Tổng quan thị trường giá cả nước tháng Tám và 8 tháng năm 2023

05/09/2023 - 08:44 AM
Giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 8/2023

So với tháng trước, CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% (Khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%.
 
Tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng năm 2023

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 8/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,48%, tác động tăng 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2023 tăng 3,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (Gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%). Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-16.700 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.000-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-20.900 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.500-34.800 đồng/kg.

Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.

Giá thực phẩm tháng 8/2023 tăng 0,48% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong mùa du lịch vẫn ở mức cao, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá thịt lợn tăng 0,96% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/8/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 57.000-60.000 đồng/kg. Theo đó, giá mỡ động vật tăng 2,11% so với tháng trước; thịt quay, giò, chả tăng 0,5%; thịt hộp tăng 0,18%; thịt chế biến khác tăng 0,17%. Giá thịt gia cầm tăng 1,23% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp hè, trong đó giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 2,02%; thịt gà tăng 1,24%; thịt gia cầm khác tăng 1,11%. Bên cạnh đó, giá trứng các loại tăng 2,04% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu. Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,04% so với tháng trước do sản lượng khai thác giảm vì ảnh hưởng của mùa mưa bão nên ngư dân hạn chế ra khơi, trong đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,28%, giá tôm tươi hoặc ướp lạnh giảm 0,35%. Theo đó, giá thủy sản chế biến tháng Tám tăng 0,36% so với tháng Bảy. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,35% so với tháng trước; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,33%; sữa, bơ, pho mát tăng 0,22%; đường, mật tăng 0,54% do nhu cầu tăng khi chuẩn bị cho tháng Vu Lan. Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,52% so với tháng trước, chủ yếu do diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến canh tác rau. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng rau xanh, củ quả tăng cao trong tháng ăn chay (Tháng 7 âm lịch) đã làm giá mặt hàng này tăng. Trong đó, giá bắp cải tăng 3,4% so với tháng trước; rau dạng quả, củ tăng 2,4%; cà chua tăng 2,05%; rau gia vị tăng 1,88%; đỗ quả tươi tăng 1,28%.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 8/2023 tăng 0,47% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong mùa du lịch và giá nguyên liệu chế biến hàng hóa ở mức cao. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,54% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,24% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,21%.

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 8/2023 tăng 0,28% so với tháng trước do trong mùa du lịch nên nhu cầu tiêu dùng cao. Cụ thể, giá nước quả ép tăng 0,49%; nước giải khát có ga tăng 0,31%; rượu bia các loại tăng 0,23% và thuốc hút tăng 0,37%.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 8/2023 tăng 0,19% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Trong đó, giá vải các loại tăng 0,38%; mũ nón tăng 0,26%; giày dép tăng 0,22%; quần áo may sẵn tăng 0,16%; dịch vụ may mặc tăng 0,32%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0,5%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2023 tăng 0,85% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,16 điểm phần trăm do các nguyên nhân chủ yếu sau: Giá nhà ở thuê tăng 0,8% so với tháng trước do chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu thuê nhà tăng; Giá dầu hỏa tăng 15,94% chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/8/2023, 11/8/2023 và 21/8/2023; Giá nước sinh hoạt tăng 0,93%[1] do một số địa phương tăng giá từ tháng Bảy theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giá gas tăng 7% so với tháng trước, nguyên nhân là từ ngày 01/8/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 26.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 77,5 USD/tấn (từ mức 387,5 USD/tấn lên mức 465 USD/tấn).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,15% do giá thép giảm; Giá điện sinh hoạt giảm 0,89%[2] do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 8/2023 tăng 0,1% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá trang thiết bị nhà bếp tăng 1,16%; bàn là điện tăng 0,6%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,11%. Ở chiều ngược lại, giá bếp gas giảm 0,46% so với tháng trước; bình nước nóng nhà tắm giảm 0,42%; quạt điện giảm 0,36%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do: nh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/8/2023, 11/8/2023 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; gdầu diezen tăng 15,9%; Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; đường sắt tăng 3,58%; đường bộ tăng 0,68%; vé xe buýt tăng 0,53%; taxi tăng 0,1%; Giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,42%; 0,12% và 0,16% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng Tám tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do năm học 2023-2024 học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới, theo đó giá sách giáo khoa tăng 3,37% so với tháng trước; giá vở, giấy viết các loại tăng 1,17%; giá bút viết các loại tăng 1,03%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,82% do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023-2024.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Tám tăng 0,09% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch ngoài nước tăng 0,13% so với tháng trước; du lịch trong nước tăng 0,09%; khách sạn, nhà khách tăng 0,05%; nhạc cụ tăng 0,12%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,45%. Ở chiều ngược lại, thiết bị văn hóa giảm 0,18% do giá tivi màu giảm 0,19% và đầu DVD giảm 0,03%.

