Để thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ

29/08/2023 - 03:24 PM
Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam

Cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong và sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, chú trọng tới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là vấn đề mới đòi hỏi nhiều kỹ năng để có thể sử dụng thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời có thể chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Có thể hiểu, thương mại điện tử xuyên biên giới là hình thức mua - bán giữa một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác thông qua việc đặt hàng và thanh toán trên các sàn thương mại điện tử và qua internet. Hình thức mua-bán này đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... và lan rộng tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” mới đây của Amazon Global Selling Việt Nam đã đánh giá cao mức độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình đạt 20%/năm và dự kiến đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2026. Báo cáo cũng nhận định, nếu coi “thương mại điện tử xuyên biên giới” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

 
Để thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ
Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển mạnh mẽ

 
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nhận thức rõ sự quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nắm bắt khá nhanh nhạy xu hướng này. Gần 10 triệu sản phẩm Made-in-Vietnam được bán ra cho khách hàng Amazon trên thế giới. Bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng này vẫn tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong Top 5 trên Amazon bao gồm: Dụng cụ nhà bếp, Đồ gia dụng, May mặc, Sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, Tiện ích gia đình.

Các thị trường quốc tế dành cho nhà bán hàng Việt Nam khá phong phú, từ khu vực Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada, Mexico), châu Âu (8 nước: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thuỵ Điển) và một số quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út... Tổng dân số lên tới hơn 2 tỉ người với hàng tỉ lượt truy cập vào Amazon mỗi năm.

Ngoài Amazon, sàn thương mại điện tử Alibaba.com cũng ghi nhận sự góp mặt của khoảng 2.000 doanh 
nghiệp Việt Nam với các mặt hàng như: Nông sản, thực phẩm chế biến-đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc...
 
Theo Sách Trắng Thương mại điện tử năm 2022, tỷ lệ người dân sử dụng Internet tại Việt Nam đã tăng từ 58,1% năm 2017 lên 75% năm 2022; tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến qua Internet cũng tăng từ 33,6 triệu người năm 2017 lên 60 triệu người năm 2022. Các số liệu trong Sách Trắng cũng cho thấy, giá trị mua sắm trực tuyến của người dân Việt Nam đã tăng từ 186 USD/người năm 2017 lên 285 USD/người năm 2022. Doanh thu TMĐT B2C (thương mại điện tử bán lẻ) của Việt Nam tăng từ 6,2 tỷ USD lên 11,8 tỷ USD năm 2020 và đạt 16,4 tỷ USD năm 2022, tăng 20% so năm 2021; tỷ lệ doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng từ 3,6% năm 2017 lên 7,8% năm 2022.

Còn theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temaisek và Bain&Company công bố, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa tăng khoảng 28% từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Thống kê cho thấy, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng gấp 3-4 lần mức tăng trưởng GDP, đóng góp khoảng 15% GDP. Kinh tế số được cho là động lực tăng trưởng trong dài hạn, trung hạn và là yếu tố để Việt Nam đạt mốc trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới được coi là trụ cột của nền kinh tế số và là nhân tố chính tạo nên tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này.

Những số liệu trên phần nào cho thấy, bức tranh thương mại điện tử nói chung và giao dịch xuyên biên giới nói riêng trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, các tổ chức như Google, Facebook, Microsoft… đã khai nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.432 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Để thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ
Bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp về: Thông tin, năng lực, chi phí, quy định... Rào cản về văn hóa, ngoại ngữ, kiến thức về các thủ tục thông quan hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình thanh toán, vận chuyển... của nước xuất khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế cũng như nền tảng công nghệ số và nhân lực số của Việt Nam còn yếu… là những trở ngại khiến các doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn.

Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài. Các chuyên gia nhận định, nếu doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn, ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu, trong 5 năm tới xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt 300.000 tỷ đồng.

Để hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, ổn định, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ... hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sân chơi kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng cho thương mại điện tử, đào tạo nguồn nhân lực số với đầy đủ kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ. Về phía các doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như các quy định về pháp lý liên quan nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, bảo đảm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu…

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng thực tiễn đa dạng của hoạt động thương mại điện tử đã được ban hành, trong đó có Đề án Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay, đề ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa 
xuất khẩu, nhập khẩu, như việc hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; Xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử. Hay như mới đây, ngày 22/6/2023, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật sửa đổi mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt là với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử nói chung. Khi Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực sẽ góp phần cải cách các thủ tục hành chính, rút gọn được quá trình xử lý hồ sơ giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” do Amazon vừa khởi xướng, được Bộ Công Thương bảo trợ nội dung, tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026. Các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ được đào tạo với hơn 20 khóa học đa dạng nội dung như: Thương mại điện tử xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon… là những tín hiệu đáng mừng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển. Hy vọng, với những giải pháp và hành động thiết thực, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ./.
 
Gia Linh
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top