Các Bộ, ngành tích cực thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

23/09/2023 - 01:04 PM
Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022 vừa qua, một số Bộ ngành đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ Công Thương

Giai đoạn 2019-2021, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong ngành Công Thương; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong giai đoạn này, Bộ Công Thương đã ban hành khoảng 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung vào các lĩnh vực như hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mỹ phẩm... nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, vận chuyển hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu; tiếp tục phối hợp, tổ chức triển khai có hiệu quả các quy chế phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, các Hiệp hội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong ngành Công Thương tương đối đầy đủ và phù hợp với chủ trương, chính sách chung, nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích chính thức hóa hoạt động phi chính thức và tăng cường quản lý, giám sát làm giảm và thu hẹp quy mô hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp ngành Công Thương.

Năm 2022, Bộ Công Thương tập trung vào các lĩnh vực quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong năm, Bộ đã xử lý khoảng 44.000 vụ vi phạm, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách trên 490 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hóa tịch thu gần 96 tỷ đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.
 
Các Bộ, ngành tích cực thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát
Năm 2022, Bộ Công Thương tập trung vào các lĩnh vực quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả,
hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Về công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã điều tra 8.000 cá nhân và 8.000 doanh nghiệp để thu thập số liệu về tình hình ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, thực hiện quy định về chế độ báo cáo đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử; yêu cầu các website, ứng dụng thương mại điện tử báo cáo kết quả hoạt động tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, Bộ đã nhận được báo cáo của khoảng 5 nghìn website, ứng dụng đã thực hiện thủ tục thông báo/đăng ký.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đối với lĩnh vực thanh toán và tiếp cận dịch vụ ngân hàng:

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề xuất nhiều chính sách mới để thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0 và tập trung xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Đồng thời, NHNN cũng làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở tận dụng thành tựu của CMCN 4.0.

Đối với hoạt động phòng chống rửa tiền:

Hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền, nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong năm 2022, NHNN tổ chức triển khai xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ 01/3/2023.

Nội dung Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã thể chế hóa những quy định theo các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) thành quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền đã có những quy định mới như: Bổ sung đối tượng điều chỉnh mới của Luật bao gồm các tổ chức trung gian thanh toán; Quy định bổ sung trách nhiệm của Việt Nam trong đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; Quy định đầy đủ, toàn diện các biện pháp phòng, chống rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải thực hiện theo chuẩn mực quốc tế; Bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống rửa tiền…

Cũng trong năm 2022, NHNN tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý các báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác có liên quan đến rửa tiền (có gần 1.900 báo cáo giao dịch đáng ngờ); chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật với 148 văn bản liên quan đến 894 báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong nước (hơn 500 lượt yêu cầu).

Qua quá trình xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, NHNN đã có các công văn cảnh báo đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các nội dung như: Yêu cầu cập nhật danh sách đối tượng tham gia tổ chức khủng bố; Thực hiện các quy định phòng, chống rửa tiền và tăng cường rà soát báo cáo giao dịch đáng ngờ; Cảnh báo, phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền…

Để thực hiện các nội dung khuyến nghị của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG), với vai trò là đơn vị đầu mối, NHNN đã nghiên cúu, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt, giai đoạn 2021-2025, đồng thời ban hành Quyết định số 1945/QĐ-NHNN ngày 16/11/2022 về Kế hoạch của NHNN thực hiện Quyết định số 941/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, NHNN đã ký bản ghi nhớ với Tổng cục Hải quan về việc phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin. Việc đàm phán, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa NHNN và các đơn vị tình báo tài chính của nhiều quốc gia trên thế giới được quan tâm thực hiện. Trong năm 2022, NHNN đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) trao đổi thông tin hợp tác với Cơ quan Tình báo tài chính Vương quốc Anh và đang tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan đến MOU với một số quốc gia khác.

Bộ Xây dựng

Năm 2021, công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng từng bước đi vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý là Ủy ban nhân dân các cấp, cá nhân và tổ chức hành nghề, chủ đầu tư, chủ dự án trong Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, để hạn chế các tiêu cực và làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công xây dựng công trình nói riêng và hoạt động xây dựng nói chung.

Năm 2022, Bộ Xây dựng tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; đồng thời tăng cường xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần quản lý các hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Bộ Giao thông vận tải

Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm tập trung vào kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến các vấn đề: Lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải; Xe ô tô mang biển số nước ngoài hoạt động vận tải khách trên lãnh thổ Việt Nam; Tải trọng phương tiện trong phạm vi toàn quốc. Qua các đợt cao điểm, Bộ đã phát hiện và xử phạt 6.615 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt 39,4 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Luật Tài nguyên nước; Luật Khoáng sản và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, ban hành Nghị định về xử phạt đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường; Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Từ đó tăng cường quản lý, giám sát và có chế tài xử phạt vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong 3 năm 2019-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các văn bản chỉ đạo điều hành được ban hành trong năm 2019-2021 đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh việc bảo hộ, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; làm minh bạch hóa công tác thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (Hiệp định WTO/TBT, EVFTA, CPTPP, RCEP…). Tổ chức các hoạt động tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Nhìn chung, việc triển khai các hoạt động trong năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm của xã hội trong công tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ; tích cực và chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa phương trên cả nước. Đồng thời, việc Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trong nước và thị trường nước ngoài cũng đã góp phần gia tăng giá trị một số sản phẩm chủ lực của địa phương, hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp có liên quan, tạo công ăn việc làm cho nhóm các đối tượng thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát, đặc biệt tại các vùng nông thôn. 

Bộ Tư pháp

Năm 2021, Bộ Tư pháp rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung vào các vấn đề: Đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; Rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống cho người dân trước những tác động, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Năm 2022, Bộ Tư pháp hoàn thành thẩm định: Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); các Dự thảo Nghị định để phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam; Dự thảo Luật Đấu thầu để hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã hoàn thành Bộ pháp điển, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu, quản lý các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, góp phần nâng cao tính thống nhất, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.    

Bộ Quốc phòng

Trong năm 2022, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công tác phòng chống các hoạt động buôn lậu qua khu vực biên giới, góp phần làm giảm hoạt động ngầm và hoạt động bất hợp pháp qua biên giới. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện phòng, chống ma túy và tội phạm; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động điều tra, phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Bộ Quốc phòng cũng phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng của các Bộ, ngành thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới. Ngoài ra, đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm phát luật về quản lý cửa khẩu biên giới và trong lĩnh vực quốc phòng.

Bộ Y tế

Năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-BYT ngày 07/01/2022 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ Y tế theo Quyết định số 1827/QĐ-BYT ngày 01/7/2022. Bộ Y tế đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành các hoạt động liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, trong đó chú trọng các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các Bộ, ngành khác

Giai đoạn 2019-2021, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp như: Rửa tiền; Tài trợ khủng bố; Gian lận bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Cho vay nặng lãi. Năm 2022, Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản liên quan đến hoạt động chế tạo, tàng trữ, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật.

Các Bộ, ngành khác: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tuy không được giao chủ trì thực hiện các công việc cụ thể nhưng luôn tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Đề án NOE trong năm 2022./.
 
P.V

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top