Tình hình lao động việc làm năm 2019

03/03/2020 - 03:28 PM
Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 ước tính đạt 55,8 triệu người, tăng 417,1 nghìn người so với năm 2018.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2019 ước tính là 49,1 triệu người, tăng 527,7 nghìn người so với năm trước (trong đó ở khu vực thành thị là 17,1 triệu người, chiếm 34,8%); lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,4 triệu người, chiếm 45,6%. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2019 ước tính là 12,7 triệu người, chiếm 22,8%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Lao động có việc làm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2019 ước tính là 54,7 triệu người, tăng 416,0 nghìn người so với năm 2018 (trong đó, ở khu vực thành thị đạt 18,1 triệu người, chiếm 33,1%).

Trong năm nay, chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản và tăng tỷ trọng trong khu vực Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ.

 
 
Hình 1. Tỷ trọng lao động có việc làm chia theo khu vực kinh tế, 2015-2019

 
Tình hình lao động việc làm năm 2019
 
Tốc độ chuyển dịch lao động từ khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các khu vực kinh tế khác đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Ước tính năm 2019, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là gần 19,0 triệu người, chiếm 34,7% (giảm 3,0 điểm phần trăm so với năm trước); khu vực Công nghiệp và Xây dựng là 16,1 triệu người, chiếm 29,4% (tăng 2,7 điểm phần trăm so với năm trước); khu vực Dịch vụ đạt gần 19,6 triệu người, chiếm tỷ trọng cao nhất 35,9% (tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm trước), cao hơn lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản.
 

 
Hình 2. Tỷ trọng lao động theo nghề, 2018-2019
Tình hình lao động việc làm năm 2019 1

Cơ cấu nghề có sự chuyển dịch song song với chuyển dịch cơ cấu ngành. Tỷ lệ lao động giản đơn và lao động có kỹ năng trong Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với năm 2018 (tương ứng là 34,6%, giảm 1 điểm phần trăm và 7,5%, giảm 2 điểm phần trăm); nhóm Lãnh đạo/nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung, nhóm thợ thủ công và thợ kỹ thuật tăng mạnh so với năm 2018 (tương ứng là 12,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm và 25,7%, tăng 12,4 điểm phần trăm).

Thất nghiệp, thiếu việc làm và lao động phi chính thức

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2019 ước gần 1,1 triệu người, giảm 5,5 nghìn người so với năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2019 ước là 2,16%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với năm 2018.

Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 trong năm 2019 ước khoảng 428,5 nghìn người, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2019 ước là 6,39%, giảm 0,53 điểm phần trăm so với năm 2018 (trong đó ở khu vực thành thị là 10,24%, giảm 0,22 điểm phần trăm). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15- 24 tuổi cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung do lực lượng này khi tham gia vào thị trường lao động thường có xu hướng tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ năng lực của mình hơn so với các nhóm dân số ở độ tuổi khác. Đây là tình hình chung của hầu hết 
các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
 
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (NEET) của cả nước năm 2019 ước là 11,2%, tương đương với gần 1,3 triệu thanh niên. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, ở nữ thanh niên cao hơn 4,2 điểm phần trăm so với nam thanh niên.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi trong năm 2019 ước tính là 1,26% (ở khu vực nông thôn cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 1,57% và 0,67%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2019 là 54,6%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2018. Riêng tại khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 61,7%, cao hơn 15,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của khu vực thành thị (46,3%).

Đa số lao động có việc làm phi chính thức đều chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong số những lao động có việc làm phi chính thức, lao động có trình độ trung học cơ sở chiếm tỷ trọng cao nhất (34,0%), tiếp đến là lao động có trình độ tiểu học (23,5%) và trung học phổ thông (17,4%). Lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chỉ chiếm 15,2% tổng số lao động có việc làm phi chính thức.

Thu nhập của người lao động

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động năm 2019 đạt 5,6 triệu đồng, tăng 799 nghìn đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,5 triệu đồng và 4,6 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn thu nhập của lao động nông thôn 1,6 lần (tương ứng là 7,5 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong năm 2019 ước đạt 6,7 triệu đồng, tăng hơn 866 nghìn đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,1 lần (tương ứng 7,1 triệu đồng và 6,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn 1,3 lần (tương ứng là 7,8 triệu đồng và 5,9 triệu đồng).
 
Hình 3. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương
theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, giai đoạn 2017-2019

Tình hình lao động việc làm năm 2019 2
 
Thu nhập của lao động làm công hưởng lương đều tăng ở tất cả trình độ và tăng cao hơn ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ cao thì mức thu nhập cao hơn. Năm 2019, thu nhập của lao động có trình độ đại học là 9,3 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần thu nhập của lao động không có chuyên môn kỹ thuật (5,8 triệu đồng)./.
 
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top