Những nét chính từ kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021

08/02/2022 - 02:37 PM
Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020- 2021) được Tổng cục Thống kê phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện năm 2020 và 2021 trong khuôn khổ Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (MICS) toàn cầu với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Điều tra được thực hiện tại 14.000 hộ gia đình được chọn mẫu từ 700 địa bàn trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 đã phản ánh bức tranh toàn diện về các khía cạnh cuộc sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, các chủ đề về sức khỏe sinh sản của phụ nữ từ 15-49 tuổi, dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, bình đẳng, phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, kết quả điều tra đã phản ánh một số chủ đề mới đang được quan tâm như lao động trẻ em, trẻ em gặp khó khăn về một số chức năng (khuyết tật trẻ em), phá thai, sàng lọc ung thư cổ tử cung, chất lượng nguồn nước uống của hộ gia đình Việt Nam thông qua đánh giá nồng độ E.coli và Asen trong nước.

Chăm sóc trẻ em

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề được quan tâm và đầu tư bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước. Theo kết quả điều tra, trong số những trẻ em sinh trong vòng 2 năm trước thời điểm điều tra, có 96,6% trẻ em được cân, 95% được lau khô và 12,5% được đặt lên ngực trần của bà mẹ ngay sau khi sinh và có 88,5% được kiểm tra sức khỏe sau sinh. Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân khi sinh đối mặt với nguy cơ tử vong gia tăng đáng kể trong những ngày đầu đời, có 4% trẻ em bị nhẹ cân khi sinh, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ trẻ em nhẹ cân khi sinh cao nhất với 9,3%.
 
Thực hiện chương trình tiêm chủng trẻ em theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, trong nhóm trẻ em từ 12-23 tháng tuổi, có 86% các em được tiêm/uống phòng bại liệt, 78,3% tiêm phòng sởi và 78,6% em được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng các vác xin phòng lao, bạch hầu, ho, gà uốn ván, viêm gan B và viêm não Nhật Bản đạt 90%.
 
Cũng theo kết quả điều tra, có 23,5% trẻ em sinh ra trong 2 năm trước thời điểm điều tra được bú mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, có 45,4% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn, 60,7% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ là chủ yếu và 66,5% được tiếp tục bú mẹ khi 1 tuổi. Phụ nữ ở nông thôn có xu hướng cho con cai sữa muộn hơn so với phụ nữ sống ở thành thị, có gần 70% trẻ em từ 12-15 tháng tuổi ở nông thôn được bú mẹ đến 1 tuổi trong khi ở thành thị tỷ lệ này là 60%.
 
Bên cạnh đó, có 64,8% trẻ từ 2-4 tuổi có người lớn trong gia đình tham gia cùng từ 4 hoạt động trở lên để khuyến khích trẻ học tập và giúp trẻ sẵn sàng đi học trong vòng 3 ngày trước thời điểm điều tra; có 26,5% trẻ em dưới 5 tuổi có từ 3 quyển sách trở lên và 45,8% trẻ em cùng độ tuổi có từ 2 món đồ chơi trở lên. Có 78,2% trẻ em từ 3-5 tuổi phát triển đúng hướng, có thể tự làm được ít nhất 3 trong 4 lĩnh vực là: (1) biết đọc, biết làm toán, (2) thể chất (có thể nhặt được đồ vật, cầm, nắm), (3) giao tiếp xã hội (có thể cùng chơi với các trẻ khác) và (4) học hỏi (có thể tự làm được việc gì đó theo hướng dẫn).
 
Một yếu tố nguy cơ gây ra tai nạn thương tích ở trẻ là để trẻ em ở nhà không có người lớn chăm sóc, trông coi. Kết quả điều tra cho thấy, có 6,5% trẻ em dưới 5 tuổi bị để ở nhà một mình hoặc cho trẻ em khác dưới 10 tuổi trông hơn 1 giờ trong tuần trước thời điểm điều tra. Tình trạng không có người lớn chăm sóc, trông coi trẻ dưới 5 tuổi đối với nhóm trẻ sống ở Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất trong cả nước với 12,1%, ở các bà mẹ không có bằng cấp là 12,5% và tỷ lệ này ở các hộ nghèo nhất là 13,4%.
 
Cho trẻ em tham gia chương trình giáo dục mầm non là bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng đi học tiểu học. Cả nước có 80,5% trẻ em từ 36-59 tháng tuổi đang học chương trình giáo dục mẫu giáo. Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất chỉ đạt 47,6%, thấp hơn nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng (93,3%).
 
