Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2023 và dự báo năm 2024

29/12/2023 - 02:24 PM
Tổng quan hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023

Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn, biến động nhanh, phức tạp, khó lường dù có dấu hiệu hồi phục nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tính tự chủ của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến động hoạt động sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài. Khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều hạn chế, khó khăn về thị trường, đơn hàng, đặc biệt thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất. Tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh ở nhiều ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, xi măng, xơ sợi dệt các loại... Ngoài ra, các chi phí đầu vào và chi phí vận chuyển tăng nhanh làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
 
Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2012-2023 (Năm trước =100%)
Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2023 và dự báo năm 2024 4

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là năm có mức tăng thấp nhất trong 12 năm qua. Trong cả năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn ở những tháng cuối năm, quý sau cao hơn quý trước, cụ thể: chỉ số IIP quý IV/2023 tăng 5,0%, quý III/2023 tăng 2,8%, quý II/2023 giảm 0,2%, quý I/2023 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, trong 4 ngành công nghiệp cấp 1, ngành khai khoáng ước giảm 3,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với năm trước và cũng là năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 năm gần đây; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,8% so với năm trước. Theo địa phương, có 50/63 (chiếm 79,4%) tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số IIP tăng so với năm trước và 13/63 (chiếm 20,6%) tỉnh, thành phố giảm so với năm trước.
 
Tốc độ tăng/giảm IIP năm 2023 một số tỉnh cao nhất và thấp nhất
(năm trước =100%)
 Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2023 và dự báo năm 2024 5
 
Điểm sáng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong cả năm 2023 thể hiện ở các yếu tố tích cực sau:

Thứ nhất, xu hướng tích cực của hoạt động sản xuất công nghiệp đã diễn ra từ quý II và kéo dài đến hết năm, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng chỉ số IIP tháng sau cao hơn tháng trước, cụ thể: tháng 1/2023 giảm 11,3%; tháng 2/2023 tăng 7%; tháng 3/2023 giảm 2%; tháng 4/2023 giảm 2,4%; tháng 5/2023 tăng 0,5%; tháng 6/2023 tăng 1,7%; tháng 7/2023 tăng 2,3%; tháng 8/2023 tăng 3,5%; tháng 9/2023 tăng 2,9%; tháng 10/2023 tăng 4,2%, tháng 11/2023 tăng 5% và dự kiến tháng 12/2023 tăng 5,8%.

 
Tốc độ tăng/giảm IIP các tháng năm 2023 (năm trước =100%)
 Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2023 và dự báo năm 2024 6
 
 
Thứ hai, năm 2023, trong số 33 ngành công nghiệp cấp 2 thì có tới 21 ngành có tăng trưởng so với năm trước (chiếm 63,6% số ngành công nghiệp cấp 2). Như vậy cho thấy số ngành sản xuất tăng trưởng nhiều hơn số ngành sản xuất giảm. Đáng chú ý là một số ngành tăng khá so với năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 13,2%; sản xuất thuốc lá tăng 10,1%; khai thác quặng kim loại và sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất cùng tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,3%; hoạt động thu gom, xử lý rác tăng 7,8%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1% so với năm trước.

 
Tốc độ tăng/giảm IIP năm 2023 một số ngành cao nhất và thấp nhất (năm trước=100%)
Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2023 và dự báo năm 2024 7
   
Thứ ba, một số ngành sản xuất các tháng đầu năm giảm mạnh, đến cuối năm hoạt động sản xuất đã phục hồi tích cực, tăng trưởng so với năm trước như: (1) Ngành sản xuất xe có động cơ, 3 quý đầu năm giảm so với cùng kỳ, quý IV/2023 đã tăng trở lại, cụ thể: quý I/2023 giảm 9,4%; quý II/2023 giảm 4,0%; quý III/2023 giảm 3,0%; quý IV tăng 4,8%; (2) Ngành sản xuất kim loại 6 tháng đầu năm giảm 4,5%, 6 tháng cuối năm tăng trên 20,2% so với cùng kỳ, nguyên nhân một phần do 6 tháng cuối năm 2022 ngành sản xuất kim loại giảm mạnh, đặc biệt là từ tháng 7/2022; (3) Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất 6 tháng đầu năm giảm 4,5%, 6 tháng cuối năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước, nhờ có các chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, khai thác tốt lợi thế địa phương, chính quyền địa phương quan tâm, sát sao chỉ đạo nên hoạt động sản xuất tăng trưởng cao, điển hình như: Trà Vinh tăng 29,1%; Bắc Giang tăng 20,3%; Phú Thọ tăng 18,3%; Nam Định tăng 14,6%; Quảng Ninh tăng 14%; Khánh Hòa tăng 13,7%; Hà Nam tăng 13,5%; Kiên Giang tăng 13,3%; Hải Phòng và Ninh Thuận cùng tăng 13,2%; Đắk Lắk tăng 11,2%; Bắc Kạn tăng 11%; Hậu Giang tăng 10,8%; Thái Bình tăng 10,6%; Phú Yên và Bình Phước cùng tăng 10,4%.

