Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

21/03/2023 - 03:03 PM
Sau gần 15 năm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Nghị quyết 27) cho thấy, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ trí thức ở nước ta. Những kết quả đó một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá tri thức cũng như tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
 
Tại Việt Nam, nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Trong đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo ra động lực quan trọng phát triển đội ngũ trí thức nước ta trong giai đoạn vừa qua.

Báo cáo một số kết quả nghiên cứu và tổng kết thực tiễn bước đầu trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 đã chỉ ra rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ/ngành, địa phương ở các cấp đã ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như nhiều chương trình, đề án để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức theo ngành, lĩnh vực khác nhau. Đảng và Nhà nước đã quan tâm thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức. Theo đó, đội ngũ trí thức nước ta đã có vai trò quan trọng và tích cực trong việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với bước phát triển lớn về quy mô, chất lượng, đội ngũ trí thức có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội. Những đóng góp của đội ngũ trí thức được thể hiện rõ nét thông qua các thành quả tích cực trong phát triển của các ngành và lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Cụ thể như: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 của nước ta là 5,8%, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015. Sự phát triển của đội ngũ trí thức cũng đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, GDP mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới thì đến năm 2022 (theo Tổng cục Thống kê) GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

 
Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đội ngũ tri thức có mặt ở hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội

Cùng với đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc. Năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã bước đầu được hình thành và phát triển (hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiêp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 ở khu vực ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo). Hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa… Từ những chuyển biến tích cực đó Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Có thể thấy, mặc dù đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song so với yêu cầu phát triển của đất nước sự phát triển của đội ngũ trí thức nước ta hiện còn nhiều hạn chế, bất cập: Cơ cấu đội ngũ trí thức còn chưa hợp lý về ngành/nghề, độ tuổi, giới tính; đội ngũ trí thức trong các trường đại học, viện nghiên cứu chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước (thiếu các tập thể khoa học mạnh, thiếu cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế và khu vực). Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp thấp, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn hạn chế và bất cập…

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp đổi mới, một số nội dung, giải pháp được đề cập trong giai đoạn tới:

Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, đẩy mạnh thể chế hóa về các cơ chế, chính sách để phát huy tốt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức với đất nước. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học...

Xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới; chú trọng đến những ngành, lĩnh vực đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, trí thức nữ.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, văn nghệ; đội ngũ trí thức doanh nhân và trí thức trong lực lượng vũ trang.

Hoàn thiện thể chế trọng dụng trí thức, người hiền tài. Tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo, có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ trí thức đang công tác ở miền núi, vùng có điều kiện khó khăn; xây dựng quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa và văn nghệ; tôn trọng và phát huy tính tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học. Đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức. Tạo điều kiện bình đẳng cho nữ trí thức trong hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đổi mới công tác đánh giá và nâng mức thưởng đối với các danh hiệu cao quý, các giải thưởng Nhà nước dành cho trí thức.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp. Xây dựng cơ chế trao đổi, đối thoại và phản hồi ý kiến phản biện của trí thức; thực hiện tốt việc cung cấp thông tin giúp trí thức kịp thời nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của đất nước và địa phương.

Đẩy mạnh hợp lý hóa cơ cấu đội ngũ trí thức, đặc biệt chú trọng đào tạo, tập trung phát triển đội ngũ trí thức làm công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và triển khai, đội ngũ trí thức hoạt động trong các doanh nghiệp, phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ để tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng được yêu cầu của các cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, cập nhật, gắn lý thuyết với thực hành, hình thành tư duy độc lập, sáng tạo cho người học. Thực hiện tốt các biện pháp gắn đào tạo với nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội; gắn đào tạo đại học và sau đại học với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh; tăng cường vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập trong kiểm định chất lượng đào tạo; đẩy mạnh phát triển các trường đại học theo mô hình các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đến năm 2045 đạt trình độ quốc tế.

Đẩy mạnh huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển đội ngũ trí thức, ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc phục vụ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành.

Nâng cao trách nhiệm và đóng góp của đội ngũ trí thức, kiện toàn hệ thống tổ chức của các hội trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Có cơ chế, chính sách huy động trí thức, đặc biệt là trí thức đầu ngành, trực tiếp chăm lo và thực hiện việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ kế cận. Đổi mới nội dung học tập chính trị, tư tưởng với các hình thức phù hợp và đa dạng; tăng cường rèn luyện, phấn đấu, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức và lối sống lành mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức. Xây dựng các cơ chế, chính sách để các hội trí thức được thực hiện các dịch vụ công, cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát các hoạt động nghề nghiệp.

Tạo cơ hội để trí thức tự nguyện đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ trong cộng đồng, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ đó vào sản xuất và đời sống, góp phần thiết thực nâng cao dân trí. Có cơ chế, chính sách huy động trí thức, đặc biệt là trí thức đầu ngành, trực tiếp chăm lo và thực hiện việc đào tạo đội ngũ kế cận./.
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top