Ở bậc học phổ thông, nguy cơ trẻ em không đi học (trẻ em ngoài nhà trường) tăng dần theo cấp học và độ tuổi. Ở bậc tiểu học (cấp 1), có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em ngoài nhà trường nhưng đến cấp trung học phổ thông (cấp 3) thì tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh ngoài nhà trường ở cấp học này là 21,6%.
 
Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng phản ánh thực trạng giáo dục các cấp học, tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3%, giảm xuống còn 86,8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp trung học phổ thông. Chỉ số bình đẳng giáo dục về giới ở bậc học trung học phổ thông là 1,03, cho thấy nam thiệt thòi về giáo dục hơn so với nữ (chỉ số này của Thái Lan năm 2019 là 1,24; của Lào năm 2017 là 1,03), trong khi không có sự khác biệt về giới ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.
 
Những nét chính từ kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021
Ảnh minh họa
Bảo vệ trẻ em
Đăng ký cho trẻ khi sinh ra là bước đầu tiên bảo đảm cho trẻ được pháp luật công nhận và đảm bảo các quyền này không bị vi phạm, tuy nhiên trên cả nước còn gần 2% trẻ em dưới 5 tuổi chưa đăng ký khai sinh.
 
Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 còn cho thấy, có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý (như la hét, chửi mắng trẻ, gọi trẻ là đồ ngu, đồ lười hoặc hình thức tương tự) hoặc thể xác (đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay, cẳng chân; hoặc đánh, phát vào mặt/đầu/mang tai/mông trẻ bằng tay; hoặc đánh vào thân thể trẻ bằng một vật như thắt lưng, roi vật cứng khác; đánh trẻ liên tiếp, mạnh) bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước thời điểm điều tra, tỷ lệ này ở trẻ em trai là 73%, cao hơn so với trẻ em gái là 68,3%.
 
Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị xử phạt nặng như đánh hoặc tát vào mặt, đầu, tai; đánh đập mạnh nhiều lần là 1,6% trên cả nước, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ xử phạt nặng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, tương ứng là 2,4% và 2,6%.
 
Theo chuẩn quốc tế, trẻ em tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế bằng hoặc vượt ngưỡng thời gian quy định đối với độ tuổi thì được coi là lao động trẻ em, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ lao động của trẻ từ 5-17 tuổi trên là 6,6%. Trong 6 vùng kinh tế, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất (13,0%) và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (2,9%).

Sức khỏe sinh sản của phụ nữ
 
Sức khỏe sinh sản và sức khỏe của bà mẹ là chủ đề được quan tâm nghiên cứu trong điều tra. Đối với phụ nữ từ 15-49 tuổi hiện đang có chồng hoặc chung sống như vợ chồng, có 72,8% phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, có 72,2% được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình bằng các biện pháp tránh thai hiện đại và có 60,7% phụ nữ tự đưa ra quyết định về việc quan hệ tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai.
 
Trong số phụ nữ từ 15-49 tuổi sinh con ra sống trong vòng 2 năm trước thời điểm điều tra, có 97% có khám thai ít nhất một lần, 88,2% có khám thai ít nhất 4 lần; 96,3% sinh con tại cơ sở y tế và 96,1% được đỡ đẻ bởi người có chuyên môn. Tỷ lệ đẻ mổ của Việt Nam khá cao với kết quả điều tra là 34,4%, đặc biệt có tới 44,2% phụ nữ sống trong hộ gia đình có mức sống giàu nhất sinh con bằng phương pháp đẻ mổ, trong khi chỉ có 19,1% phụ nữ sống trong hộ gia đình có mức sống nghèo nhất.
 