Bên cạnh các điểm tích cực, sản xuất công nghiệp năm 2023 còn bộc lộ một số hạn chế như:

Một là, mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần theo tháng nhưng hoạt động sản xuất trong cả năm không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm trong cả năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là ngành đóng góp khoảng trên 74% tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp tăng trưởng chậm và thấp nhất trong 12 năm qua. Cụ thể, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 giảm 2,9%, quý II/2023 giảm 0,7%, quý III/2023 tăng 3,5%, quý IV/2023 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hai là, ngành khai khoáng có xu hướng giảm dần trong cả năm 2023. Chỉ số IIP ngành khai khoáng quý I/2023 giảm 3%, quý II/2023 giảm 1%, quý III/2023 giảm 5%, ước quý IV/2023 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên có xu hướng tích cực trong quý II/2023 (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước) khi khí được huy động tối đa cho sản xuất điện. Tuy nhiên, trong 3 quý còn lại thì ngành này có sự sụt giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là quý IV/2023 ước giảm tới 12,0% so với cùng kỳ, là mức giảm rất sâu. Ngành khai thác than cứng và than non, chỉ số IIP ước năm 2023 giảm 1,6% so với năm trước và phụ thuộc khá nhiều vào ngành sản xuất điện. Ngoài ra, với xu hướng chung của thế giới là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời thì việc giảm sản lượng than khai thác là một xu hướng khó tránh được.

Ba là, trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bên cạnh một số ngành có tăng trưởng tích cực thì một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cầu giảm cũng như khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm như: Sản xuất mô tô, xe máy; sản xuất sản xuất bia, rượu; sản xuất trang phục, chỉ số IIP năm 2023 giảm lần lượt là 10,7%; 2,9%; 1,0% so với năm trước.

Bốn là, hai thành phố có quy mô công nghiệp lớn đều tăng ở mức thấp, chỉ số IIP năm 2023 của thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,3%; Hà Nội tăng 3% so với năm trước. Một số địa phương là trung tâm công nghiệp cũng có mức giảm sâu như: Bắc Ninh giảm 11,3%; Quảng Nam giảm 25,3% so với năm trước.

Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2024

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với kết quả sản xuất công nghiệp năm 2023, trong năm 2024 sản xuất công nghiệp có một số thuận lợi và khó khăn sau:

Về thuận lợi, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất như: Giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024; giảm lãi suất cho vay, đơn giản hơn thủ tục vay vốn; Xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bán dẫn được triển khai từ cuối năm 2023; Các nút thắt về khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ trong quý IV/2023 tạo điều kiện thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển; Đầu tư công liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa, làm giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp và góp phần thu hút đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua liên tục được thực hiện cả trong và ngoài nước, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại các địa phương như: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.

Về khó khăn, thể hiện ở một số yếu tố sau:

Thứ nhất, trong khi tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe hơn và yêu cầu cao hơn không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sản xuất hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững thì tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp có hạn và đã tới hạn sau vài năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế.

Thứ hai, việc đào tạo nâng cao tay nghề lao động, đặc biệt là lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn khi doanh nghiệp không đủ tài chính và trình độ để thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, giá nhiên liệu và năng lượng trong năm 2023 diễn biến phức tạp, hiện tượng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương phía bắc trong tháng 5/2023 và tháng 6/2023 cũng gây tâm lý thận trọng cho các doanh nghiệp khi đầu tư mở rộng sản xuất.

Thứ tư, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong năm 2023 tuy phục hồi theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là vào các tháng cuối năm nhưng tốc độ phục hồi còn chậm. Tốc độ tăng tưởng sản xuất công nghiệp năm 2023 thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong doanh nghiệp hiện đang rất cao.

Thứ năm, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo còn gặp nhiều khó khăn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra sáu nhân tố rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu gồm: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại; giá hàng hóa ngày càng biến động do các cú sốc về khí hậu và địa chính trị; áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn; lãi suất kỳ vọng tăng làm gia tăng các khoản nợ xấu, giảm giá trị tài sản dài hạn; phân mảnh về địa kinh tế ngày càng gia tăng, cản trở hợp tác đa phương; bất ổn xã hội có xu hướng gia tăng.

Có thể nói, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với các thuận lợi và khó khăn cả trong nước và quốc tế đều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt khi nhu cầu thế giới dự báo không tích cực trong khi lượng hàng hóa tồn kho trong nước từ cuối năm 2023 còn nhiều. Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 dự báo gặp nhiều khó khăn hơn cả năm 2023. Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao, các doanh nghiệp sản xuất cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, nhất là đầu tư cho sản xuất gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp./.

 
Phí Thị Hương Nga
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top