Du lịch nông nghiệp, nông thôn - giải pháp trong phát triển kinh tế nông thôn

16/08/2023 - 01:52 PM

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là lựa chọn mới, phù hợp với những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và đi lại của du khách; khi ngành du lịch mở cửa sau những tác động của đại dịch Covid-19. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại những giá trị trong phát triển kinh tế nông thôn như: Chuyển đổi sinh kế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 
Du lịch nông nghiệp, nông thôn - giải pháp trong phát triển kinh tế nông thôn
 
Việt Nam có diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền. Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn cả nước có 8.297 xã với 66.206 thôn (ấp, bản), có gần 17 triệu hộ dân cư với xấp xỉ 63 triệu nhân khẩu. Trong 5 năm (2016-2020), kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường khu vực nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, tại thời điểm 01/7/2020, tất cả các xã và gần 99% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện với thành tựu quan trọng nhất là đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Tỷ lệ xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện chiếm 99,67% tổng số xã khu vực nông thôn;
 
Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trụ sở UBND xã trên địa bàn nông thôn cả nước so với tổng số thôn cũng tăng lên, đạt 96,31%. Cùng với việc nâng cao tính kết nối, hệ thống giao thông nông thôn được trải nhựa, bê tông hóa mặt đường với tỷ lệ xã có đường trục xã trải nhựa, bê tông so với tổng số xã khu vực nông thôn của cả nước đạt 99,16%; Tỷ lệ này của đường trục thôn đạt 96,36%; đường ngõ xóm đạt 89,97%. Năm 2020, cả nước có 3.498 xã và gần 22,96 nghìn thôn xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 42,16% tổng số xã và 34,67% tổng số thôn…
 
Ngoài ra, khu vực nông thôn Việt Nam có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Các giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất giàu bản sắc...; Người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là những tiền đề quan trọng và là nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú để Việt Nam phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Tận dụng tài nguyên hiện có, những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và xem đây là hướng đi mới đem lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn.
 
Điển hình, Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước phát triển du lịch nông thôn với mục tiêu kép nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Để hình thành các làng văn hóa du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, Hà Giang đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, giá trị của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, vùng di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại Hà Giang được bảo tồn và phát huy giá trị.
 
Tại tỉnh Hòa Bình, đón đầu xu thế phát triển du lịch nông nghiệp, nhiều nhà vườn ở Cao Phong đã kết hợp cùng các đơn vị lữ hành tổ chức các chương trình với nhiều hoạt động phong phú như:“Khám phá đồi cam”; “Một ngày làm nông dân vùng cao”… Du khách tham gia chương trình ngoài được thưởng thức những trái cam tại vườn sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động giống như người trồng cam thực thụ từ việc trồng, chăm sóc đến việc thu hoạch cam và được chủ vườn bán lại toàn bộ số cam do du khách tự tay thu hoạch tại vườn.
 
Bằng những cách làm sáng tạo, phát huy những lợi thế, giá trị khác biệt, theo hướng quan tâm đầu tư, xúc tiến thương mại để quảng bá tới du khách hình ảnh thiên nhiên, con người, ngành nghề và những sản vật của địa phương... phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại nhiều địa phương đã thu hút du khách tới tham quan và trải nghiệm. Nhờ đó, nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, cuộc sống văn minh hơn. Hoạt động nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp” (OCOP). Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức. Đến nay, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thể kể đến như: Mô hình du lịch trang trại trái cây Đồng bằng sông Cửu Long; du lịch vườn chè ở Thái Nguyên; 1 ngày làm nông dân Hội An; du lịch canh nông ở Lâm Đồng; du lịch trang trại cà phê ở Đắk Lắk hay du lịch cộng đồng ở Tây Bắc và du lịch cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long…
 
Du lịch nông nghiệp, nông thôn giải pháp trong phát triển kinh tế nông thôn
Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn được các địa phương đẩy mạnh

Ngoài ra, phát triển du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống để phát triển đa dạng thêm giá trị của các sản phẩm... Chỉ tính riêng chương trình OCOP đã mang đến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời thúc đẩy sức tiêu thụ. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2022, toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.351 chủ thể. Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch nông thôn và điểm du lịch. Theo đó, cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch để giới thiệu đặc sản địa phương tới du khách thông qua các hoạt động trải nghiệm, mua làm quà biếu và làm quà lưu niệm.
 
Việc đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch tại nhiều địa phương đã đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một ngành kinh tế tích hợp. Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương, mà qua đó định vị hình ảnh Việt Nam với một nền nông nghiệp sinh thái bốn mùa hoa trái; Tiếp thị, quảng bá nông sản cho du khách ngay tại nông trại, ruộng vườn với hình ảnh nông thôn Việt Nam giàu bản sắc văn hoá, người dân nông thôn Việt Nam cởi mở, mến khách.
 
Thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn giúp tăng tính kết nối cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, giữ gìn hồn quê. Xây dựng hình thành một tư duy tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn.
 
Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
 
Đến nay, du lịch đã được chứng minh là chiếc phao cứu sinh cho nhiều cộng đồng nông thôn, qua việc tạo công ăn việc làm cho người dân và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.
 
Hiện, khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo, khác biệt với nhiều quốc gia trên thế giới và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.
 
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; Mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ; Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khẳng định rõ quan điểm: Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. 

Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về du lịch nông thôn gắn với hoạt động quản lý nhà nước về du lịch; Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn.
 
Hai là, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường.
 
Ba là, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn với việc đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…
 
Bốn là, bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; Tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... phục vụ cho hoạt động du lịch nông thôn.
 
Năm là, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn thông qua việc lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn; Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn; Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện; Xây dựng chuyên trang điện tử về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.
 
Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn; Xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung - cầu du lịch; Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về phát triển du lịch nông thôn ở cấp khu vực và quốc tế; giới thiệu và quảng bá các điểm đến du lịch nông thôn ở Việt Nam cho khách quốc tế./.

ThS. Nguyễn Thị Thùy
Trường Đại học Lâm nghiệp
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top