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 8/2023 tăng 0,22% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 0,52%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,57%; vật dụng và dịch vụ về hiếu tăng 0,18%.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/8/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.956,24 USD/ounce, tăng 0,51% so với tháng 7/2023 sau cuộc họp định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong 2 ngày 25-26/7/2023 quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%-5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 3,93% so với tháng 12/2022; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 1,54%.

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,53 điểm, tăng 1,12% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.907 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2022; tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 2,27%.
 
Bảng 1. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 8 từ năm 2019 đến năm 2023
 Đơn vị tính: %
  Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023
CPI tháng 8 so với tháng trước 0,28 0,07 0,25 0,005 0,88
CPI tháng 8 so với cùng kỳ năm trước 2,26 3,18 2,82 2,89 2,96
CPI tháng 8 so với tháng 12 năm trước 1,87  
-0,12
2,51 3,60 2,02
CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước
2,57
3,96
1,79 2,58 3,10
 
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 8/2023 tăng 2,96%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
 
Tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng năm 2023 1

Các nhóm hàng tăng giá: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là nhóm có chỉ số giá tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao nhất với 7,14% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng; Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các trường dân lập và tư thục của một số địa phương tăng học phí; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,06% do chi phí vận chuyển tăng trong khi nguồn cung thuốc lá giảm; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,31%, trong đó nhóm lương thực tăng 6,99%; thực phẩm tăng 0,94%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,77%.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,03%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,83%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,35%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,89%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá: Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,11% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại cố định và di động giảm; Nhóm giao thông tháng 8/2023 giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xăng dầu giảm 4,09% do từ tháng 8/2022 đến nay giá xăng A95 giảm 310 đồng/lít; xăng E5 giảm 390 đồng/lít và dầu diezen giảm 1.400 đồng/lít.

So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá: Nhóm giao thông tăng 4,88% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 10,62% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 24 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 3.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 3.360 đồng/lít và dầu diezen tăng 750 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,71% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,92% do giá lương thực tăng 5,8%; thực phẩm tăng 0,94%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,72%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,85% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.

Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,95%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,02%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá: Nhóm giáo dục tháng Tám giảm 2,73% so với tháng 12/2022 do trong 8 tháng năm 2023 một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Nhóm bưu chính, viễn thông tháng Tám giảm 0,94% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG 8 THÁNG NĂM 2023
 
Tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng năm 2023 2

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2%, tháng Bảy tăng ở mức 2,06%, sang tháng Tám mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 11,98% trong tháng 6/2023 và giảm 0,31% trong tháng 8/2023. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Tổng quan thị trường giá cả tháng 8 và 8 tháng năm 2023 3

Các yếu tố làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2023

- Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,65% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,25 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

- Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,18% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm.

- Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,04%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,65 điểm phần trăm.

- Giá điện sinh hoạt tăng 3,99%, tác động làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng và từ ngày 04/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%.

- Giá gạo trong nước tăng 2,96% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá vé máy bay tăng 71,82%; giá vé tàu hỏa tăng 31,3%; giá vé ô tô khách tăng 8,94% do nhu cầu đi du lịch trong dịp Lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 0,14 điểm phần trăm, chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.

Các yếu tố làm giảm CPI trong 8 tháng năm 2023

- Bình quân 8 tháng năm 2023, giá dầu hỏa giảm 12,19% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 17,56% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,63 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước giảm 11,3% theo giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,16 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,53% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,02 điểm phần trăm.

LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[3] tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bảng 2. Lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng từ năm 2019 đến năm 2023

       Đơn vị tính: %
  Năm 2019 Năm 2020 Năm
2021
Năm
2022
Năm
2023
Lạm phát cơ bản tháng 8 so với tháng trước 0,13 -0,01 -0,02 0,40 0,32
Lạm phát cơ bản tháng 8 so với cùng kỳ năm trước 1,95 2,16 0,98 3,06 4,02
Lạm phát cơ bản 8 tháng so với cùng kỳ năm trước 1,90 2,66 0,90 1,64 4,57
 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ


[1] Chỉ số giá nước sinh hoạt tháng 8/2023 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng Bảy, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[2] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 8/2023 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng của tháng Bảy, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[3] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top