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ, tại Việt Nam vắc xin HPV đã được cấp phép từ năm 2008. Những nghiên cứu thí điểm về sàng lọc Ung thư cổ tử cung và tiêm chủng HPV đã được thực hiện trong nước trong 15 năm qua và đã chứng minh được tính khả thi và khả năng được chấp nhận rộng rãi của các biện pháp này. Trong số các phụ nữ từ 30-49 tuổi được hỏi, có 73,5% đã từng nghe hoặc đọc về ung thư cổ tử cung, 28,2% đã từng được xét nghiệm sàng lọc, trong đó 13,6% đã được làm xét nghiệm 1 lần và 14,6% đã được làm xét nghiệm từ 2 lần trở lên.
Thực trạng về thanh thiếu niên Việt Nam
Kết quả Điều tra SDGCW 2020-2021 đã cho thấy thực trạng thanh thiếu niên Việt Nam qua một số thông tin như giáo dục, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, sức khỏe sinh sản và hành vi tình dục, nhận thức về HIV. Theo kết quả điều tra, có 96,1% phụ nữ và 96,8% nam giới trong độ tuổi từ 15-24 biết chữ, tuy nhiên còn nhiều phụ nữ dân tộc Mông hiện không biết chữ, kết quả điều tra cho thấy, có 96,9% phụ nữ người Kinh/Hoa từ 15-49 tuổi biết chữ trong khi chỉ có 36,1% phụ nữ người Mông cùng độ tuổi biết chữ; tỷ lệ phụ nữ Mông biết chữ chỉ bằng 50% so với nam giới (63,8%).
 
Mức độ sử dụng điện thoại di động khá cao qua kết quả điều tra, với 96,8% phụ nữ và 97% nam giới từ 15- 49 tuổi có sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, tình hình tiếp cận internet cũng khá phổ biến, với 81,3% phụ nữ và 83,0% nam giới từ 15-49 tuổi có sử dụng internet trong 3 tháng trước thời điểm điều tra. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng máy vi tính chưa cao, chỉ có 30,9% phụ nữ và 32,1% nam giới từ 15-49 tuổi có sử dụng máy vi tính trong 3 tháng trước thời điểm điều tra.
 
Tỷ suất sinh con vị thành niên là 42 phần nghìn, có 8,2% phụ nữ từ 20-24 tuổi sinh con trước 18 tuổi; có 0,9% phụ nữ từ 15-24 tuổi có quan hệ tình dục trước tuổi 15, tỷ lệ này ở nam giới thấp hơn với 0,2%; tỷ lệ phụ nữ từ 15-24 tuổi chưa kết hôn và chưa từng quan hệ tình dục là 95% trong khi nam giới là 81,3%.
 
Bên cạnh đó, có 7,4% phụ nữ và 1,4% nam giới tuổi vị thành niên hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng. Trong số phụ nữ và nam giới từ 20-24 tuổi được điều tra, có 14,6% nữ giới tảo hôn trước 18 tuổi so với 1,9% nam giới tảo hôn trước 18 tuổi.
 
Kết quả điều tra còn cho thấy, ở nhóm dân số từ 15-24 tuổi, nhận thức của nam giới về phòng chống HIV tốt hơn so với nữ, có 39,8% phụ nữ và 48,7% nam giới trả lời thể hiện hiểu đầy đủ về phòng chống HIV; có 9,3% phụ nữ và 14,1% nam giới từng có quan hệ tình dục đã được xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm.
 
Hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn trong nam giới khá phổ biến, có tới gần 40% nam giới trong độ tuổi từ 15-49 tuổi hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và có tới 73,4% nam giới cùng độ tuổi có uống ít nhất một đơn vị đồ uống có cồn trong vòng 1 tháng trước thời điểm điều tra. Tỷ lệ hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn tăng dần theo nhóm tuổi của nam giới, với 3 độ tuổi từ 15-19 tuổi, từ 20-24 tuổi và từ 25-29 tuổi, tỷ lệ hút thuốc tương ứng là 10,1%, 33,7% và 39%. Tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn tương ứng nhóm tuổi trên lần lượt là 26,4%, 70,4% và 81,3%. Tỷ lệ nam giới trước tuổi 15 có hút thuốc là gần 4% và có sử dụng đồ uống có cồn là 4,7%.
Điều kiện vệ sinh môi trường
Điều kiện vệ sinh môi trường có tác động trực tiếp tới sức khỏe trẻ em và phụ nữ. Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 nghiên cứu chất lượng nguồn nước hộ gia đình sử dụng thông qua việc đo nồng độ Asen và Ecoli. Tín hiệu đáng mừng từ kết quả cho thấy, 98,1% dân số sử dụng nguồn nước được cải thiện và 92,1% dân số sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tuy nhiên tỷ lệ dân số sử dụng nước uống bị nhiễm khuẩn Ecoli còn khá cao tới 41,1%. Vẫn còn 0,6% dân số sống trong hộ gia đình có nước nguồn bị nhiễm Asen.
 
Có thể thấy kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 đã phản ánh bức tranh chân thực gồm các khoảng sáng, tối trong đời sống trẻ em và phụ nữ trong các hộ gia đình ở Việt Nam./.
Đoàn Châu

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top