Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/2/2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự xã hội nông thôn là một nội dung thành phần quan trọng trong Chương trình đang được các địa bàn nông thôn trong cả nước tích cực triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với những hoạt động thực tế của địa phương.
Giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự xã hội nông thôn
Trong những năm qua, tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững ổn định. Lực lượng công an đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền địa phương giải quyết vấn đề tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, nhất là tại địa bàn nông thôn; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, phát huy hiệu quả, xây dựng nhân rộng nhiều mô hình điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải; có nhiều mô hình phát huy tác dụng, hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm, giữ vững, ổn định tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở như: Mô hình “Tự quản về an ninh, trật tự”, “Nông dân với pháp luật”, “Xóm đạo bình yên”, “Dòng họ an toàn về an ninh, trật tự”, “Dòng tộc không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Cụm liên kết an toàn về an ninh, trật tự khu vực giáp ranh”, “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”...; lực lượng công an xã chính quy ngày càng phát huy được vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.
Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; sẵn sàng các phương án để đối phó kịp thời và hiệu quả khi xảy ra tình huống phức tạp theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự...; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải...
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 202-2025, Bộ Công an đã tiến hành rà soát, nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng NTM. Sửa đổi bổ sung các văn bản về xác định xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự phù hợp với tình hình thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình.
Tính đến ngày 14/6/2023, Bộ Công an đã ký quyết định đưa 3.272/3.945 xã, thị trấn ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; hiện còn 580 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự thuộc 34 địa phương (có 93 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự có quyết định thành lập phường hoặc giải thể sáp nhập vào các đơn vị hành chính khác). Hiện, toàn quốc có 29 địa phương không còn xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Có 60/63 địa phương đang tiếp tục sử dụng 70.115 Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng NTM, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị điểm sơ kết xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đối với 14 địa phương. Đến nay, Bộ Công an đã tổ chức 02 Hội nghị điểm tại Quảng Trị và Bắc Giang, kết quả của hội nghị đã tạo được sự lan tỏa tích cực, nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện của nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chung tay xây dựng NTM ở địa phương.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn nông thôn được các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới từ phương pháp tiến hành, cách làm đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn trong tình hình mới; hệ thống văn bản hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được hoàn thiện. Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng thí điểm “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình “dân vận khéo” thực hiện tốt nhiệm vụ công tác công an hướng tới phục vụ nhân dân. Phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016 - 2021. Tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2022 tại 5.813 điểm trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Công an các địa phương trong thời gian qua cũng đã tích cực tham mưu xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; mô hình camera an ninh trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở ở địa bàn nông thôn. Lực lượng Công an xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì hoạt động của 70.502 Tổ an ninh nhân dân với 580.337 thành viên; 36.373 Tổ dân phòng với 327.354 thành viên; 185.657 Tổ tự quản với 1.685.890 thành viên; 129.822 các tổ chức quần chúng khác với 1.641.302 thành viên, qua đó góp phần quan trọng trong công tác giữ vững an ninh, trật tự tại cơ sở.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Công an xã với Dân quân tự vệ, trong đó, chú trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa công an xã Chính quy và Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn xã. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và gắn với thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác.
Từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, đến hết năm 2022, toàn quốc có 7.344 xã (89,17%) đạt chỉ tiêu 19.2 thuộc tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; có 1.989 xã (24,15%) đạt chỉ tiêu 19.2 thuộc tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; có 231 huyện (44,76%) đạt chỉ tiêu 9.4 thuộc tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025; có 21 huyện (4%) đạt chỉ tiêu 9.1 thuộc tiêu chí số 9 về an ninh, trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Quốc phòng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, hoàn thành các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; tích cực xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh toàn diện, bảo đảm giữ vững tiêu chí quân sự, quốc phòng trong xây dựng NTM. Đến hết tháng 7/2023 đã có 7.814 xã (95,6%) đạt tiêu chí về Quốc phòng và An ninh (giảm 0,3% so với cuối năm 2020); so với mục tiêu đến năm 2025 là có 99% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh thì kết quả đạt được đến nay đã gần đạt mục tiêu đề ra.
Phương hướng, nhiệm vụ thực hiện giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự xã hội nông thôn giai đoạn 2023-2025
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; nhiệm vụ phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG và Tổ công tác về Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ công tác công an theo nội dung thành phần số 10 thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội như: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM nói riêng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận của nhân dân và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia vào thực hiện công cuộc xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục sử dụng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ pháp luật, nghiệp vụ cho số cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.
Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.
Chủ động tham mưu, đề xuất kinh phí gắn với thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình./
Bích Thủy