Ngày 05/10/2023 vừa qua, Ban Chỉ đạo các các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 23/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021-2025). Các kết quả triển khai Chương trình đã cho thấy Sóc Trăng liên tục đạt và vượt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới xuyên suốt 03 năm qua.
Theo Báo cáo sơ kết, từ năm 2021, UBND tỉnh và HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết, kế hoạch để hoàn chỉnh khung cơ chế chính sách trực tiếp của chương trình. Các sở, ban ngành liên quan đã ban hành hơn 60 văn bản hướng dẫn, quy định chuyên ngành về xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021-2023, Tỉnh đã huy động được 8.323.797 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách Trung ương là 284.921 triệu đồng, ngân sách địa phương 255.791 triệu đồng, vốn lồng ghép là 3.709.030 triệu đồng, vốn tín dụng là 3.175.734 triệu đồng, vốn doanh nghiệp là 417.639 triệu đồng, nhân dân đóng góp 480.682 triệu đồng.
Sóc Trăng liên tục đạt và vượt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới
Với sự đoàn kết, trách nhiệm, tập trung của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, chung tay đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 64/80 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Hiện, Sóc Trăng có 16 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, chiếm 20% tổng số xã, dự kiến đến cuối năm nay có thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Ba đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện Nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Trong 3 năm (2021-2023), Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí 351,24 tỷ đồng. Hiện toàn Tỉnh có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn Sóc Trăng là 4,75%, hộ cận nghèo khu vực nông thôn là 7,43%. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp nhận và hỗ trợ xây dựng 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng.
Nhờ hiệu quả của Chương trình đem lại, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, chất lượng tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân cũng từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên mỗi năm (đến cuối năm 2022 đạt hơn 45,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3% mỗi năm; cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn Tỉnh còn 15.139 hộ, chiếm 4,54% tổng số hộ.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường; dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới.
Nhiều phong trào, mô hình được người dân trong Tỉnh hướng ứng và nhiệt tình tham gia, như: Phong trào "Dân vận khéo," "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh," "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch và xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch"; Nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới; Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh...
Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh Sóc Trăng sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 70/80 xã (đạt 97,2% kế hoạch), 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 65,6% kế hoạch), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% kế hoạch), có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,3% kế hoạch).
Trên cơ sở kết quả đạt được, Sóc Trăng phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao./.
Thu Hiền