Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm hướng tới phát triển bền vững

13/09/2023 - 08:43 AM
Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - những địa bàn cốt yếu, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Đó cũng những là địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hay chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; xuất phát điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, mặt bằng dân trí chưa cao, do đó việc làm của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, không ổn định... Vì vậy, khắc phục hoàn cảnh sống khó khăn và hướng tới sự phát triển bền vững khi giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS&MN là chủ trương quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Việc làm DTTS bấp bênh, không ổn định

Theo báo cáo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước có 7,9 triệu lao động DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên. Đa số lao động có việc làm cư trú ở nông thôn. Điều đáng nói là chất lượng lao động vùng DTTSMN khá thấp. Chỉ có 10,3% lao động DTTS có việc làm đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (CMKT), còn lại 89,7% không có trình độ CMKT. Nhóm lao động làm công việc “CMKT bậc cao” và “CMKT bậc trung” chiếm tỷ lệ khiêm tốn là 3,3% tổng số lao động DTTS có việc làm. Số lao động đòi hỏi kỹ năng thấp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động DTTS có việc làm theo nhóm nghề nghiệp. Nhóm nghề “lao động giản đơn” thu hút nhiều lao động DTTS nhất với tỷ lệ 68,6% và chủ yếu là lao động giản đơn trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (92,2% lao động giản đơn làm việc trong khu vực này).

Hình 1: Tỷ lệ lao động có việc làm không có trình độ CMKT của 05 nhóm dân tộc có tỷ lệ cao nhất và 05 nhóm dân tộc có tỷ lệ thấp nhất, năm 2019   
 
                                                                                                                Đơn vị: % Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm hướng tới phát triển bền vững
                                                                                                   Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vị thế việc làm của người lao động được chia thành 5 nhóm: “Chủ cơ sở”, “Tự làm”, “Lao động gia đình”, “Làm công ăn lương” và “Xã viên hợp tác xã”. Kết quả điều tra 53 dân tộc cho thấy, số lao động “Tự làm” (nhóm công việc yếu thế, không ổn định và hầu hết không có bảo hiểm xã hội) và “Lao động gia đình” không được trả lương, trả công chiếm khoảng 3/4 tổng số lao động DTTS có việc làm, trong đó, “Lao động gia đình” không được trả công trả lương chiếm 38,8%. Người DTTS làm “Chủ cơ sở” chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,5%).

Giai đoạn 2015-2019, các chính sách thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ của Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người DTTS, góp phần vào sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế. Tỷ trọng lao động DTTS có việc làm theo khu vực chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 81,9% năm 2015 xuống còn 73,3% năm 2019) và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (từ 18,1% năm 2015 lên 26,7% năm 2019). Dù vậy, tỷ trọng lao động DTTS làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn cao hơn hai lần so với tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực này của toàn quốc (73,3% so với 35,3%). Trong 14 DTTS dưới 10.000 người, có đến 12 DTTS có tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn tỷ trọng lao động làm việc 73,3% của 53 DTTS. Cũng theo kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 1,40%.
 
Do lao động DTTS chủ yếu làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với những công việc giản đơn, bấp bênh, không ổn định nên dù những năm qua đã được thụ hưởng rất nhiều chính sách giảm nghèo nhưng vùng DTTS&MN vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Theo Ủy ban Dân tộc, năm 2019, thu nhập thực tế bình quân một người DTTS chỉ khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm.
Chủ trương giải quyết việc làm của Chính phủ
Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 88/2019/ NQ-QH14 của Quốc hội khóa XIV đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: “Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa”.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2023, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giải quyết việc làm là một trong những nội dung quan trọng, được đưa vào Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thuộc Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tiểu dự án 3 hướng đến góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Theo đó, sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo. Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài.

