....

Đối với người Cơ Tu, nếu người con gái nào dệt được tấm váy dài (chrờ dhu), váy ngắn (âng ly), áo (a doót), khố (cha lon) đến tấm choàng (chơr guộc)… đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang. Mỗi cô gái Cơ Tu đến tuổi lấy chồng đều phải biết dệt vải. Đây được xem là thước đo giá trị tinh thần, là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng và đức hạnh của người phụ nữ Cơ Tu.

Với những sản phẩm mang một nét đẹp truyền thống độc đáo, thể hiện đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc. Năm 2014, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở làng Công Dồn (ở xã Zuôich, huyện Nam Giang, Quảng Nam) được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây không chỉ là niềm vinh dự của đồng bào dân tộc Cơ Tu bản làng Công Dồn nói riêng mà còn là niềm tự hào chung của các tộc người đang sinh sống trên dải đại ngàn Trường Sơn và đồng thời là cơ hội tốt mở hướng trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc./.
 
Quang Vinh

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top