Thực trạng hôn nhân tại Việt Nam nhìn từ kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019

27/07/2020 - 09:36 AM
Hôn nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức sinh và di cư, qua đó ảnh hưởng tới sự thay đổi của dân số. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã phác họa chi tiết bức tranh về tình trạng hôn nhân đối với tất cả những người từ 15 tuổi trở lên theo hai nhóm: đã từng kết hôn và chưa từng kết hôn. Theo đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới; còn hơn 9% nữ giới từ 20-24 tuổi tảo hôn; tại địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, cứ 10 phụ nữ từ 20-24 tuổi thì có gần 4 phụ nữ tảo hôn…

Xu hướng kết hôn
 

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%; xấp xỉ 70% nam giới từ 15 tuổi trở lên hiện đang có vợ và 68,5% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên hiện đang có chồng. Như vậy, dân số đang có vợ/chồng là tình trạng phổ biến ở Việt Nam.
 
Bảng 1. Tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên theo thành thị, nông thôn
và vùng kinh tế - xã hội

 

Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư, cơ cấu nhóm tuổi, văn hóa, phong tục tập quán dẫn đến chênh lệch về tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng giữa các vùng. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, tập trung lực lượng lao động di cư thanh niên lớn và cũng là nơi có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng cao nhất (30,2%), cao hơn 1,8 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (17,0%) - vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với những tập tục văn hóa liên quan đến kết hôn sớm.

Sự phát triển kinh tế trong 10 năm qua đã phần nào tác động tới xu hướng kết hôn. Giáo dục, đào tạo và các cơ hội việc làm có thể dẫn đến việc trì hoãn kết hôn ở thanh niên. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/ chồng năm 2019 giảm 4,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,5% và 26,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn hoặc ly thân tăng nhẹ so với năm 2009, tương ứng là 2,1% và 1,4%.

Có sự khác nhau về tình trạng hôn nhân giữa nam và nữ: Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm hơn và phổ biến hơn nam. Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%. Trong đó, đối với nhóm 15-19 tuổi, chỉ khoảng 2% nam giới kết hôn, thấp hơn 6,3 điểm phần trăm so với nữ giới; đối với nhóm 20-24 tuổi, có 20,1% nam giới đã từng kết hôn, thấp hơn 25,5 điểm phần trăm so với nữ giới cùng nhóm tuổi.

Tỷ lệ dân số chưa từng kết hôn giảm dần theo độ tuổi đối với cả nam giới và nữ giới, tỷ lệ này của hai giới gần như bằng nhau tại nhóm 40-44 tuổi. Ở nhóm tuổi cuối cùng của thời kỳ sinh đẻ (45-49 tuổi), vẫn còn khoảng 5% nữ giới chưa từng kết hôn.

Có sự khác biệt về xu hướng kết hôn giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị gần 7 điểm phần trăm (tương ứng là 79,9% và 73,2%). Thanh niên ở khu vực nông thôn có xu hướng kết hôn sớm hơn ở thành thị, thể hiện qua tỷ lệ dân số nhóm 15-19 tuổi đã từng kết hôn ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 4,1 điểm phần trăm (tương ứng là 6,7% và 2,6%) và tỷ lệ dân số nhóm 20-24 tuổi đã từng kết hôn ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị (tương ứng là 39,7 và 20,9%).

Nhìn chung, tỷ lệ ly hôn ở nước ta thấp, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009: 1,0%, năm 2019: 1,8%). Tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn: Tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%).

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (viết tắt là SMAM) phản ánh số năm trung bình của một thế hệ giả định đã sống độc thân trước khi kết hôn lần đầu.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, tuổi kết hôn trung bình của nam giới cao hơn nữ giới 4,1 tuổi (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Tuổi kết hôn lần đầu ở thành thị cao hơn nông thôn đối với cả nam giới và nữ giới.

 
Bảng 2. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu theo giới tính, thành thị, nông thôn và vùng kinh tế - xã hội

 
 

Dân số Đông Nam Bộ kết hôn muộn hơn so với các vùng khác (nam giới kết hôn khi 28,1 tuổi và nữ giới kết hôn khi 24,9 tuổi); Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu sớm nhất (25 tuổi đối với nam và 20,8 tuổi đối với nữ). Sự khác biệt giữa các vùng về tuổi kết hôn trung bình lần đầu tương đồng với kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
 
Kết hôn sớm
 
Tỷ lệ phụ nữ từ 20 đến 24 tuổi kết hôn lần đầu trước 15 tuổi và trước 18 tuổi là một trong những chỉ tiêu V-SDGs. Trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các cuộc điều tra thống kê về dân số khác, thuật ngữ “kết hôn” bao gồm những người được luật pháp hoặc phong tục, tập quán của địa phương thừa nhận là có vợ hoặc có chồng, hoặc chung sống với người khác giới như vợ chồng.
 
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định tuổi kết hôn đối với nam giới là đủ 20 tuổi, đối với nữ giới là đủ 18 tuổi. Như vậy, kết hôn trước 15 tuổi hoặc trước 18 tuổi sẽ không được pháp luật thừa nhận và được gọi là “tảo hôn”.
 
Tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 15 tuổi là 0,4% và kết hôn lần đầu trước 18 tuổi là 9,1%. Tỷ lệ kết hôn sớm ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (cao hơn 8,9 điểm phần trăm đối với nhóm kết hôn trước 18 tuổi và cao hơn 0,4 điểm phần trăm đối với nhóm kết hôn trước 15 tuổi).
 
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 15 tuổi và trước 18 tuổi cao nhất cả nước. Đây là hai vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có phong tục kết hôn sớm, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhất cả nước nên có tỷ lệ kết hôn sớm thấp nhất. Các tỉnh có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La (tương ứng là 39,1%; 38,5% và 37,1%); thấp nhất là Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế (tương ứng là 1,9%; 2,2% và 3,5%).
 
Dân tộc Lô Lô, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Hrê, Gia Rai, Brâu là các dân tộc thiểu số có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn sớm cao nhất cả nước. Đây là các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên./.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top