Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ xây dựng kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đi lên vững mạnh

04/05/2024 - 06:11 PM
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trải qua 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, Điện Biên hôm nay tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp đà đi lên, phát triển bền vững.

Phát triển nhanh và bền vững trở thành tiêu điểm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Trải qua đúng 7 thập kỷ đi lên từ vết thương chiến tranh, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng cùng khí thế quật cường của chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phát huy tiềm năng lợi thế, trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Trong nhiều năm, tỉnh Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Riêng năm 2022, Tỉnh tăng trưởng đứng thứ 2 trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 14.912,39 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt khá so với các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo giá hiện hành đạt 27.772,9 tỷ đồng, tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước đạt 93,37% kế hoạch. Đa phần các ngành, các lĩnh vực duy trì được mức tăng trưởng khá và đều đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương. Trong đó, theo giá so sánh, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 2.432,44 tỷ đồng, tăng 3,01%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 3.584,2 tỷ đồng, tăng 12,96% (công nghiệp giảm 4,26%); khu vực dịch vụ đạt 8.230,66 tỷ đồng, tăng 5,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 665,09 tỷ đồng, tăng 7,06%.

Tính theo giai đoạn, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021-2023 đạt 9,33%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 39,61 triệu đồng/người/năm (tương đương 1684 USD/người/năm) lên 42,92 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng khu vực công nghiệp - xây dựng; dịch vụ, du lịch.

 
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ xây dựng kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đi lên vững mạnh
Điện Biên phát huy truyền thống anh hùng phát triển quật cường

Điện Biên tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, điểm tái định cư bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; đồng thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Điện Biên năm 2023 tăng trưởng tích cực, ước tính đạt 18.107,73 tỷ đồng, tăng 19,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước năm 2023 đạt 87,12% kế hoạch và tăng 23,66% so với cùng kỳ năm 2022. Bốn tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.067,18 tỷ đồng, tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế không ngừng phát triển, Tỉnh chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, sửa chữa nhà; nhờ an cư lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm. Tại các huyện nghèo, huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm. Cho thấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Điện Biên quyết không bỏ người nghèo, đối tượng yếu thế lại phía sau. Tỉnh sử dụng lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kéo gần khoảng cách giữa các vùng, các huyện, thị.

Với 85% người dân vùng nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; đường giao thông về 100% các xã, đi được quanh năm; giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ thông tin truyền thông… đến với đại bộ phận nhân dân, là minh chứng thuyết phục nhất cho sự phát triển, đi lên về mọi mặt của Điện Biên.

Bước đột phá của Điện Biên những năm gần đây phải kể đến môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao; thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực. Thời gian qua, Tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn mạnh hàng đầu cả nước như: VinGroup, Sun Group, FLC Flamingo, Hải Phát... rót vốn vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, bất động sản. 

Là địa phương duy nhất trong khu vực phía Tây Bắc có sân bay thương mại đón được dòng máy bay cỡ lớn A320, A321 và tương đương, giao thông kết nối cả đường bộ và đường hàng không, nhờ đó, Điện Biên đã thu hút đầu tư nhiều chương trình, dự án đầu tư trong và ngoài nước. Cải cách hành chính tại Điện Biên có sự chuyển biến rõ nét; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện.

Đặc biệt, các di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa như: Đồi Al, Cl, C2, Dl, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước; khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên thuận tiện và không ngừng tăng lên. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 lượng khách du lịch tới Điện Biên đạt 845,6 nghìn lượt, tăng 1,86 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: Khách quốc tế đạt 4.209 lượt, tăng 1,14 lần. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.506,6 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so cùng kỳ năm trước. Năm 2024, cùng với sự kiện chào mừng đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2024, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được tổ chức nhằm quảng bá các nét đẹp về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của con người, đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Kỳ vọng, tỉnh Điện Biên sẽ đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỷ đồng; góp phần phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên trong những năm tiếp theo.

Phát huy tiềm năng tạo đột phá tăng trưởng trong thời kỳ mới

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc. Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 03 trụ cột chính là du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới gắn với đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật; coi trọng giáo dục phổ cập để nâng cao trình độ dân trí của dân cư, đặc biệt là dân cư vùng nông thôn, miền núi.

Tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, bản sắc và tiết kiệm tài nguyên. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển tỉnh; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, tạo dựng các liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; tận dụng các lợi thế về giao thương quốc tế thông qua các cửa khẩu quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng bền vững các tài nguyên và giữ cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả thời cơ và lợi thế trong kỳ quy hoạch, khắc phục các tác động tiêu cực của kinh tế quốc tế và khu vực; đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,51%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành), phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.000 tỷ đồng, khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt người. Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng tỉnh Điện Biên là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập cao, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc. Các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa dân tộc H'Mông, dân tộc Thái được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền.

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá phát triển của Tỉnh tập trung vào: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điện Biên xác định định hướng phát triển những lĩnh vực quan trọng gồm: Phát triển ngành nông - lâm - thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững gắn với phát triển nông thôn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp theo vùng gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế có vai trò động lực trong phát triển tỉnh giai đoạn tới, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu xây dựng phát triển của các ngành quan trọng khác của tỉnh. Phát triển ngành thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao vai trò của ngành trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trở thành động lực tăng trưởng trong các ngành dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, kết nối sản xuất và tiêu dùng, dẫn dắt sản xuất định hướng theo nhu cầu thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng trong thời kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đoàn kết đồng lòng, tận dụng tiềm năng, lợi thế; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội… quyết tâm xây dựng vùng đất “phên giậu” cực Tây ngày càng phát triển./.

Nguyễn Xuân Thọ
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê tỉnh Điện Biên
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top