Để giải quyết vấn đề việc làm theo định hướng của chương trình MTQG DTTS&MN, ngày 06/9/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH, quy định về cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số. Theo đó, hỗ trợ các trung tâm dịch vụ việc làm trong việc tư vấn, giới thiệu, tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động, gồm: Tổ chức các giao dịch việc làm (sàn/phiên giao dịch, hội chợ/ngày hội việc làm). Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chuẩn hóa kỹ năng lao động và gắn kết hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số thông qua xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn, sổ tay nghiệp vụ về việc làm, thị trường lao động.

Chính sách trên sẽ giải quyết việc làm cho lao động DTTS đảm bảo phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động DTTS, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhiều cách làm hay
Cụ thể hóa các chính sách trên, những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã vận dụng một số cách làm hay, hiệu quả trong giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS như: Tổ chức ngày hội việc làm hỗ trợ lao động là thanh niên người DTTS tiếp cận thuận lợi với các thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm; chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục, dạy nghề tư vấn, hướng nghiệp nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho thanh niên là người DTTS; tập huấn kỹ năng phỏng vấn, xin việc; hỗ trợ người lao động, tìm kiếm chỗ ăn chỗ nghỉ để yên tâm làm việc…

Một điểm sáng có thể được nói đến là thành công của Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động diễn ra tại tỉnh Thái Nguyên vào tháng Tư vừa qua. Trong khuôn khổ Tuần lễ đã diễn ra khoảng 20 hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động tại các vùng DTTS&MN không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố có kết nối tham gia Tuần cao điểm gồm: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng. Đó là chuỗi các hội thảo, hội nghị, diễn đàn tư vấn, tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, mà điển hình là hội thảo “Tư duy và nhận thức mới cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong việc chọn ngành, chọn nghề”, cuộc thi  “Ý tưởng khởi nghiệp", Ngày hội việc làm…

Tại huyện miền núi Định Hóa - địa bàn có nhiều lao động dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên, Ngày hội việc làm trong khuôn khổ Tuần cao điểm đã thu hút 17 đơn vị, doanh nghiệp và trên 700 học sinh, thanh niên, người lao động tham gia. Tại ngày hội việc làm, hàng trăm người lao động được cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin tuyển sinh; trong đó có trên 600 người được tư vấn việc làm, nghề học và đã có 275 người được kết nối việc làm, tuyển sinh nghề học. Những con số này đã góp phần thực hiện thành công chủ trương của Nhà nước về giải quyết việc làm cho người DTTS&MN và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
 
Giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm hướng tới phát triển bền vững 1

Cộng hưởng cùng làn sóng khởi nghiệp trên cả nước, trong thời gian qua, tổ chức Đoàn ở nhiều địa phương cũng hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên DTTS khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ khởi nghiệp; triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên; tổ chức cho các bạn trẻ giao lưu, học hỏi với những nhà đầu tư, doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công từ số vốn nhỏ… Từ đó giúp các bạn trẻ DTTS&MN nắm rõ hơn những nhận thức chung về phát triển kinh tế; kỹ năng xây dựng hồ sơ gọi vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kỹ năng thành lập và phát triển doanh nghiệp; kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ mới; kiến thức chung về ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế; cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo... Phát huy nội lực của sức trẻ, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp đã lan tỏa rộng rãi khu vực đồng bào DTTS&MN với nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm sáng tạo, khai thác được thế mạnh địa phương như: Mô hình “sản xuất sợi tự nhiên từ cây gai lai” của người dân tộc Tày tại tỉnh Hòa Bình, mô hình “Sản xuất trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác” của HTX Thanh niên Như Cố tại tỉnh Bắc Kạn, mô hình sản xuất tinh dầu sả đỏ, màng tang, đài bi và các sản phẩm liên quan như nước súc miệng, nước tắm... của các bạn trẻ đồng bào dân tộc Tày và Nùng tỉnh Lào Cai…

Với tinh thần đổi mới sáng tạo để chủ động hội nhập trong thời kỳ mới, thời gian tới sẽ còn nhiều địa phương có những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để giải quyết việc làm cho lao động DTTS&MN, góp phần nâng cao thu nhập của người dân khu vực này và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước./.
 
Kim Hải

 



 

 
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top